Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh (1935-2023), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nguyên Chỉ huy trưởng Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo, tham gia hội thảo về Chiến dịch Bình Giã do Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam chủ trì, phối hợp với Trường Sĩ quan Lục quân 2, Bộ tư lệnh Quân khu 7 và Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 tổ chức khi đã ở tuổi 84, nhưng ông vẫn rất minh mẫn. Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông khẳng định: “Nét nổi bật trong Chiến dịch Bình Giã là sự phát triển của nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện”. Chúng tôi đã đánh khơi ngòi, rồi tập trung binh lực, hỏa lực tiêu diệt địch cả trong ấp chiến lược và quân chi viện, đánh bại các thủ đoạn chiến thuật “thiết xa vận” và “trực thăng vận” của đế quốc Mỹ. Đây là trận tiến công đầu tiên của bộ đội chủ lực Miền trên chiến trường Đông Nam Bộ.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh (thứ tư, từ trái sang) trò chuyện với cán bộ, học viên Trường Sĩ quan Lục quân 2, năm 2019. Ảnh: THÀNH HOÀNG

Ấp chiến lược Bình Giã (nay thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là ấp chiến lược kiểu mẫu, được địch bố trí phòng thủ kiên cố, vững chắc. Nhằm tạo bước đột phá và thay đổi cục diện chiến trường, đêm 30-11-1964, các đơn vị chủ lực của ta đã vào khu vực tập kết trên địa bàn chi khu Đức Thạnh, xung quanh ấp chiến lược Bình Giã, sẵn sàng chiến đấu. Đêm 2-12-1964, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đánh khơi ngòi, dùng pháo binh tập kích hỏa lực vào chi khu, mở màn Chiến dịch Bình Giã.

“Đại đội 445 bộ đội địa phương Bà Rịa do tôi là Chính trị viên, phối hợp với dân quân, du kích đánh vào ấp chiến lược Bình Giã, chiếm được 2/3 ấp, nhưng đến sáng thì địch dùng 15 máy bay trực thăng, 8 máy bay chiến đấu yểm trợ đổ Tiểu đoàn 38 biệt động quân xuống giải vây. Do quá chênh lệch lực lượng nên Đại đội 445 phải rút khỏi trận địa. Đêm 7-12, ta sử dụng lực lượng mạnh hơn, gồm Đại đội 445 phối hợp với 1 đại đội của Q761 (nay là Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4) tiến công ấp Bình Giã lần thứ hai. Trước giờ xuất phát, các đơn vị được thông báo, tại huyện Long Đất, dân quân, du kích các xã Long Hội Mỹ, Phước Hải liên tiếp bao vây đồn, bốt địch, cùng nhân dân nổi dậy làm chủ được 3 ấp. Bởi vậy, tinh thần của bộ đội lên cao ngùn ngụt”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh kể.

Lần tiến công thứ hai vào Bình Giã, quân ta áp dụng nghệ thuật “điệu hổ ly sơn”, đánh khơi ngòi nhử địch đổ quân để tiêu diệt các chiến đoàn chủ lực của chúng đến cứu viện, giải tỏa. Suốt mấy ngày liên tiếp, LLVT địa phương tổ chức các đợt tiến công uy hiếp tinh thần quân địch trong ấp chiến lược. Du kích các xã ngày đêm làm nhiệm vụ dẫn đường, tiếp lương, tải đạn, khiêng cáng thương binh, đào phá các trục lộ giao thông để ngăn chặn địch hành quân tiếp tế. Các trận đánh nhỏ lẻ thường xuyên diễn ra buộc Tiểu đoàn 38 biệt động quân ngụy phải bộc lộ đội hình, phân tán lực lượng, thuận lợi cho chủ lực ta tiêu diệt từng phần. Sáng 9-12, địch đưa Chi đoàn 3 thiết giáp thuộc Thiết đoàn 1 từ Bà Rịa lên giải tỏa Đường số 2, trấn an chi khu Đức Thạnh. Trên đường địch cơ động lên, do bộ đội Q762 (nay là Trung đoàn 2, Sư đoàn 9) bố trí phục kích xa nên không kịp chặn đánh, khi chúng trở về thì bị Q762 gài thế răng lược đánh thiệt hại nặng.

Đêm 27-12-1964, Đại đội 445 phối hợp với Tiểu đoàn 1 của Q761 bất ngờ nổ súng tiến công địch trong ấp Bình Giã. Với sức mạnh áp đảo, các mũi tiến công của ta đã giành thắng lợi, làm tan rã đội hình địch. Sau đó, Tiểu đoàn 1 được lệnh để Đại đội 2 trụ lại ấp Bình Giã sẵn sàng đợi lệnh. Lực lượng còn lại cơ động về đội hình của Q761, chuẩn bị đánh địch đổ quân bằng “trực thăng vận”. Đại đội 445 tiếp tục tham gia các hoạt động chiến đấu giữ vững mục tiêu đảm nhiệm.

Đại tá Nguyễn Văn Tòng, nguyên Chính ủy Q761, người trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu trong trận Bình Giã; hiện trú tại nhà riêng ở quận 3, TP Hồ Chí Minh, kể với chúng tôi: Đúng như dự kiến của chỉ huy Q761, sáng 28-12-1964, mấy tốp máy bay trực thăng của địch bay tới, chúng bắn phá để dọn bãi đổ quân, song đã vấp phải hỏa lực phòng không của ta bắn mãnh liệt, tạo thành lưới lửa trùm lên máy bay địch. Một số máy bay đi đầu trúng đạn, bốc cháy, rơi xuống bãi đổ bộ. Tốp bay sau dạt ra xa, nâng độ cao, tháo chạy. Sau một thời gian chấn chỉnh đội hình, buộc phải thay đổi vị trí đổ quân, máy bay địch chở Tiểu đoàn 33 biệt động quân đổ bộ xuống bãi Đông Nam Bình Giã, đúng khu vực Q761 đang phục kích. Chờ địch tiếp đất để đổ quân, bộ đội Q761 nổ súng tiến công quyết liệt, phần lớn tiểu đoàn địch bị tiêu diệt, một số tên bị bắt sống, trong đó có cố vấn Mỹ...

YẾN LONG