Tổ 3 người đặc biệt... 

Tháng 1-1954, từ một khu rừng cạnh Cầu Gồ (Yên Thế, Bắc Giang), đoàn quân thuộc Phân viện quân y dã chiến 12 (Phân viện 12) đi Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuộc hành quân được giữ bí mật rất cao. Các chặng đầu theo đường cái, tỉnh lộ, đi đêm để tránh máy bay địch. Chặng sau đi ven rừng, khi luồn rừng thì ngày đi, đêm nghỉ. Đoàn có một tổ 3 người đặc biệt. Tổ trưởng là nam giới, chừng 28-30 tuổi, lái chiếc xe đạp thồ có treo 2 ba lô, 2 bao gạo, đồ ăn thức uống, dụng cụ cấp dưỡng ở bên sườn xe. Tổ phó là nữ, kém tổ trưởng vài tuổi, trực tiếp làm cấp dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong tổ. Tổ viên là bé gái gần 2 tuổi, ngồi trong ghế mây trên khung xe, có màn chụp che gió bụi, được mọi người gọi là Ti Ti (theo chữ thêu trên yếm áo của bé). Xe lắc lư, Ti Ti thường chơi vui một lúc rồi ngủ li bì. Tổ phó địu tổ viên trước ngực, chống gậy dò dẫm. Lúc quá mỏi lại đặt tổ viên vào ghế mây, bám đội hình. Khi giải lao ngắn, tổ trưởng dựng xe vào gốc cây, lấy khăn quàng quấn đỡ đầu Ti Ti, buộc lên cành cây giữ cho Ti Ti ngồi yên mà ngủ. Khi nghỉ dài, Ti Ti nằm võng, tổ trưởng, tổ phó lăn ra thảm cỏ ngủ ngon lành.

leftcenterrightdel
Tập thể Phân viện 12 và bé Ti Ti tại Chiến dịch Điện Biên Phủ.  Ảnh do nhân vật cung cấp 

Trước ngày xuất phát hành quân, tổ trưởng bị sốt rét nặng. Sợ bị gạt ở lại, anh uống ký ninh gấp đôi liều quy định để nhanh cắt cơn. Cũng vì thế, da anh vàng khè. Sau hai tuần hành quân, qua Phú Thọ đến Yên Bái, tổ trưởng lại sốt rét. Mỗi ngày một cơn. Lại uống ký ninh liều cao. Nước da vàng khè giờ trở thành vàng nghệ. Mặc! Cốt để không bị tụt lại phía sau.

Đến nơi hạ trại. Phân viện bắt tay ngay vào làm lán để đón thương binh. Bận bịu tíu tít nhưng bộ phận hậu cần vẫn dựng một lán nhỏ bằng lá gồi cho tổ 3 người đặc biệt. Rất may, từ đó đến hết chiến dịch, tổ này không ai bị ốm hay sốt rét nữa.

Cả nhà vì thương binh, bệnh binh

Tại buổi gặp mặt kỷ niệm 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2009) do Ban liên lạc truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP Hồ Chí Minh tổ chức, bác sĩ Lê Thân, nguyên quân y sĩ Phân viện 12, nguyên tổ trưởng tổ 3 người đặc biệt kể: “Trong Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (1951), vợ chồng tôi đều là quân y sĩ, cùng công tác trong một khu thương binh, bệnh binh thuộc bệnh viện dã chiến phục vụ chiến dịch. Tôi vừa làm công tác chuyên môn vừa đảm nhiệm Chính trị viên đơn vị. Vợ tôi là Đỗ Thị Hoàng Dung, Trưởng khu Điều trị thương binh nặng. Chiến dịch kết thúc, cấp trên cho sáp nhập Phân viện 1 và Phân viện 2 của bệnh viện dã chiến này thành Phân viện 12.

Năm 1952, chúng tôi sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Lê Thị Đỗ Hương, thường gọi là Ti Ti. Tháng 1-1954, Phân viện 12 nhận lệnh đi phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Vợ chồng tôi đều là cán bộ quân y đầu tiên từng phục vụ các chiến dịch trước, cùng là đảng viên, thực sự rất cần cho Mặt trận Điện Biên Phủ lúc đó. Tuy nhiên, chúng tôi có con nhỏ nên cấp trên chỉ chấp nhận để tôi đi chiến dịch. Còn mẹ con cháu ở lại phía sau. Chúng tôi liền viết quyết tâm thư, cam đoan không vì con nhỏ đi cùng mà ảnh hưởng đến công tác. Rất may, lãnh đạo, chỉ huy Phân viện 12 đồng ý. Để bảo đảm cho cả gia đình đi chiến dịch, vợ chồng tôi bán hết nhẫn cưới, đồng hồ đeo tay, vét hết tiền dành dụm bấy lâu để mua chiếc xe đạp cà tàng, không đèn, không chắn bùn, nhưng phanh và săm lốp khá tốt, để chở Ti Ti và đồ dùng sinh hoạt.

Phân viện 12 lúc ấy chỉ có Phân viện trưởng và Phân viện phó là tay nghề cao nhất thì bị “hút” vào mổ xẻ là chính. Các việc còn lại, chúng tôi đảm nhiệm. Vợ tôi phụ trách khu khinh thương (thương binh nhẹ) và bệnh binh. Tôi phụ trách khu trung thương và trọng thương, gồm cả cấp cứu và phòng mổ. Bận rộn vô cùng. Phân viện lại chỉ được phép giữ thương binh, bệnh binh từ 10 đến 15 ngày. Bởi vậy, đồng thời với tích cực chữa thương, đưa số anh em đã khỏe về đơn vị tiếp tục chiến đấu, phải khẩn trương đưa các anh em bị thương nặng, không còn khả năng chiến đấu về tuyến sau điều trị. Chúng tôi chỉ còn biết đặt nhiệm vụ lên trên hết. Nửa cuối chiến dịch là căng thẳng nhất. Ăn vội, ngủ vội, mặt mũi hốc hác. Chỉ có hai con mắt là điểm sáng.

leftcenterrightdel

Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Dung và con gái - bác sĩ Lê Thị Đỗ Hương. Ảnh do nhân vật cung cấp

Các chú thương binh rất quý mến Ti Ti. Phần vì gần gũi cháu thì cảm thấy như có một chút hơi ấm quê nhà. Phần vì muốn trông nom cháu để chúng tôi đỡ chút vất vả. Các chú bị thương nhẹ thường đưa Ti Ti về lán chăm sóc. Vợ chồng tôi, ai rảnh tay được mươi phút là lại đi tìm con. Có lần tìm qua mấy lán mà không thấy con đâu, thương binh mới lại đang về... đành phó mặc con cho mọi người! Sau hơn một ngày không gặp con, lại liên tục đón thương binh, bất ngờ có tiếng gọi: “Mẹ!”. Theo phản xạ, nhà tôi quay ra, thấy Ti Ti đang được một chú thương binh đầu quấn băng bế, liền ôm choàng lấy cháu. Ti Ti mập mạp, nói líu lo. Chú thương binh xin lỗi vì đã chuyền tay đồng đội giấu kín cháu để bố mẹ cháu rảnh tay cứu chữa thương binh. Chúng tôi vô cùng cảm động vì các chú đã nhường một phần suất ăn tiêu chuẩn cho cháu. Lần khác, chúng tôi đi tìm Ti Ti khắp các lán. Lúc nghe tiếng cháu khóc thì ôi thôi... trên cành cây cao, chú thương binh bị rối loạn thần kinh đang dỗ Ti Ti nín. Chúng tôi phải nhẹ nhàng động viên để chú từ từ đưa cháu xuống. Xong, lại tươi cười trao cháu cho các chú để tập trung vào nhiệm vụ.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Thương binh được đưa dần về phía sau. Vợ chồng tôi có điều kiện chăm sóc Ti Ti nhiều hơn. Nhưng các chú vẫn ngày ngày đón cháu trước giờ làm việc và giữ cháu ở lại lán cho vui. Nhà tôi phải viết dòng chữ: “Xin các bác, các chú không cho cháu ăn nhiều quá để giữ vệ sinh cho cháu” vào miếng bìa sách rồi cho cháu đeo trước ngực. Cháu thấy thế thì thích thú, gặp ai cũng kéo ra khoe. Chẳng mấy chốc mà tấm bìa rách, rơi mất. Các chú lại cho cháu ăn đến căng bụng.

Trong đêm liên hoan Phân viện 12 chuẩn bị đi nhận nhiệm vụ mới, vui quanh đống lửa hồng, Ti Ti ở giữa liên tục đứng lên, ngồi xuống và đòi các chú thương binh làm theo. Mẹ cháu phải ngăn lại. Một chú trạc 25 tuổi, là cán bộ đại đội, đầu còn quấn băng, liền đứng lên nói: “Cảm ơn các y, bác sĩ, đặc biệt là vợ chồng bác sĩ quân y đã mang cả con nhỏ mới 2 tuổi ra sát hỏa tuyến chăm lo cho thương binh, bệnh binh. Cháu đã “làm công tác tư tưởng” rất diệu kỳ, khiến thương binh quên cả đau đớn, gian khổ. Không ai ngờ rằng, trong đạn bom ác liệt, mang trên người vết thương, lại được nghe tiếng con trẻ, lại được bồng bế cháu bé con của đồng chí quân y đang chữa trị cho mình”. 

Lớn lên, bé Ti Ti Lê Thị Đỗ Hương trở thành bác sĩ, công tác tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhớ lại chuyện xưa, xin dâng nén tâm nhang tưởng nhớ Đại tá, bác sĩ Lê Thân đã từ trần năm 2018. Vợ ông-Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Dung-ở tuổi 98 (hiện ở quận 7, TP Hồ Chí Minh) vẫn mạnh khỏe, vui vầy bên con cháu.

PHẠM XƯỞNG