Đại tá Ngô Thanh Hải kể: “Sau đợt công tác phục vụ chiến dịch đông xuân 1970, các trinh sát bảo vệ chính trị an ninh Quảng Đà được lệnh về lại căn cứ Hòn Tàu để chỉnh huấn và chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Tôi theo giao liên đi qua Xuyên Thanh xuống Xuyên Trường để vào căn cứ. Đoàn hôm ấy có tất cả hơn 30 người, phần lớn là cán bộ binh vận, hội trưởng phụ nữ các địa phương và an ninh Duy Xuyên. Dọc đường đi, biệt kích địch đóng trên đồn Nổng Đế dùng ống nhòm hồng ngoại, phát hiện ra đội hình của ta đang di chuyển. Chúng liền triển khai đón sẵn tại Chiêm Sơn đầu cầu Kỳ Lam.

Mặc dù tương quan lực lượng không cân sức, địch đông, có hỏa lực mạnh, quân ta chỉ có súng AK và lựu đạn vẫn dũng cảm đánh trả, khiến nhiều tên địch bị thương vong. Tuy nhiên, địch đông, ta phải rút lui. Quá trình chiến đấu, tôi bị thương nặng ở hai chân, cố lết vào đến hang đèo Đá Mái, khu Xuyên Trường, Duy Sơn. Ở trong hang lúc đó còn có bà Mạc Thị Thu Huyền, Hội trưởng Hội Phụ nữ Giải phóng huyện Đại Lộc. Bà Huyền bị gãy xương bả vai trái, mất nhiều máu, ngất xỉu... Sau khi cầm máu ở chân xong, tôi cũng thiếp đi lúc nào không biết”.

leftcenterrightdel

Ông Ngô Thanh Hải (hàng đầu, ngoài cùng, bên phải) trong buổi gặp mặt cán bộ, chiến sĩ an ninh Quảng Đà từng công tác trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Ngày hôm sau, khi mặt trời lên quá rặng cây, ông Hải giật mình nghe tiếng động nhẹ và thấy một bóng người xuất hiện ngay cửa hang. Căng mắt quan sát, nhận ra đó là một phụ nữ nhỏ nhắn, đã luống tuổi, đang lom khom nhặt củi. Ông thở phào, cất tiếng yếu ớt: “Chào mẹ. Con là quân giải phóng đánh nhau với quân Mỹ bị thương...”. Người phụ nữ cũng giật mình hoảng sợ, hai tay nắm chặt cây thánh giá đang đung đưa trước cổ. Sau giây phút trấn tĩnh, bà đặt hai tay trên đầu anh thương binh, nghẹn lời: “Mẹ là giáo dân ở Trà Kiệu, con trai mẹ cũng chừng tuổi con, nó bị bắt lính đưa ra Quảng Trị không biết còn sống hay chết”. Dừng một lát, mẹ chép miệng thở dài “chiến tranh” rồi lặng lẽ thò tay vào túi xách lấy ra nắm cơm đã chuẩn bị cho bữa trưa của mình và bảo: “Hai chị em ăn đi. Cố gắng ăn cho khỏe các con, để về lại đơn vị”. Sau khi cùng với bà Huyền ăn xong nắm cơm giữa cơn đói lả, ông Hải cởi chiếc đồng hồ Seiko trên tay nhờ mẹ xuống Trà Kiệu bán và mua thuốc kháng sinh.

Sáng hôm sau, mẹ mang đồ tiếp tế vào hang, trong gói cơm có nhét thuốc penicillin và thuốc bổ. Nhờ có thuốc kháng sinh và thuốc bổ của bà mẹ Trà Kiệu mang đến, ông Hải thấy khỏe hơn. Trong đêm, ông Hải rời hang để tìm đường về hậu cứ. Còn bà Huyền vì còn quá yếu không đi được, mấy hôm sau bị địch bắt. Bằng tinh thần cương quyết không khai báo, bà Huyền chỉ bảo mình là dân thường bị bom rơi đạn lạc nên địch chuyển bà ra Đà Nẵng điều trị. Khi vết thương lành hẳn, địch không khai thác được gì, nên bà Huyền được phóng thích về quê. Sau đó, bà Huyền được cơ sở cách mạng đưa trở lại vùng giải phóng tiếp tục công tác. Hiện nay, bà Huyền đã 91 tuổi, sống tại xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất, không ít lần ông Hải cùng vợ là Lâm Thanh Phong, nguyên nữ điều dưỡng chiến trường Quảng Đà trở lại chiến trường xưa, nhờ bà con xã Xuyên Trường, Linh mục Mai Văn Tôn, Quản xứ nhà thờ Trà Kiệu và cả Công an huyện Duy Xuyên tìm giúp người mẹ năm nào, nhưng đều biệt tin. Có thể do bom đạn chiến tranh hay tuổi tác già nua, mẹ không còn nữa, nhưng tấm lòng và sự chở che của người mẹ Trà Kiệu đã cứu sống mình, ông Hải luôn ghi khắc trong tim...

ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP