Đầu năm 1967, đồng chí Phạm Văn Việt là Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Công binh 10 (Bộ tư lệnh 559). Ban chỉ huy Đại đội 5 bấy giờ có Đại đội trưởng Nguyễn Vũ Khanh và Chính trị viên Phạm Văn Cận. Đại đội chịu trách nhiệm mở tuyến đường ngang từ đất Lào qua dãy núi A Túc, thuộc địa phận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên (nay là TP Huế).
Tuy nhiên, đến địa phận xã Hồng Vân thì phải đi qua một con suối (bộ đội ta gọi là suối A Túc), rộng chừng 4-5m. Mùa khô, mực nước suối A Túc khoảng trên dưới 1m, nhưng đáy suối rất lầy. Địa hình hai bên suối lại trống trải. Vì vậy, khi đoạn đường lên xuống hai bên bờ suối mở ra thì địch lập tức phát hiện và tập trung máy bay đánh phá rất ác liệt.
Nhiệm vụ bảo đảm giao thông đoạn đường hai bên bờ suối do trung đội của Phạm Văn Việt và một trung đội của Đại đội 6, do đồng chí Thắng (quê ở tỉnh Hà Bắc) làm trung đội trưởng đảm nhiệm. Ngay trong ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, trung đội của Phạm Văn Việt (ở bờ Bắc) phải bắc xong một chiếc cầu dã chiến có chiều dài khoảng 10m, rộng 3m. Sau khi xe vượt qua, trung đội của đồng chí Thắng (ở bờ Nam) phải dỡ cầu giấu đi trước khi trời sáng.
Ông Việt kể: “Đêm đầu tiên bắc cầu, không ánh trăng, không đèn, chúng tôi cứ theo tiếng nói của nhau mà đi về phía trước. Khiêng, vác, lôi vật liệu... từ các vị trí tập kết ra, rồi đào mố, bắc cầu. Những chiến sĩ tuổi 18, 20, bữa chiều mỗi người chỉ có một bát cháo sắn, làm việc liên tục, không có nghỉ giải lao, thậm chí nước cũng không kịp uống. Giữa đêm đông mà ai nấy đều lã chã mồ hôi. Cầu vừa bắc xong thì cũng là lúc chúng tôi nghe thấy tiếng xe rì rầm từ xa vọng lại. Chẳng ai có đồng hồ nên không biết mấy giờ rồi. Chỉ biết rằng chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ bắc cầu đúng (hoặc trước) giờ quy định ít phút. Cả trung đội tôi (22 người) không ai bảo ai cứ thế đứng thành hàng dọc hai bên đường vào cầu, vỗ tay chào đón những chiếc xe nặng trĩu hàng lao lên phía trước. Không nhìn rõ mặt nhau, các chiến sĩ lái xe quờ tay qua cửa xe tìm bàn tay của những lính công binh, cố nắm chặt lấy vài giây!”.
    |
 |
Vợ chồng Đại tá Phạm Văn Việt. Ảnh: MINH TÚ |
Chuyến xe đầu tiên lưu thông thuận lợi. Sáng hôm sau, toàn bộ mặt cầu do trung đội của đồng chí Việt thi công đã được trung đội của đồng chí Thắng tháo dỡ, giấu đi. Trong khi chỉ huy hai đơn vị đang hội ý thì hai chiếc máy bay L-19 của địch lao tới. Mọi người tránh xa vị trí cầu, tìm nơi ẩn nấp. Mới chạy được khoảng 60m, có người còn chưa kịp xuống hầm thì hai chiếc máy bay AD-6 ập đến. Chúng lượn quanh mấy vòng rồi lao xuống, mỗi chiếc cắt hai loạt bom và đi luôn.
“Từ dưới hầm lên, tôi chạy vội xuống kiểm tra cầu thì tất cả không còn dấu vết gì nữa. Hố bom chồng lên nhau. Bờ suối đã biến dạng. Tôi tìm đồng chí trung đội phó và 3 đồng chí tiểu đội trưởng để hội ý. Đây cũng là toàn bộ đảng viên trong tổ đảng của trung đội. Chúng tôi nhận định: Khả năng do trung đội của đồng chí Thắng khi dỡ cầu vẫn để lại dầm cầu nên địch đã phát hiện và tổ chức đánh phá. Toàn trung đội cần khẩn trương chuẩn bị để đêm nay bắc lại cầu. Chắc chắn sẽ khó khăn hơn rất nhiều, do đó phải chuẩn bị sẵn tinh thần cho anh em, dù khó khăn, gian khổ thế nào cũng quyết bám trụ đến cùng để hoàn thành nhiệm vụ”, Đại tá Phạm Văn Việt nhớ lại.
Đêm hôm đó, trung đội của đồng chí Việt tiếp tục thông cầu đúng thời gian quy định, kịp tiễn hàng chục chuyến xe vào phía trong an toàn. Trung đội của đồng chí Thắng ở bờ Nam cũng thực hiện dỡ sạch mố cầu. “Nhưng khoảng 14 giờ ngày hôm sau, máy bay địch lại kéo đến đánh phá mạnh hơn, sâu cả về hai bên đầu đường lên xuống cầu hàng trăm mét. Sau khi khảo sát, chúng tôi bàn phương án khắc phục và quyết định làm cầu trệt, vì hai bên bờ suối, bom địch đã phá nát hết, không còn chỗ để dựng mố cầu.
Chiếc cầu trệt chúng tôi làm đêm đó chỉ có hai vệt, mỗi vệt gồm 3 cây gỗ đường kính 20-30cm ghép lại bằng dây rừng rồi đóng cọc dìm xuống lòng suối. Còn lại hai bên đường lên xuống thì bộ đội chỉ việc lấy xẻng, cuốc san qua là xe đi được. Khi chiếc xe đầu tiên xuống đến bờ suối, đồng chí lái xe thò đầu qua cửa xe hỏi cầu đâu, tôi chỉ xuống mặt nước lấp loáng bóng gỗ lờ mờ trong đêm, trả lời: “Cầu dưới suối này. Các cậu cứ đi đi, đã có chúng tớ xi-nhan và đứng hai bên làm cọc tiêu rồi”. Khi xe qua hết, trung đội của anh Thắng chỉ còn làm một việc là ngụy trang, xóa dấu vết hai bên đường lên xuống, lấy cành cây mà địch vừa đánh gãy ngổn ngang quanh đó vứt xuống cả hai bên đường và mặt suối nữa là xong. Hôm sau, bọn L-19 tới rà đi rà lại mãi vẫn không thấy gọi AD-6 đến nữa, chắc chúng đã thông báo với nhau rằng ta bỏ cuộc rồi. Nhưng chúng không ngờ rằng, từ đêm đó trở đi, chúng tôi chỉ việc dọn ngụy trang, sửa lại một chút hai vệt cầu là hàng chục “con tuấn mã” Trường Sơn băng qua được”, Đại tá Phạm Văn Việt bồi hồi nhớ lại.
TIẾN ÍCH