QĐND - Quân dân y kết hợp, đó là một cách làm nhất quán của ngành y. Đặt nền móng cho truyền thống vẻ vang này là các thầy thuốc nổi tiếng của y tế Việt Nam như: Phạm Ngọc Thạch, Vũ Văn Cẩn, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Tấn Gi Trọng… nhưng không thể không nhắc đến tên tuổi của một bác sĩ người Nam Bộ, từng là Tổng thanh tra Quân y Việt Nam, Phó giám đốc Sở Y tế quân dân Nam Bộ, Hiệu trưởng Trường đào tạo cán bộ y tế trung, cao cấp Miền… Đó là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (1911-2006).
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp sinh ngày 15-3-1911 trong một gia đình nông dân tại xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Sớm có tinh thần yêu nước, mới 15 tuổi ông đã tham gia truy điệu, để tang nhà chí sĩ Phan Chu Trinh nên bị đuổi học khỏi trường công ở Bến Tre. Ông lên Sài Gòn xin vào Trường tư thục Huỳnh Khương Ninh. Với sức học trội bật, ông học nhảy lớp. Năm 1928, ông đỗ thứ nhì bậc trung học cơ sở Brevet élementaire, được chính thầy Huỳnh Khương Ninh vận động xin cho học bổng học tiếp ở Trường Sát-xơ-lu-lô (Chasseloup Laubat), một trường nổi tiếng ở Sài Gòn thuở ấy. Năm 1931 ông thi đỗ vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội, 6 năm sau có bằng bác sĩ hạng ưu và được sang Pa-ri (Pháp) tu nghiệp trong 2 năm. Năm 1939 ông về nước mở phòng mạch tư ở thị xã Mỹ Tho.
|
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp hồi ở chiến khu miền Đông (1966). Ảnh tư liệu
|
Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra, ông tham gia công tác tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh tỉnh Mỹ Tho. 23-9-1945, Nam Bộ kháng chiến, một tháng sau quân Pháp tái chiếm Mỹ Tho, ông cũng chính thức thoát ly gia đình, gia nhập Vệ quốc đoàn. Bước ngoặt trong cuộc đời bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là vào tháng 3-1946, khi đang phụ trách cứu thương ở mặt trận cù lao An Hóa, ông được gọi về Khu 8 tham gia phái đoàn cùng các ông Ca Văn Thỉnh và bà Nguyễn Thị Định ra Bắc gấp để báo cáo tình hình với Trung ương xin chi viện vũ khí cho Nam Bộ. Tại Thủ đô, phái đoàn được Hồ Chủ tịch tiếp, thăm hỏi và sau đó ông được giữ lại công tác ở Cục Quân y vừa mới thành lập. Cuối năm 1946, Toàn quốc kháng chiến, ông rời Hà Nội đi thanh tra quân y ở Bắc Bộ và Liên khu 4. Sau đó, do có nguyện vọng được về quê hương chiến đấu, ông tiếp tục đi sâu mãi vào phương Nam với trách nhiệm Tổng thanh tra quân y. Giữa năm 1947, ông cùng bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng vừa từ Sài Gòn ra chiến khu bắt tay xây dựng ngành y tại căn cứ, được cử làm Phó giám đốc Sở Y tế quân dân y Nam Bộ, trực tiếp phụ trách các tỉnh Khu 8.
Năm 1954, quân Pháp bại trận ở Điện Biên Phủ. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ ông tập kết ra Bắc, là trưởng ban Huấn luyện Bộ Y tế, sau là Hiệu trưởng Trường Cán bộ y tế Trung ương. Năm 1965, tiếng súng kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ miền Nam vọng ra đã thôi thúc ông trở lại quê hương. Tại Bộ chỉ huy Miền, ông đảm trách công tác đào tạo cán bộ, nhân viên y tế và trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh tại bệnh viện của Miền mang tên liệt sĩ Hoàng Lệ Kha. Bà Đoàn Thúy Ba, hiện ở TP Hồ Chí Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhớ lại: “Năm ấy tôi học lớp y tá Miền do thầy Trần Hữu Nghiệp giảng dạy. Thầy lên lớp bao giờ cũng thu hút chúng tôi do cách diễn đạt khúc chiết, lô-gích, đôi khi hài hước, dí dỏm. Thầy còn là pho sử sống về nền y tế cách mạng, những gương hy sinh của cán bộ y tế mà thầy đã kể còn in đậm trong tâm khảm chúng tôi đến ngày hôm nay. Và chính thầy là một mẫu mực về y đức: Xả thân vì người bệnh. Lần ấy vào lúc nửa đêm, có tin báo một chị cán bộ trong cơ quan đang trở dạ, là một ca đẻ khó. Thầy trò choàng túi cứu thương, đốt đuốc lá dừa xuyên rừng đến nơi ngay. Đứa trẻ đã được đỡ ra oe oe cất tiếng khóc chào đời, nhưng sản phụ đang kiệt sức do bị “nhau tiền đạo”, máu tuôn xối xả. Ngón tay thầy bấm chặt vào động mạch bụng của sản phụ để cầm máu và bảo chúng tôi: Máu thầy thuộc nhóm B, hãy xem sản phụ nhóm máu gì? May sao chị cũng cùng nhóm máu, vẻ mặt thầy bớt căng thẳng, ra lệnh tiếp: Lấy máu thầy chích thẳng vào tĩnh mạch cho sản phụ! Bằng cách tiếp máu trực tiếp, kịp thời như vậy đến sáng đã cứu được người mẹ. Tôi còn được chứng kiến một ca cấp cứu khác của thầy. Có anh chiến sĩ trẻ bị đạn địch bắn nát chân đưa về hậu cứ. Vết thương đã hoại tử, đành phải cưa chân để cứu người. Phương tiện lúc đó quá thiếu, thầy mổ chính, đã động viên anh thương binh: Không có thuốc gây mê, gây tê, rất đau đấy, em ráng chịu nghen! Anh thương binh mất nhiều máu mặt nhợt nhạt, nhưng còn tỉnh táo. Bỗng anh đề nghị kíp mổ dừng vài phút. Mọi người chưa hiểu chuyện gì, thì anh bất ngờ cất tiếng hát bài Tiến quân ca. Dường như bài ca đã lấy lại tinh thần cho anh, hát xong anh nhỏ nhẹ bảo: Bắt đầu được rồi, thưa bác sĩ. Thầy cầm con dao phẫu thuật lên mà dòng lệ chảy dài trên gò má, chúng tôi thì ai cũng mím môi để khỏi bật ra tiếng khóc khi phụ mổ cùng thầy…”.
Năm 1966, tại chiến khu, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được đứng trong đội ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại sao tham gia cách mạng đã hơn 20 năm bác sĩ mới vào Đảng? Lần ra Hà Nội năm 1946, chính Bác Hồ đã yêu cầu bác sĩ cùng các ông: Nguyễn Xiển, Hoàng Minh Giám lập Đảng Xã hội, đảng của trí thức yêu nước để tham gia vào Chính phủ Cách mạng lâm thời ngày đó. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp buổi đầu tham gia đảng khác là do yêu cầu của cách mạng và đã đến lúc ông chính thức đứng trong đội ngũ người Cộng sản, mà như cách nói của nhà văn Trầm Hương trong cuốn Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp - thầy thuốc nhân dân, nhà văn, nhà báo do Hội Y học TP Hồ Chí Minh xuất bản năm 2011 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông, đó là “Người Cộng sản được viết hoa đúng nghĩa”. Nhà thơ nữ Lê Giang, sinh năm 1930, hiện ở TP Hồ Chí Minh, nhớ lại: “Giữa năm 1966, dưới cánh rừng miền Đông Nam Bộ, chi bộ tổ chức lễ kết nạp, tôi được phân công chuẩn bị lời thề cho ông. Nhưng ông bảo: Khỏi cần, tôi tự thề. Lời thề của chính trái tim ông, đã được thể hiện trong từng việc làm cụ thể cho người bệnh, học trò, đồng nghiệp…”.
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn là người phổ biến kiến thức y học không biết mệt mỏi. Từ năm 1943 ông đã in cuốn Phép nuôi con; năm 1962 có cuốn Chữa bệnh cho con khi xa thầy thuốc; năm 1975: Chủ động bảo vệ hạnh phúc gia đình; năm 1978: Nói chuyện với người uống rượu; năm 1981: Nói chuyện với người hút thuốc… Ông có 6 người con, đến nay tất cả đều thành đạt trong xã hội. Hồi năm 1947, các con ông còn thơ bé, phải xa chúng để đi làm cách mạng, ông đã có bài thơ Nhớ con thật cảm động: Ra đi con Dũng mới u ơ/Hai trẻ Trí-Dung quá dại khờ/Chân bước xuống xuồng ba rớm lệ/Hôn con, dặn lại gì bây giờ… “Dũng” chính là Giáo sư, Tiến sĩ kinh tế nổi tiếng Trần Hữu Dũng đang giảng dạy và nghiên cứu tại Mỹ.
Phạm Quang Đẩu