Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cô bé Điểm, quê xã Hòa Hương, huyện Tam Kỳ (nay là phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ), tỉnh Quảng Nam được đi học văn hóa. Cô tham gia Đoàn Thanh niên học sinh xung phong đi tuyên truyền thu thuế nông nghiệp, vận động thanh niên tòng quân giết giặc và dạy bình dân học vụ, bổ túc văn hóa cho nhân dân. Năm 1954, vừa tròn 20 tuổi, cô gái Trần Thị Điểm lấy chồng là Đinh Văn Niệm, cán bộ địa phương và trở thành cán bộ công tác ở Huyện ủy Tam Kỳ.
Sau Hiệp định Geneva, ngụy quyền Sài Gòn ráo riết rà soát, bắt bớ, giam cầm cán bộ cách mạng. Chồng bà Điểm cũng bị bọn chúng bắt giam tại nhà lao quận Tam Kỳ. Không tìm được chứng cứ, chúng buộc phải thả ông.
Để chuẩn bị lực lượng cho miền Nam sau này và bảo vệ cán bộ, đầu năm 1955, chồng bà được tập kết ra Bắc. Bà Điểm ở lại quê hương, vừa làm ruộng, buôn bán kiếm sống, vừa cùng bà con địa phương đấu tranh chính trị, vạch mặt bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Geneva. Bà Điểm và một số anh em cơ sở bị bọn an ninh bắt. Chúng bắt bà viết tường trình về việc chống chính quyền và khai báo cơ sở bí mật, rồi giam bà vào nhà lao quận Tam Kỳ một thời gian.
Bà Điểm nhớ lại: “Một buổi tối đầu tháng 7-1959, tôi vừa ở huyện Cẩm Khê về nhà mẹ chồng thì mấy tên ngụy quyền quận Tam Kỳ ập đến bắt giải tôi lên quận tra hỏi, dọa nạt, bắt khai cơ sở cách mạng. Không khai thác được gì, chúng thả tôi ra. Hai hôm sau, tôi đang ở Tam Kỳ thì nửa đêm, 5 tên an ninh đến bắt tôi đưa lên nhà giam quận. Chẳng nói chẳng rằng, chúng trói quặt hai tay tôi ra sau lưng, bắt đứng lên bàn, lấy dây chão buộc vào hai tay, rút lên xà nhà. Tôi bị treo lơ lửng giữa nhà, hai khớp vai bị thân người kéo xuống đau nhói. Uất ức và căm phẫn tột độ, tôi dồn sức nhoài người, dùng hai chân quắp vào cổ một tên. Nó tức tối, gỡ chân tôi ra và lấy thanh gỗ đánh tôi tới tấp. Toàn thân tôi nhiều chỗ thâm tím, rỉ máu, đau đớn. Sáng ra, bọn an ninh lôi tôi lên xe, đưa nhốt vào xà lim, chỉ có một lỗ thông hơi nhỏ bằng bàn tay. Suốt 20 ngày, mỗi ngày chúng chỉ cho tôi ăn hai vắt cơm với muối và ca nước lã để uống...”.
|
|
Trần Thị Điểm tại Tam Kỳ, Quảng Nam (năm 1958). Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Sau 3 tháng bị giam cầm, tra tấn nhiều lần, bà Điểm một mực kêu oan, ngụy quyền Tam Kỳ phải thả bà về và bắt mỗi ngày lên trụ sở xã trình diện một lần. Chúng còn buộc bà tập trung học cải huấn, đứng sám hối. Có thời gian chúng bắt bà đem gạo, đem giường đến ăn ngủ ở trại cải huấn cả tháng trời. Trước tình hình này, để tránh cho bà rơi vào tay địch, trên quyết định để bà vào Sài Gòn. Biết vào Sài Gòn xa quê hương, gia đình, đồng chí, một mình nuôi, chăm sóc con là gian khổ nhưng bà quyết tâm lên đường. “Tôi một lòng tuân theo sự sắp xếp của tổ chức, mong ngày thống nhất đến sớm để gia đình được đoàn tụ”, bà nói.
Tới Sài Gòn, bà được giới thiệu đến ở nhờ một gia đình thợ dệt để vừa học nghề, làm việc kiếm sống, vừa tiếp xúc với công nhân và nhân dân, bí mật tuyên truyền về đường lối tiến hành vũ trang cách mạng giải phóng miền Nam. Bà còn động viên mọi người tham gia đấu tranh chính trị, chống lại sự đàn áp, tù đày của ngụy quyền Sài Gòn và phổ biến bài hát “Giải phóng miền Nam” tới một số công nhân. Trong hai năm ở Sài Gòn, bà Điểm chịu khó học nghề dệt vải. Tay nghề của bà dần khá lên, thu nhập ngày càng cao, tự túc được lương thực, thực phẩm, quần áo của hai mẹ con và hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức giao.
Cuối năm 1962, một số cơ sở của ta có người Quảng Nam hoạt động ở Sài Gòn bị lộ. Ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn ráo riết lùng sục, bắt bớ, tổ chức quyết định chuyển bà Điểm về Rạch Giá (nay là Kiên Giang) công tác.
Tỉnh Rạch Giá có một số vùng được giải phóng sau năm 1960, nhưng đời sống nhân dân còn nghèo, trẻ em và nhiều người lớn chưa biết chữ hoặc biết sơ sơ, hiểu biết về đường lối cách mạng vẫn hạn chế. Biết bà Điểm đã học hết lớp 7 phổ thông tại Tam Kỳ, tổ chức tỉnh Rạch Giá phân công bà về Ban Tuyên huấn huyện An Biên, làm trưởng ngành giáo dục, cùng đồng nghiệp tổ chức lớp và tham gia giảng dạy văn hóa cho thiếu niên, dạy bình dân học vụ, bổ túc văn hóa, bồi dưỡng trình độ chính trị cho thanh niên, nhân dân và cán bộ địa phương.
|
|
Bà Trần Thị Điểm kể lại những năm tháng hoạt động cách mạng. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Bà Điểm cùng đồng nghiệp vận động nhân dân địa phương ủng hộ đất đai, nguyên vật liệu xây dựng trường, làm hầm trú ẩn và cho con em đi học. Bà còn xin đất trồng lúa, học cách giăng câu để kiếm tôm cá, tự túc một phần lương thực, thực phẩm hằng ngày. Bà Điểm kể: “Trong điều kiện thiếu tài liệu giảng dạy, tôi đã chủ động tham khảo sách giáo khoa cũ để biên soạn giáo án. Nhiều ngày, máy bay Mỹ quần thảo, bắn phá gần trường, tôi vẫn bình tĩnh đứng lớp. Có ngày, để bảo đảm an toàn cho học sinh, tôi dạy vào ban đêm. Tôi vừa dạy phổ thông vừa dạy bình dân học vụ, bổ túc văn hóa cho một số người dân và cán bộ cơ sở. Cùng với đó, tôi theo học các lớp tập huấn nghiệp vụ của tỉnh, của Khu 9, tìm sách giáo khoa cấp 3 để tự học. Đến năm 1968, tôi đã có trình độ tương đương lớp 10. Ngoài ra, tôi còn tham gia các lớp tập huấn chính trị của huyện, tỉnh và thường xuyên nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải phóng để nắm đường lối, chủ trương của Đảng, của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, truyền đạt tới nhân dân địa phương”.
12 năm công tác ở Rạch Giá, bà Điểm đã cùng đồng nghiệp dạy văn hóa cho hàng nghìn học sinh, nhân dân, cán bộ địa phương, giúp mọi người có kiến thức nhiều mặt, vận dụng vào cuộc sống và tham gia công tác xã hội, tòng quân giết giặc. Nhiều người đã trở thành cán bộ nòng cốt ở thôn, xã.
Được mẹ và cô bác dạy dỗ, năm 1967, cậu bé Đinh Hồng Thái-con trai bà Điểm-được tổ chức chọn đi học Trường Lý Tự Trọng của Khu 9. Ra trường, Đinh Hồng Thái về công tác tại cơ quan điện báo khu... Sau ngày Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973), việc thông tin, đi lại giữa hai miền Nam-Bắc thuận lợi hơn trước. Bà Điểm được Tỉnh ủy Rạch Giá bố trí ra Bắc. Bà có mặt ở Hà Nội ngày 20-1-1974. Gặp lại người chồng thân yêu sau 19 năm xa cách và cậu con trai được Khu 9 đưa ra Bắc học tập mấy năm trước đó, bà mừng mừng tủi tủi. “Muốn nói với chồng: “Anh ơi, em đã thực hiện được lời hứa với anh, ở lại miền Nam tiếp tục hoạt động cách mạng, nuôi con và chung thủy đợi anh”, nhưng tôi không nói nên lời...”, bà Điểm xúc động nhớ lại khoảnh khắc đoàn tụ. Sau ngày sum họp với chồng con, bà Điểm được tổ chức bố trí đi chữa bệnh, an dưỡng. Rồi bà được điều về làm việc tại Văn phòng Chính phủ và chuyển sang Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương... Với thành tích hoạt động cách mạng, bà Điểm đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng...
DUY THỦY