“Bức thư này chị Mai viết cho tôi trước ngày bước vào trận chiến đấu mới. Tôi đã giữ nó hơn 50 năm”, cựu chiến binh (CCB) Trần Chiến Chinh nói và đưa cho tôi xem lá thư của liệt sĩ Nguyễn Thị Xuân Mai, sinh năm 1948; quê ở huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn), tỉnh Quảng Nam. Ông kể: “Chị em chúng tôi biết nhau từ cuối năm 1968, khi chị từ Bệnh xá 79 của Mặt trận 44-Quảng Đà chuyển về Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm, Đại đội 2-Khu 2 Hòa Vang. Tôi lúc đó là trinh sát của Huyện đội Hòa Vang, đến cuối năm 1970 cũng về đây công tác”.
Hai chị em rất thân nhau. Những lần trung đội nữ thực hiện nhiệm vụ khó khăn hoặc đi chuẩn bị chiến trường, chỉ huy đại đội đều phân công Trần Chiến Chinh đi cùng. Vì vậy, thường có dịp đi công tác cùng nhau, họ không quên nói về ước mơ sau ngày quê hương giải phóng. Chị Xuân Mai cũng như bao thanh niên khác cùng thế hệ, có ước mơ thật giản dị: “Chị ước sao tuổi xuân cứ kéo dài thêm nữa để có thể sau chiến tranh tiếp tục vào trường thực hiện cho trọn vẹn ước vọng của đời mình”.
|
|
Lá thư của liệt sĩ Nguyễn Thị Xuân Mai được cựu chiến binh Trần Chiến Chinh trân trọng giữ gìn. Ảnh: AN NHIÊN |
Nhắc đến người nữ trung đội trưởng năm ấy, biết bao kỷ niệm lại ùa về. Ông Chinh không thể nào quên lần đi trinh sát mục tiêu khu đồn Cấm Chu Hương (nay thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) đêm 7-12-1972. Chuẩn bị chiến trường xong, về đến khe An Châu (Hòa Phong, Hòa Vang), ông kiệt sức nằm thiếp đi trên bờ ruộng. Lúc tỉnh dậy, ông ngạc nhiên nhìn thấy chiếc khăn voan trùm đầu của chị Xuân Mai dùng để chui qua hàng rào khỏi bị quấn tóc đang bọc kín đôi bàn chân giá lạnh của mình. Ông càng ngạc nhiên hơn nữa khi chị đang ủ đôi chân đó lên lòng chị. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thự thấy lạ hỏi: “Mi làm chi rứa?”. Chị Mai trả lời: “Thằng Chinh kiệt sức rồi. Ủ ấm cho nó mới có sức mà đi”...
Đêm 25-1-1973, đơn vị tổ chức hái hoa dân chủ để hôm sau Trung đội 2 lên đường chiến đấu. Chính trị viên Đại đội Lê Phú Tháo động viên: “Ngày mai, đồng chí Chinh cùng Trung đội 2 đi trước. Vài ngày nữa chúng ta cùng ra trận, kẻ đi trước, người đi sau, đêm nay chúng ta cùng hứa với quê hương mình: Đại đội 2 sẽ kiên cường trên chốt thép!”. Sáng hôm sau, Trần Chiến Chinh đi cùng trung đội sang cánh tây, là tuyến phòng thủ phía Tây của địch để bảo vệ sân bay Đà Nẵng. Sau đó, các bộ phận còn lại lần lượt hành quân theo mục tiêu đã định. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, góc hào.
Chiều 29-1-1973, Trần Chiến Chinh nhận được tin tổ giữ chốt của chị Xuân Mai đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh anh dũng. Trung đội 2 ở cánh tây vẫn kiên cường giữ chốt trong suốt dịp Tết Nguyên đán Quý Sửu 1973. Sáng 25-2-1973, Trần Chiến Chinh có lệnh về căn cứ. Lúc đi qua hang đá trước đây đơn vị từng trú ẩn, ông bùi ngùi chạy vào chỗ chiếc sạp thường ngày của chị Xuân Mai. “Trên cái gùi bằng vải kate màu xám, chị úp cái chén ăn cơm bằng sành. Bàn tay tôi run run mở dây buộc gùi, hai bông hoa mua đã héo chị đặt bên trên và một tờ giấy học trò gấp ngay ngắn bên ngoài bọc một tờ giấy pơ-luya màu hồng”, ông Chinh xúc động kể.
Miền Nam giải phóng, bước chân người lính trận Trần Chiến Chinh tiếp tục hòa vào đoàn quân của Sư đoàn 307 (Quân khu 5) làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Lá thư của Trung đội trưởng, liệt sĩ Nguyễn Thị Xuân Mai vẫn luôn được ông ép chặt trong những cuốn nhật ký chiến trường như một bảo vật. Ngày 29-1-2019, tức là sau 46 năm, nhân dịp tổ chức lễ tưởng niệm Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm và ra mắt phim tài liệu “Chị tôi người chiến sĩ” mà ông tham gia sản xuất, CCB Trần Chiến Chinh mới chính thức công bố lá thư của liệt sĩ Xuân Mai. Tình chị em, tình đồng chí, đồng đội đã thấm đượm trong ông hơn nửa thế kỷ. Đến nay, ở tuổi 71, nhận thấy không thể giữ mãi lá thư, CCB Trần Chiến Chinh có nguyện vọng hiến tặng bảo tàng nhằm góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ sau. Địa chỉ nhà riêng của ông: Số 15 Nguyễn Cư Trinh, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng; điện thoại: 0903.527.595.
NGUYỄN SỸ LONG