Khi tham quan triển lãm, họ đều dừng lại rất lâu ở khu vực trưng bày kỷ vật của tù binh Mỹ tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Qua thiết bị phiên dịch trang bị cho khách tham quan, các thuyết minh viên cung cấp nhiều thông tin ý nghĩa về những hình ảnh, hiện vật. Đặc biệt, câu chuyện về một số tù binh Mỹ từng bị bắt giam tại đây được chính họ và thân nhân kể lại thật sống động, chân thực.

leftcenterrightdel
Phi công Mỹ chuẩn bị bữa ăn mừng lễ Giáng sinh tại Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Ảnh tư liệu 

Năm 1967, Hạ sĩ lục quân Mỹ Robert P.Chenoweth được đưa đến Việt Nam để tham gia cuộc chiến. Gần hai năm sau, khi đang thực hiện việc thả bom tại chiến trường Quảng Trị, máy bay của Chenoweth bị pháo phòng không Việt Nam bắn rơi và ông bị bắt giữ. Khi là tù binh, ông được đối xử hết sức nhân đạo, đồng thời tận mắt chứng kiến tinh thần quả cảm, kiên cường của nhân dân Việt Nam chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. “Khoảng một tuần trước đợt oanh tạc của máy bay B-52 cuối tháng 12-1972, tôi bị đưa ra trại giam Hỏa Lò. Trong lúc người dân miền Bắc Việt Nam có cuộc sống vô cùng khó khăn và đang phải chiến đấu sinh tử chống lại cuộc tập kích khủng khiếp của máy bay Mỹ thì chúng tôi vẫn được bảo đảm ăn 3 bữa một ngày, được chăm sóc y tế và có đủ đồ dùng thiết yếu”, Robert P.Chenoweth nói. Người cựu binh Mỹ kể rằng, trước khi về nước, ông được người quản giáo tặng một chiếc ấm tích để làm kỷ niệm. Bản thân ông bày tỏ nguyện vọng xin một lá cờ Việt Nam vì nó sẽ nhắc ông không bao giờ được quên những tháng ngày ở đây, đất nước đã giúp ông hiểu hơn về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Nhiều đồ dùng sinh hoạt của ông khi ở trại giam Hỏa Lò đều được Chính phủ Việt Nam cho phép mang về nước. Những đồ vật ấy đã trở thành kỷ vật vô giá đối với người cựu binh Mỹ và đến nay, ông lại đem chúng tặng Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò làm hiện vật trưng bày.

leftcenterrightdel
 Daniel Mackler (thứ hai, từ phải sang) cùng các cựu binh Mỹ chụp ảnh với bạn bè tại Triển lãm “Khoảng lặng”. Ảnh: THUẬN HÓA

Trong khi đó, Trung tá Thomas Eugene Wilber (con trai của Đại tá Hải quân Walter Eugene Wilber) cho biết, đã hơn 30 lần ông đến Nhà tù Hỏa Lò. Còn với chúng tôi, đây là lần thứ 3 gặp, trò chuyện với ông tại đây. Trong cảm nhận của chúng tôi, sự xúc động của ông dường như vẫn chưa hề thay đổi khi nhắc lại “lý lịch” từng hiện vật của cha mình. Đó là chiếc cốc uống nước, bộ quần áo, đôi dép cao su hay các bức thư của cha ông viết gửi về gia đình trong thời gian 5 năm bị giam tại Hỏa Lò... Tất cả được chính Thomas Eugene Wilber mang đến tặng Ban Quản lý di tích, nay nhìn lại vẫn gợi cho ông nhiều cảm xúc khó tả. Chúng là hiện thân của “khoảng lặng” mà nửa thế kỷ qua, những người lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam không thể quên. “Hàng chục năm sau khi được trao trả về nước, cha tôi thường kể về những trải nghiệm của mình ở Việt Nam cho gia đình nghe. Chính sách nhân đạo của người Việt Nam với tù binh Mỹ trong quá trình tạm giam đã khiến những tù binh như cha tôi vô cùng cảm kích. Trong câu chuyện của mình, ông luôn thể hiện sự tôn trọng đối với Việt Nam. Ông là một trong số những cựu binh Mỹ tích cực thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ”, ông Thomas Eugene Wilber cho biết.

leftcenterrightdel
 Trung tá Thomas Eugene Wilber tại Triển lãm “Khoảng lặng”. Ảnh: MINH THU

Sang Việt Nam dự triển lãm cùng Thomas, Daniel Mackler-một nhà văn trẻ người Mỹ cũng đã bày tỏ cảm nhận của mình về đất nước và con người Việt Nam. Daniel cho biết, anh có chú ruột là lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Khi trở về, chú ruột anh mắc hội chứng hậu chiến tranh và luôn ân hận vì đã tham gia cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, gây nợ máu với nhân dân Việt Nam. Cha của Daniel là một thanh niên tham gia phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam trước đây. Đó chính là một phần lý do khiến Daniel Mackler dành nhiều tâm huyết tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam. Hiện anh cùng một số bạn bè tham gia Cơ quan Tìm kiếm tù binh và người mất tích (POW/MIA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ và tích cực hoạt động nhằm phát triển quan hệ Việt-Mỹ... “Những gì được trưng bày, lưu giữ tại đây là minh chứng chân thực nhất để nhân dân Việt Nam và thế giới có cái nhìn khách quan về cuộc sống của phi công Mỹ tại các trại tạm giam ở miền Bắc Việt Nam và cùng chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng thế giới hòa bình”, Daniel nói.

BẢO LINH