QĐND - Người dân thôn Hạ (xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) thường tỏ ý thán phục về một cụ ông 97 tuổi nhưng hằng ngày vẫn cần mẫn lao động bên những khu vườn quanh nhà. Đó là ông Nguyễn Văn Nhân, một cựu tù chính trị Hỏa Lò, người từng trực tiếp lãnh đạo hơn 30 bạn tù tiến hành cuộc binh biến ở thị xã Cao Bằng.
Năm 1946, ông Nhân được phân công là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến khu Đông Dư (gồm 5 xã: Đông Dư, Giang Cao, Bát Tràng, Kim Lan, Văn Đức thuộc huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Sáng 15-6-1947, giặc Pháp mở cuộc càn lớn, ồ ạt xông vào xã Bát Tràng, nơi có trụ sở Ủy ban Kháng chiến, ông Nhân cùng vài chục người khác bị địch bắt đưa về đồn. “Tối hôm ấy, không chỉ bị địch tra khảo, chúng còn hèn hạ lấy thuốc súng đổ vào người tôi rồi châm lửa đốt”, ông Nhân kể và chỉ cho chúng tôi xem những vết sẹo trên người.
|
Ông Nguyễn Văn Nhân.
|
Vài ngày sau, địch đưa ông Nhân về giam tại Hỏa Lò. Cuối năm 1947, khi giặc Pháp kéo lên đánh chiếm 3 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, chúng bắt khoảng 30 tù chính trị đi theo phục dịch. Để phân biệt với các tù thường phạm, địch lấy sơn đỏ in chữ “D” (viết tắt của từ Dangereux-nguy hiểm) vào lưng áo của tù chính trị Hỏa Lò. Do phần lớn tù Hỏa Lò là trí thức, không làm được việc nặng nên đám cai thấy sau lưng áo tù có chữ “D” liền ra sức hành hạ, nhiều người bị chúng đánh đến chết. Ông Nhân và các bạn tù liền bảo nhau tìm cách vứt bỏ những chiếc áo có chữ “D” để bảo toàn tính mạng…
Dừng chân tại thị xã Cao Bằng, từ thân phận “cu-li”, ông Nhân và các bạn tù dần được “trưng dụng” vào làm những công việc của một trung đội lính công binh. Chúng trang bị cho các tù nhân đồng phục, súng trường và cử tên Bình (từng là tay sai của Quốc dân đảng ở Vĩnh Yên) làm Trung đội trưởng. Tối đến, địch cho anh em tự do đi lại trong thị xã đến 9 giờ tối.
Một hôm, ông Nhân được người bạn tù tên Thiết (từng là một cảm tử quân ở Hải Phòng) rủ tới nhà cô người yêu tên Liệu, chủ quán giải khát ở thị xã. Gặp Liệu, ông Nhân thăm dò:
- Vì sao cô lại chọn yêu một người lính ngụy như Thiết?
- Em biết anh Thiết vào lính nhưng không phản bội cách mạng nên muốn qua anh ấy để vận động, thuyết phục những người khác tìm đường trở về.
- Vậy cô là người làm địch vận?
- Dạ đúng. Em biết anh là Việt Minh nên mới tâm sự thật lòng…
- Vậy thì cô hãy thu xếp để tôi được gặp cấp trên của cô.
- Vâng, để em báo cáo tổ chức…
Ít ngày sau, ông Nhân được bố trí tới gặp một người đánh cá trên sông, đó là một cán bộ Việt Minh tỉnh Cao Bằng. Sau nhiều cuộc gặp bàn việc vận động ngụy binh về với kháng chiến, tới đầu tháng 6-1948, đã có 2/3 binh lính trong trung đội công binh sẵn sàng gia nhập cách mạng. “Biết không thể kéo dài thời gian vận động do địch đang nghi ngờ theo dõi, chúng tôi báo cáo và được cấp trên nhất trí tiến hành một cuộc binh biến vào đêm 15-6-1948”, ông Nhân nhớ lại.
Vị trí đóng quân của trung đội chỉ cách bờ sông 150m, bên kia sông là rừng núi nên kế hoạch được thống nhất: Ta bố trí một tiểu đội du kích đến bờ sông đối diện để yểm trợ cùng 6 chiếc bè, mỗi bè chở 8 người. Ông Nhân được cử làm Trung đội trưởng, hai người tù tên Thiết và Yến được cử là Trung đội phó và Chính trị viên. 24 giờ đêm, Trung đội phó Thiết có nhiệm vụ khử tên Bình ngay trong doanh trại, sau đó lần lượt từng người xuống bè để du kích chở qua sông…
Đêm ấy, trời mưa rất to. Như thường lệ, tên Bình rủ mọi người trong trung đội cùng chơi xóc đĩa. Chơi bài xong, Bình và đồng bọn lăn ra ngủ. “Khi nghe trinh sát báo cáo, tôi và Yến đã có mặt kịp thời và ra lệnh cho anh em lẳng lặng thu hết súng mang đi trước. Đúng 24 giờ, bằng một mũi dao nhanh gọn, Thiết đã kết liễu tên Bình”, ông Nhân kể.
Cuộc hành quân diễn ra trật tự trong đêm. 10 phút sau, địch tổ chức báo động khắp thị xã. Khi chúng ra tới bờ sông thì toàn trung đội đã nhanh chóng sang bờ bên kia. Sớm hôm sau, địch lùa quân sang càn quét thì toàn trung đội đã trở về căn cứ của Ủy ban Kháng chiến tỉnh, cả người phụ nữ tên Liệu-cơ sở địch vận của ta-cũng nhanh chóng rút khỏi thị xã...
Tại Ủy ban Kháng chiến tỉnh Cao Bằng, 36 người trong trung đội công binh đã được bố trí ăn ở và đặt tên mới là “Trung đội tự động Cứu quốc”. Sau một tháng nghỉ ngơi, hầu hết trong số này được biên chế vào các đơn vị của Liên khu I, riêng ông Nhân được cử về Bắc Ninh làm Trưởng ban huấn luyện Tỉnh bộ Việt Minh. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông chuyển ngành và công tác tại Bộ Ngoại giao cho tới khi nghỉ hưu năm 1973…
Ôn lại chuyện cũ, ông Nhân không quên nhắc lại hai mốc thời gian thú vị: “Ngày 15-6-1947, tôi bị địch bắt tại Gia Lâm. Đúng một năm sau, vào đêm 15-6-1948, tôi lại cùng những cựu tù Hỏa Lò tiến hành thành công cuộc binh biến trên đất Cao Bằng”.
Mãi sau này, khi lật giở những cuốn sổ ghi chép, ông Nhân mới phát hiện ra sự trùng hợp ngẫu nhiên ấy.
Bài và ảnh: BÙI VŨ MINH