Nguyễn Viết Quỳ sinh năm 1929 tại Việt Trì (Phú Thọ), nhưng quê gốc ở Ước Lễ, Thanh Oai, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông nhập ngũ năm 1946, học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Ở Khu di tích Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, sau khi chiến dịch kết thúc, chỉ có 4 ngôi mộ ở Nghĩa trang Liệt sĩ A1 là ghi tên tuổi các anh hùng đã được tuyên dương công trạng. Đó là Anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng; Tô Vĩnh Diện hy sinh thân mình cứu pháo; Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai; Trần Can dũng cảm làm nổ tung hầm ngầm của địch. Buổi đầu lên đây, các chị em của liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ đã đi khắp cả 3 nghĩa trang trong khu di tích, chỉ thấy trước mặt hàng hàng bia mộ trắng toát một màu, có gắn những ngôi sao năm cánh giống hệt nhau. Lúc đó không tìm được mộ người thân, ai cũng tủi thân bật khóc. Nhưng rồi họ không nản lòng. Bắt đầu từ đây, có một cuộc hành trình âm thầm, bền bỉ trong nhiều năm để tìm tên trên bia mộ của các liệt sĩ.
Các cựu chiến binh của Ban liên lạc Tiểu đoàn Phòng không 387 đã kể lại giờ phút hy sinh anh dũng của các liệt sĩ: Trong chiến dịch lịch sử, Đại đội của Nguyễn Viết Quỳ được bố trí gần sát sân bay Mường Thanh, đã làm quân Pháp mất ăn mất ngủ vì máy bay của chúng không thể hạ độ cao để thả dù tiếp tế. Rạng sáng 28-3-1954, pháo và đạn cối của địch từ Hồng Cúm nã tới tấp vào trận địa của Đại đội Phòng không 78. Phải đối mặt với một tiểu đoàn lê dương từ Hồng Cúm nống ra, mà lúc đó các pháo thủ không được trang bị súng bộ binh, Đại đội trưởng Nguyễn Viết Quỳ ra lệnh:
- Các khẩu đội hạ nòng. Bắn thẳng!
Trung đội 2 của Chu Mai khai hỏa đầu tiên, từng tràng đạn lửa thẳng căng từ nòng khẩu 12,8mm tuôn về phía trước. Vệt lửa tóe hoa cà hoa cải trên chiếc xe tăng đi đầu, song không đủ sức xuyên thủng lớp giáp thép dày của nó. Dù sao đòn phủ đầu cũng đã làm một số tên lính lê dương chạy theo xe ngã gục, xe tăng khựng lại.
Bắt đầu cơn mưa đạn bắn vào trận địa phòng không, có thêm đạn cối các loại của địch nổ dồn dập. Đại đội trưởng Nguyễn Viết Quỳ nhô hẳn người lên khỏi mặt hào, hô vang:
- Chuẩn bị lựu đạn!
Rồi một khẩu trọng liên của Trung đội 2 đỏ rực nòng, không còn đạn bắn ra nữa. Thêm các khẩu trọng liên ở những trung đội khác khạc lửa và đạn cũng cạn dần. Nhiều tên lính lê dương đổ gục, song chiếc xe tăng vẫn tìm cách chồm vào trận địa phòng không. Đột nhiên có quả đạn cối 81mm nổ cạnh hào chỗ Đại đội trưởng đang đứng chỉ huy. Khói bụi mịt mù trùm lên, không nghe tiếng anh nữa. Chính trị viên Ngô Hạnh Phúc hô to:
- Đồng chí Bàng thay đồng chí Quỳ chỉ huy!
Đạn cối, moochie lại nổ dồn dập. Nghe rõ cả tiếng những tên lính lê dương xì xồ, la hét điên cuồng. Chiến xa Chaffee tăng tốc chồm qua chiến hào. Bỗng đồng chí Bàng ôm ngực lảo đảo, bàn tay đỏ máu. Cũng không còn nghe tiếng Chính trị viên Ngô Hạnh Phúc.
Giờ các pháo thủ còn sống sót đều bị thương; Đại đội trưởng Nguyễn Viết Quỳ đang đứng gục đầu trên chiến hào, máu thấm đỏ mảng áo ngực; Chính trị viên Ngô Hạnh Phúc thì bị vết thương vào đầu nằm ngửa ở đáy hào, hai tay dang ra. Hết lựu đạn, đánh giáp lá cà! Những chiếc xẻng, xà beng, cuốc chim được chia đều cho những người còn lại...
Các khẩu đội phòng không đã chiến đấu đến người cuối cùng, chỉ có hai người sống sót do bị thương nằm lẫn với thi thể quân ta và địch...
Ngày ấy, khi những người thân của liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ tìm đến một nghĩa trang ở khu vực Hồng Lếch thì dân địa phương cho biết, vào khoảng năm 1960, tất cả phần mộ ở đây đã được quy tập về nghĩa trang chung, song không biết cụ thể ở nghĩa trang nào.
Ông Nguyễn Viết Quý, em trai của liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ nhớ lại quá trình đi tìm mộ anh trai mình:
- Năm 1965, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được phân công về Ty Nông nghiệp Lai Châu. Trước lúc lên đường nhận công tác, bố mẹ dặn dò tôi lên đấy có điều kiện gần nơi chiến trường xưa của anh Quỳ, cố tìm xem ngôi mộ anh cụ thể nằm ở đâu. Nơi tôi làm việc cách trung tâm cánh đồng Mường Thanh hơn 100km, đường sá khó đi, đèo dốc liên tục, lại không có xe khách, muốn đi thì phải cuốc bộ hoặc đi xe đạp. Có lần tôi đã về vùng lòng chảo Mường Thanh, đến cả 3 nghĩa trang, nơi chôn cất mấy nghìn liệt sĩ, nhưng tất cả đều là những ngôi mộ chưa biết tên. Đến cuối năm 1993, đã có một manh mối từ chị gái tôi là Nguyễn Thị Ngọc Chúc. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu trả lời, có tên tuổi liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ cùng các pháo thủ hy sinh ngày 28-3 đúng như trong giấy báo tử. Thế là nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi lên Điện Biên. Một cán bộ chính sách của Sở sau khi lục tìm trong hồ sơ lưu, đưa cho tôi một quyển vở cũ, bảo là trong đó có ghi danh sách liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Độc Lập. Tôi hồi hộp mở cuốn vở, trang đầu vẽ sơ đồ mộ chí, bên cạnh là những dòng viết tay thứ tự số mộ. Lật sang trang hai, tôi như không tin vào mắt mình: Tên anh Nguyễn Viết Quỳ ghi ở dòng đầu tiên, số thứ tự 1, tiếp đến là các liệt sĩ khác, anh Ngô Hạnh Phúc số thứ tự 25, cũng tức là số mộ 25. Chúng tôi mang theo bản sao danh sách cùng sơ đồ khu mộ các liệt sĩ ra ngay Nghĩa trang Liệt sĩ Độc Lập. Khu mộ 35 liệt sĩ chuyển từ Hồng Lếch về, nằm ngay đầu cổng chính đi vào và cuộc quy tập lần này vẫn bố trí các mộ theo đúng thứ tự như trong sơ đồ mà tôi có. Chúng tôi đến bên mộ anh Nguyễn Viết Quỳ thắp hương, không ai kìm được nước mắt. 40 năm giờ mới biết được nơi anh yên nghỉ...
Các cựu chiến binh của Tiểu đoàn Phòng không 387 còn cho biết, nơi diễn ra cuộc chiến đấu không cân sức ngày ấy, nay đã mọc lên ngôi trường trung học cơ sở khang trang, thuộc xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên. Khu di tích sẽ hoàn chỉnh biết bao nếu tại mảnh đất thấm đẫm máu các liệt sĩ phòng không có thêm tấm bia tưởng niệm, ghi lại trận chiến đấu ngày 28-3-1954 giữa các khẩu đội của Đại đội Phòng không 78 với tiểu đoàn lê dương Pháp có xe tăng, pháo mặt đất yểm trợ tối đa. Tinh thần quyết tử để Tổ quốc quyết sinh của Bộ đội Cụ Hồ trong giờ phút bi tráng ấy sẽ còn sống mãi trong lòng các thế hệ hôm nay và mai sau!
PHẠM QUANG ĐẨU