Tham gia cách mạng ngay từ những ngày đầu kháng chiến, một cách tự nguyện, Nguyễn Sáng trở thành người họa sĩ, chiến sĩ cách mạng, luôn đi đầu trong lĩnh vực tư tưởng và nghệ thuật. Ông dùng nghệ thuật để phụng sự đất nước, “vẽ nhiều, học nhiều về ca ngợi đất nước, ca ngợi nhân dân ta đấu tranh gìn giữ hòa bình và thực hiện thống nhất”. Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ông đã bắt tay vào thực hiện những tác phẩm về đề tài lịch sử, phản ánh chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ là cảm hứng trọng tâm trong các tác phẩm thể hiện đề tài lịch sử của Nguyễn Sáng. Là người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, vẽ về Điện Biên Phủ, Nguyễn Sáng bằng nghệ thuật và “cái đầu biết suy nghĩ” của mình đã tìm đến “cái gốc của chiến thắng”: Lòng yêu nước sắt son, tình quân dân gắn bó, tình đồng chí thủy chung.
“Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” thể hiện 8 nhân vật trong đường hào. Ở trung tâm bức tranh là một chiến sĩ-quần chúng ưu tú đang được kết nạp Đảng. Người này bị thương, trên đầu quấn băng, tay phải nắm chắc khẩu súng, dáng đứng nghiêm, mắt nhìn thẳng vào lá cờ Đảng treo trên vách hào. Đứng hai bên anh là hai đồng chí có vai trò giới thiệu người vào Đảng. Nhóm 3 nhân vật này đứng đối diện với hai người bên phải tranh là đồng chí bí thư chi bộ và một đồng chí có nhiệm vụ cảnh giới.
Phía sau nhóm người này, một chiến sĩ đang hối hả cơ động vào trận địa. Ở bên trái, một người lính đang đỡ đồng đội bị thương nặng, đứng không vững. Màu nâu đất, màu của máu trộn bùn non bao trùm, làm nền và kết nối các nhân vật. Bố cục tranh đã được Nguyễn Sáng nung nấu trong nhiều năm. Phác thảo cho “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” được thực hiện năm 1959, nhưng 4 năm sau, năm 1963 tác phẩm sơn mài mới được hoàn thành. Mỗi nhân vật xuất hiện trong tranh đều có tiếng nói và đóng góp quan trọng làm sáng tỏ chủ đề.
|
|
Bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của danh họa Nguyễn Sáng. |
Lễ kết nạp Đảng là một nghi thức thiêng liêng, càng đặc biệt hơn khi nghi thức đó diễn ra ngay trên trận địa, giữa chiến hào. Chỉ một khoảnh khắc, nhưng dường như Nguyễn Sáng đã tái hiện đầy đủ những giây phút người lính đứng trước cờ Đảng đọc lời thề Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Lời thề đó cũng thắp lên niềm tin cho các chiến sĩ, khơi dậy lòng quyết tâm, sự khích lệ, là sức mạnh tinh thần, là sự lan tỏa khí thế cho những người chứng kiến. Những đôi mắt rực sáng, tin tưởng. Họ sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cao đẹp, tham gia kháng chiến, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Lời thề ấy đã truyền cảm hứng cho cả dân tộc cùng đoàn kết đấu tranh dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng để giành những thắng lợi vĩ đại. Những chàng trai trong tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng là những chiến sĩ Điện Biên trẻ tuổi, tràn đầy nhiệt huyết...
Ngôn ngữ tạo hình trong “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” mang màu sắc dân gian đậm nét nhưng vẫn tươi mới, hiện đại. Nguyễn Sáng đã chắt lọc, giản lược hóa hình tượng để đi vào cái cốt lõi, cái tinh thần của hiện thực. Hình thể nhân vật khỏe khoắn. Những người lính có gương mặt rắn rỏi, cương nghị, những bờ vai vuông vức, những cánh tay vạm vỡ, những đôi mắt rực sáng thể hiện niềm tin, ý chí quyết tâm, lựa chọn đi theo dưới lá cờ dẫn dắt của Đảng tiên phong. Đối với đồng đội, họ dành cho nhau ánh mắt trìu mến, tình yêu thương, sự nâng đỡ ân cần. Nguyễn Sáng chủ yếu sử dụng những mảng màu lớn với 3 màu chủ đạo: Nâu đỏ, vàng, xanh. Ông khéo léo sử dụng các đường viền nét đen, nâu tô đậm vẻ đẹp chắc nịch của hình thể. Không đi vào chi tiết vụn vặt, Nguyễn Sáng có lối vẽ sơn mài tự do, phóng khoáng. Chỉ bằng những nét bút nhanh, hoạt, bút pháp tự do, những mảng màu lớn có sự chuyển đổi sắc độ phong phú, tinh tế, ông làm chủ chất liệu mà không cần quá nhiều màu khoáng, quá nhiều vàng, bạc.
Tác phẩm cho thấy bản lĩnh của một nghệ sĩ lớn, từ đề tài cho tới cách biểu đạt ngôn ngữ hội họa. Ngay ở thời điểm ra đời, “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” đã gây chấn động dư luận ở cách tiếp cận hiện thực trần trụi. Bên cạnh những chiến sĩ tráng kiện, khỏe khoắn, ông lại tô đậm tính chất bi hùng của đề tài qua hình ảnh những người chiến sĩ bị thương-thứ người đương thời thường tìm cách tránh né. Tác phẩm này đến nay đã vượt qua thời gian và được trả lại đúng chân giá trị. “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của danh họa Nguyễn Sáng đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013 và hiện được trưng bày trang trọng trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
VŨ THỊ HẰNG