Dấu ấn hậu cần trong chiến tranh

Ngược dòng lịch sử, ngày 11-7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 121/SL thành lập Tổng cục Cung cấp; đến ngày 13-1-1955 đổi tên thành Tổng cục Hậu cần theo quyết định của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Kể từ năm 1985, ngày 11-7 hằng năm được công nhận là Ngày truyền thống của ngành hậu cần Quân đội.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngành hậu cần Quân đội đã quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, nhất là đường lối chiến tranh nhân dân và hậu cần nhân dân. Khắc sâu lời dạy của Bác Hồ về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ngành hậu cần Quân đội luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động khắc phục khó khăn, tích cực sản xuất, thực hành tiết kiệm để nâng cao mức sống của bộ đội; sống trong sạch, lành mạnh, đề cao dân chủ, trung thực, mẫu mực... Đó là nền tảng vững chắc để bảo đảm cho ngành hậu cần Quân đội vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nên nhiều chiến công oanh liệt.

leftcenterrightdel

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tham quan sản phẩm mới tại Hội nghị tập huấn hậu cần toàn quân năm 2022. Ảnh do đơn vị cung cấp

Điển hình là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ngành cung cấp đã huy động lực lượng, kết hợp với dân công và các lực lượng khác bảo đảm hậu cần cho hơn 87.000 người tham gia chiến dịch; vận chuyển hơn 20.125 tấn vật chất các loại, trong đó có 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.200 tấn đạn, 1.783 tấn xăng, dầu... Cùng với đó, tuyến hậu cần chiến dịch đã sử dụng gần 261.500 dân công, 628 ô tô, 21.000 xe đạp thồ, 914 ngựa thồ, 3.130 thuyền... Những nỗ lực trên góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

Tiếp đó, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngành hậu cần Quân đội đã huy động lực lượng, vật chất cho các chiến trường với 45.820 lượt người, bảo đảm vận chuyển hơn 2.733 triệu tấn vật chất hậu cần (vũ khí, xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân y...). Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, toàn ngành đã bảo đảm kịp thời mọi nhu cầu vật chất cho các LLVT chiến đấu, góp phần giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với hai nước láng giềng Lào và Campuchia...   

Lan tỏa phong trào thi đua

Bước vào thời kỳ mới với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những điểm nhấn, tạo bước đột phá trong ngành hậu cần Quân đội là ngày 14-3-1995, Bộ Quốc phòng ban hành Chỉ thị số 214/CT-BQP về phát động và thực hiện Phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, Trung tướng Bùi Xuân Chủ, nguyên Chính ủy Tổng cục Hậu cần nhớ lại: “Cuối năm 2003, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm liên tục xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Nguồn khai thác thực phẩm phục vụ bữa ăn của bộ đội hằng ngày gặp nhiều khó khăn do giá cả biến động bất thường, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm không được kiểm soát chặt chẽ. Trước thực trạng đó, tôi cùng các đồng chí trong Ban chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và các cơ quan chức năng thống nhất phương án xây dựng mô hình chăn nuôi lợn tập trung. 

leftcenterrightdel

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra bệnh viện dã chiến trong diễn tập MT-22 (năm 2022). 

Đầu năm 2004, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) chính thức thí điểm để rút kinh nghiệm về triển khai mô hình chăn nuôi lợn tập trung. Sau một năm triển khai thu được kết quả tốt, Tổng cục Hậu cần chủ động triển khai mô hình chăn nuôi lợn tập trung ở 20 đơn vị cấp trung đoàn. Ngày đó, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện xúc động kể về cán bộ, nhân viên hậu cần ở đơn vị thức trắng đêm trực, chăm sóc và làm “bà đỡ” cho từng chú lợn... Hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn tập trung đã trở thành bàn đạp để toàn quân triển khai mô hình tăng gia tập trung cấp trung đoàn từ đầu năm 2007. Đây cũng là bước tạo đà để đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Tổng cục Hậu cần kiểm tra công tác chuẩn bị phục vụ diễn tập xăng dầu toàn quân năm 2020 tại Kho 190, Cục Xăng dầu. Ảnh do đơn vị cung cấp 

Trên cơ sở Phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, sau này các ngành đều cụ thể hóa vào các phong trào thi đua của mình như: “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, “Đơn vị tăng gia sản xuất giỏi” của ngành quân nhu; “Chiến sĩ quân y làm theo lời Bác”, “Đơn vị quân y 5 tốt” của ngành quân y; “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” của ngành doanh trại; “Quản lý, sử dụng xăng dầu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả” của ngành xăng dầu; “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả” của ngành vận tải...   

Tiên phong đi vào tâm dịch

Trước khi dịch Covid-19 lan rộng, các cơ quan chức năng của Tổng cục Hậu cần đã nhanh chóng vào cuộc, chủ động tham mưu với cấp trên các phương án phòng, chống dịch hiệu quả. Đặc biệt, trong “cuộc chiến sinh tử”, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên ngành y tế nói chung và ngành quân y nói riêng đã không quản hy sinh, xung phong vào tâm dịch để giành lại sự sống cho người dân.

leftcenterrightdel

Tổ Quân y lưu động (Học viện Quân y) lên đường cấp cứu bệnh nhân F0 mắc Covid-19 trong đêm tại TP Hồ Chí Minh (tháng 8-2021). Ảnh do đơn vị cung cấp

Đứng trước tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, tháng 8-2021, toàn quân đã phát động Phong trào thi đua đặc biệt “Quân đội cùng cả nước chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Thời điểm này, dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng từng ngày, khiến cho các cơ sở y tế và 12 bệnh viện dã chiến (trong đó có 2 bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng và vừa) đều quá tải. Trước tình thế đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Quốc phòng đã huy động 2.000 lượt bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên, học viên của Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác; bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên ở các bệnh viện quân y của Tổng cục Hậu cần; cán bộ, chiến sĩ quân y của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng để triển khai 660 tổ quân y cơ động cho các trạm y tế lưu động tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương. 

Là người trực tiếp chỉ huy, điều trị, thu dung bệnh nhân, Đại tá, TS Nguyễn Vân Giang, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân y, nguyên Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy quân y tiền phương khu vực phía Nam, kể lại: “Ngay sau khi nhận được tin lực lượng quân y từ miền Bắc tập kết tại Trung đoàn Gia Định (Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh), đơn vị bảo đảm tối đa 1/3 quân số có chỗ ở. Để xử lý tình huống đó, tôi cùng Đại tá Tạ Xuân Thế, Phó trưởng phòng Điều trị và Đại tá Nguyễn Đại, Phó trưởng phòng Tham mưu Kế hoạch thuộc Cục Quân y đã tham mưu với cấp trên xây dựng kế hoạch cụ thể để phân công mỗi tổ quân y xuống cơ sở xã, phường, thị trấn phụ trách khoảng 100 ca F0. Từ lãnh đạo, chỉ huy Ban chỉ đạo phòng, chống dịch đến đội ngũ bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên, học viên quân y, lái xe... đều không sợ hy sinh, xung phong vào tâm dịch. Họ luôn thân thiện, có mặt tại các tổ, chốt chuyển túi an sinh đến từng căn nhà trong ngõ hẻm. Hình ảnh những “chiến sĩ áo trắng” ngày đêm tâm huyết, tận tụy, sẵn sàng cấp cứu F0 tại nhà không bao giờ phai mờ trong ký ức những người con của Thành phố mang tên Bác”.

leftcenterrightdel
Bác sĩ thuộc Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5G (Học viện Quân y) hướng dẫn bệnh nhân mắc Covid-19 tập thở và phục hồi chức năng (tháng 9-2021). Ảnh: ĐĂNG DUY 

Để ngành hậu cần Quân đội tiếp tục phát huy chiến công trong thời chiến và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời bình, Trung tướng Trần Duy Giang khẳng định: “Các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành hậu cần Quân đội luôn khắc sâu lời dạy của Bác Hồ về “thực túc thì binh cường”. Thời gian tới, toàn ngành tiếp tục phát huy truyền thống, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác hậu cần; chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện tốt việc xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần nhân dân, hậu cần khu vực phòng thủ; chủ động lực lượng, phương tiện, vật chất hậu cần sẵn sàng chiến đấu, tham gia phòng, chống thiên tai, cứu hộ-cứu nạn và nhiệm vụ đột xuất; đổi mới mạnh mẽ phương thức bảo đảm vật chất hậu cần, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần Quân đội trong tình hình mới; tiếp tục hiện thực hóa “một tập trung, ba khâu đột phá và 5 tốt”, xây dựng ngành hậu cần Quân đội vững mạnh toàn diện, đáp ứng nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài...”.

NGUYỄN KIÊN THÁI