QĐND - Đại tá Đỗ Công Huynh, nguyên Trưởng phòng Tuyên huấn thuộc Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần (TCHC), hiện đang làm việc tại Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ông nhẩm tính đến năm 2015, Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” đã triển khai rộng khắp trong toàn quân tròn 20 năm với 4 lần sơ kết. Ông bồi hồi kể về những ngày đầu cùng tập thể nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng các công văn, giúp cấp trên tham mưu cho chỉ huy TCHC và Bộ Quốc phòng (BQP) chỉ đạo thực hiện hiệu quả phong trào này.

Đại tá Đỗ Công Huynh.

Năm 1995, khi ông Huynh là Trợ lý thi đua của Phòng Tuyên huấn thì được giao nhiệm vụ nghiên cứu, soạn thảo các văn bản, giúp chỉ huy TCHC tham mưu cho BQP tổ chức phong trào thi đua của ngành hậu cần. Thời điểm đó, Đại tá Nguyễn Hùng Phong, Phó chủ nhiệm chính trị TCHC trực tiếp phụ trách công tác này. Ông Huynh kể: Thủ trưởng Phong “ra đề” với “dữ kiện” là, phong trào phải thể hiện làm theo lời Bác Hồ căn dặn; phải bao trùm tất cả các lĩnh vực: Quân nhu, quân y, vận tải, xăng dầu, doanh trại; phải đáp ứng tốt việc bảo đảm hậu cần cho bộ đội từ công tác, huấn luyện, chiến đấu, xây dựng chính quy đến quản lý vật chất, xây dựng tổ chức, con người làm công tác hậu cần. Tuy nhiên, tên gọi và nội dung của phong trào phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Ông Huynh nhớ lại, thời kỳ này, quân đội vừa chuyển từ phương thức bảo đảm hậu cần bằng hiện vật sang bảo đảm bằng tiền và phân cấp triệt để cho cơ sở. Lúc đầu, do nhận thức không đúng nên nhiều đơn vị bỏ tăng gia chăn nuôi, dùng tiền ra mua thực phẩm ngoài thị trường, đời sống bộ đội bị ảnh hưởng khá lớn. Khi tìm hiểu các bài nói, bài viết của Bác Hồ về công tác hậu cần, ông thấy Bác rất coi trọng công tác này, đặc biệt là tăng gia, sản xuất nên đã chọn hướng gắn hoạt động thi đua của hậu cần với những lời huấn thị của Bác để nghiên cứu.

Suốt hai tháng liền trăn trở, tìm đọc các tài liệu, ông Huynh mới cơ bản tìm ra “đáp số” của bài toán. Tuy nhiên, sau nhiều lần báo cáo, đề xuất, xin ý kiến thủ trưởng Cục Chính trị, ông vẫn chưa xác định được tên gọi của phong trào. Lúc đầu, ông đặt tên phong trào là “Chiến sĩ hậu cần làm theo lời Bác”, nhưng thấy không ổn, nên đành bỏ vì tên gọi này không bao trùm được hết các đối tượng. Nhiều ngày tiếp tục “vò đầu bứt tai”, ông và Phòng Tuyên huấn mới có đề xuất tên gọi của phong trào là “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ” rồi báo cáo ông Phong. Khi xem tài liệu ấy, ông Phong thêm chữ “dạy” vào cuối câu. Thế là từ đây, tên gọi của Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” được các đồng chí chỉ huy trong cơ quan TCHC thống nhất để làm tờ trình báo cáo BQP.

Sau khi xin ý kiến và thống nhất với Cục Tuyên huấn, Văn phòng BQP đã cử Đại tá Lê Hồng Quang trực tiếp sang TCHC giúp ông hoàn chỉnh nội dung. Sau nhiều lần trao đổi, thảo luận, ông đã cùng với ông Quang thống nhất các văn bản và trình TCHC để báo cáo BQP. Ngày 14-3-1995, Đại tướng Đoàn Khuê, Bộ trưởng BQP đã ký Chỉ thị 214/CT-QP, phát động Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” trong toàn quân. Chỉ thị 214 nêu rõ, phong trào có 3 nội dung: Bảo đảm tốt hậu cần cho bộ đội trong mọi tình huống, quản lý tốt cơ sở vật chất hậu cần, tài chính được giao và xây dựng ngành hậu cần vững mạnh toàn diện.

Nhân dịp kỷ niệm 105 năm Ngày sinh nhật Bác (19-5-1995), ở TCHC diễn ra sự kiện rất đáng nhớ. Sáng hôm đó, hơn 400 cán bộ ngành hậu cần toàn quân đã về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm lễ báo công, xin phép Bác phát động phong trào thi đua này. Đại tá Nguyễn Phú Nho, Chủ nhiệm Chính trị TCHC đứng trước hàng quân trang nghiêm, xúc động báo cáo với Bác những chiến công, thành tích và cả những thiếu sót, khuyết điểm của ngành Hậu cần Quân đội những năm qua, rồi xin phép Bác được phát động Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”. Tiếp đó, Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh, Chủ nhiệm TCHC thay mặt cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần toàn quân hứa với Bác Hồ, sẽ phấn đấu vượt khó khăn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không ngừng nâng cao chất lượng bảo đảm hậu cần, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của quân đội.

Sau khi phát động ở Bộ, các đơn vị về khẩn trương tiến hành ngay, qua theo dõi, đến cuối năm 1995, phong trào đã cơ bản được triển khai xong đến cấp trung, lữ đoàn và tương đương trong toàn quân. Cũng trong năm ấy, Cục Quân nhu đã vận dụng Chỉ thị 214, phát động cuộc thi “Tiểu đoàn tăng gia sản xuất giỏi”. Sau một năm sơ kết đã xuất hiện hàng trăm tiểu đoàn tự túc đủ rau xanh và phần lớn thịt cá, đời sống bộ đội được cải thiện rõ rệt. Tiếp đó là sự ra đời các cuộc thi, các phong trào: “Doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”, “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, tiết kiệm”, “Quản lý, sử dụng xăng dầu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả”, “Xây dựng đơn vị quân y 5 tốt” cũng nở rộ, làm cho công tác hậu cần của các đơn vị toàn quân có thêm sức sống mới...

Bài và ảnh: MẠNH THẮNG