QĐND - Nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 31-5 đến 2-6-2015, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Át-xtơn Ca-tơ (Ashton Carter) đã trao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam hai kỷ vật của chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Những kỷ vật này do một CCB Mỹ tìm được sau trận đánh ở chiến trường miền Nam Việt Nam và đã cất giữ trong nhiều năm mới quyết định thông qua con đường ngoại giao trao trả cho Việt Nam.

Ngay sau khi tiếp nhận hiện vật ngày 25-6-2015, các cán bộ của Phòng Nghiên cứu, sưu tầm và Quản lý nghiệp vụ, Bảo tàng Lịch sử Quân sự (LSQS) Việt Nam đã khẩn trương tìm hiểu thông tin và xác minh được chủ nhân của một trong hai kỷ vật (cuốn nhật ký) là liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, nguyên quán xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa...

Khởi đầu từ con số 0

Với trách nhiệm của người làm công tác bảo tàng, để tìm được chủ nhân cuốn nhật ký, Ban giám đốc Bảo tàng LSQS Việt Nam đã thành lập một tổ công tác nghiên cứu các nội dung thông tin ghi trong cuốn nhật ký để liên hệ, xác minh, tìm kiếm. Trước những vết máu còn thấm đẫm trong cuốn nhật ký, khả năng chiến sĩ Nguyễn Văn Nam có thể đã hy sinh. “Khác với nhiều cuốn nhật ký được phía Mỹ trao trả trước đây, nhật ký của đồng chí Nguyễn Văn Nam khi về Việt Nam gần như không có một thông tin cụ thể nào liên quan đến người nhặt được nó, cũng như thời điểm, địa điểm và hoàn cảnh nhặt được. Chính vì vậy, việc tìm kiếm, xác minh của chúng tôi gặp không ít khó khăn”-Thiếu tá Vũ Văn An, cán bộ Phòng Nghiên cứu, sưu tầm và Quản lý nghiệp vụ cho biết.

Một trang trong cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam. Ảnh: Tuấn Tú.

Từ những chi tiết ghi trong cuốn nhật ký như: Nguyễn Văn Nam, Minh Nghĩa, Nông Cống, Thanh Hóa, tổ công tác đặt ra hai giả thuyết: Một là chiến sĩ Nguyễn Văn Nam quê ở xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Nếu như đây là sự thật thì việc xác định người thân của chiến sĩ Nguyễn Văn Nam sẽ rất thuận lợi. Thứ hai, anh có thể là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, từng dừng lại ở Thanh Hóa. Bức tranh người con gái trong cuốn nhật ký có thể là người thân của anh ở trong miền Nam. Giả định này mà đúng thì việc tìm kiếm người thân của chiến sĩ Nguyễn Văn Nam gần như vô vọng.

Với giả thuyết trên, tổ công tác của Bảo tàng LSQS Việt Nam đã đồng thời liên hệ với Bộ CHQS và cơ quan chính sách tỉnh Thanh Hóa và công bố công khai những thông tin trong cuốn nhật ký trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Lần theo thông tin trong danh sách 132 liệt sĩ ở xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, có ba liệt sĩ cùng tên là Nguyễn Văn Nam, thời gian hy sinh từ năm 1971 đến 1973. Ngay lập tức, tổ công tác cử cán bộ về phối hợp với địa phương xác minh thông tin về ba liệt sĩ cùng tên Nguyễn Văn Nam trên. Trong thời gian tiến hành xác minh, bất ngờ tổ công tác nhận được thông tin của một bạn đọc cho rằng mình có quen một người con gái tên là Hà Thị Rốt, quê ở Nông Cống, Thanh Hóa. Bà Hà Thị Rốt là người được Nguyễn Văn Nam nhắc đến rất nhiều trong cuốn nhật ký của mình. Liên hệ với bà Rốt, bà cũng khẳng định có quen người bạn tên là Nguyễn Văn Nam và anh đã hy sinh. Bà sẵn sàng cung cấp thông tin liên quan đến người thân và liệt sĩ Nguyễn Văn Nam.

Trở về sau hơn 40 năm lưu lạc

"Gặp và trò chuyện với bà Hà Thị Rốt, rồi gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Nam-người bà Rốt quen biết, khớp nối những câu chuyện họ kể với thông tin ghi trong cuốn nhật ký của chiến sĩ Nguyễn Văn Nam hầu hết trùng khớp, cả đoàn công tác chúng tôi như vỡ òa sung sướng: Tìm được rồi”-Thiếu tá Vũ Văn An chia sẻ.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng LSQS Việt Nam trao trả kỷ vật của liệt sĩ cho gia đình. Ảnh Văn Phú.

Bà Hà Thị Rốt là người cùng làng với Nguyễn Văn Nam. Hai người đã có khoảng thời gian thân thiết, gắn bó. "Chim một cánh chim bay khắp ngả.../ Hẹn gặp em lúc vất vả gian lao/ Nhưng em ơi đã bao ngày, đã bao thử thách/ Và bao nhiêu ngày còn sống gần em...” là những câu thơ ngắt quãng được ghi trong cuốn nhật ký và nay vẫn còn lưu trong ký ức của cô thiếu nữ Hà Thị Rốt năm nào nay đã qua tuổi 60. Bà Rốt kể rằng, trước ngày lên đường nhập ngũ, Nguyễn Văn Nam đã gặp và chia tay bà khi ấy đang học tập ở Trường Trung cấp Nông nghiệp, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Anh có cho bà xem bức ký họa mình trong một cuốn sổ nhỏ. Không ngờ 40 năm sau, bà lại được nhìn thấy nó... Còn ông Nguyễn Viết Dân, em trai liệt sĩ Nguyễn Văn Nam khẳng định nét chữ của chủ nhân cuốn nhật ký là anh mình. Và ông cho biết thêm, ở trang viết ghi về cô Phạm Thị Lịch, giáo viên Trường cấp 1 Minh Nghĩa, Nông Cống là người từng được phân về ở nhà ông và dạy học tại địa phương năm 1968 (hiện nay cô giáo Lịch đã mất do tuổi già)...

Vậy là chủ nhân của cuốn nhật ký đã được xác định là liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, nguyên quán xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Liệt sĩ Nguyễn Văn Nam sinh năm 1952, là con thứ hai trong gia đình có 6 người con. Trong trí nhớ của người thân, Nguyễn Văn Nam là người cao ráo, đẹp trai với khuôn mặt vuông vắn. Ngày 8-8-1969, anh đăng ký nhập ngũ vào Sư đoàn 338 và lên đường đi chiến đấu tại chiến trường miền Nam cùng 5 người trong xã. Vào đến chiến trường, 6 người lần lượt được về các đơn vị chiến đấu cho đến khi kết thúc chiến tranh. Ngày đất nước thống nhất, Nguyễn Văn Nam đã không thể trở về. Theo giấy báo tử liệt sĩ, Nguyễn Văn Nam hy sinh ngày 13-4-1972 và thi hài được đồng đội an táng tại khu vực Kinh Dương, Kiến Bình (tỉnh Kiến Tường, miền Tây Nam Bộ cũ).

Ngày 28-8-2015, trước sự chứng kiến của nhân dân và chính quyền xã Minh Nghĩa, Bảo tàng LSQS Việt Nam đã trao trả kỷ vật của liệt sĩ cho gia đình. Và với mong muốn kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam sẽ được giữ gìn lâu dài và góp phần vào việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, gia đình liệt sĩ đã quyết định tặng lại cuốn sổ nhật ký cho Bảo tàng LSQS Việt Nam.

PHẠM VŨ SƠN