Trung tá QNCN Hoàng Thị Tuyết, nhân viên Bảo tàng LLVT Quân khu 9 cho biết: Nguyễn Văn Tư (tức Thành Ngọc) là con của một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại ấp Thành Hóa 1, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ Cày Bắc), tỉnh Bến Tre. Lớn lên trong cảnh quê hương bị Mỹ-ngụy giày xéo, Nguyễn Văn Tư sớm giác ngộ cách mạng và tham gia cùng đội du kích xã. Từ năm 1960 đến tháng 10-1964, ông đã tổ chức bao vây, quấy rối, đánh đồn bốt địch hơn 200 trận, diệt 46 tên, bắn bị thương 113 tên. Hai năm liền (1963, 1964), ông được bầu là Chiến sĩ thi đua. Không chỉ dũng cảm, gan dạ trong chiến đấu, quân địch còn khiếp sợ tên tuổi của ông vì đã “chỉ huy” ong vò vẽ đánh chúng thất điên bát đảo. Những chiến binh ong vò vẽ do Nguyễn Văn Tư huấn luyện đã làm nên một huyền thoại trong nghệ thuật quân sự của dân tộc Việt Nam.
|
|
Hiện vật tổ ong vò vẽ trưng bày tại Bảo tàng LLVT Quân khu 9. Ảnh: HÀ VIỆT |
Ong vò vẽ là thành viên lớn nhất và hung hãn nhất trong họ ong bắp cày. Với khí hậu ấm áp quanh năm, địa bàn tỉnh Bến Tre nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung là môi trường rất thích hợp cho ong vò vẽ sinh sống và phát triển mạnh mẽ. Ong vò vẽ trưởng thành có kích thước đạt đến 5,5cm. Chúng thường làm tổ ở các cành cây. Một tổ ong vò vẽ có thể chứa đến 700 con, thậm chí hàng nghìn con. Đây là loài ong có độc tính cao, nọc của chúng có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng... và có khả năng gây chết người. Mặt khác, ong vò vẽ rất hung dữ, hễ bị kích thích hay cảm thấy bị xâm phạm, chúng sẽ lập tức đeo bám quyết liệt để tấn công, tiêu diệt kẻ địch.
Vốn am hiểu về thói quen, tập tính của loài ong này từ thuở bé nên ông Tư nảy ra ý định huấn luyện chúng thành những chiến binh đánh giặc. Nghĩ là làm, ông đi tìm, bắt các tổ ong vò vẽ đưa về vườn nhà nuôi và huấn luyện. Ông đem quần áo của mình và những bộ quần áo màu đen trắng, cùng khăn rằn, nón lá (trang phục của người dân Bến Tre ngày ấy) treo xung quanh các tổ ong nuôi trong vườn, để ong tiếp xúc hằng ngày. Từ đó, mỗi khi ông Tư hay người dân đến gần, bầy ong luôn cảm thấy an toàn và không tấn công. Còn khi huấn luyện đánh giặc, ông Tư cất quần áo hằng ngày rồi bố trí “quân xanh”-gồm nhiều hình nhân mặc đồ rằn ri với mùi nước hoa (trang phục và nước hoa lính Mỹ-ngụy hay dùng), sau đó dùng dây nối với cành cây có tổ ong rồi kéo làm động cành cây. Theo phản xạ tự nhiên bầy ong bay ra tự vệ, đốt túi bụi vào hình nộm. Chính vì thế, hễ thấy quần áo rằn ri và mùi nước hoa thì bầy ong sẽ có cảm giác đang gặp nguy hiểm, chỉ cần thêm một tác động nhỏ là chúng lao ra “chiến đấu”.
Huấn luyện xong, mỗi khi hay tin có giặc đi càn, ông Tư lại dùng quang gánh quẩy các chiến binh ong ra trận. Ông Tư “chỉ huy” các tổ ong phục kích hai bên vệ đường nơi địch sẽ càn qua, đồng thời đặt bẫy mìn trong các lùm cây và bẫy chông dưới mương nước xung quanh địa bàn tác chiến. Khi địch lọt vào trận địa phục kích, ông Tư dùng dây kéo đánh động tổ ong từ xa. Vừa nghe mệnh lệnh, theo thói quen đã được huấn luyện hằng ngày, các chiến binh ong xông trận tấn công những tên địch mặc áo rằn ri khiến chúng chỉ biết kêu trời và bỏ chạy. Trong lúc hoảng hốt, địch lao vào bụi cây hoặc nhảy xuống nước để tìm cách thoát thân thì lại vướng vào bẫy mà ông Tư đã bố trí sẵn và tiếp tục bị thương vong.
Với cách đánh bằng ong vò vẽ như vậy, ông đã tiêu diệt và làm bị thương hơn 50 tên địch mà không mất một viên đạn hay gặp bất cứ thiệt hại nào về người, đồng thời khiến chúng khiếp đảm, không còn ngông nghênh ra ngoài đồn bốt đi càn và cướp bóc như trước... Tháng 10-1964, Nguyễn Văn Tư anh dũng hy sinh do bị địch phục kích. Ngày 5-5-1965, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
VIỆT THÙY