Henri Navarre (1898-1983) là Đại tướng của Quân đội Pháp, từng tham gia chiến đấu trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, thứ hai và là Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Trong cuốn “Thời điểm của những sự thật” (Le temps des verites), Nhà xuất bản Plon, Paris, năm 1979, mặc dù là một Đại tướng nổi tiếng kiêu ngạo về sức mạnh của lực lượng viễn chinh Pháp song khi nhận xét về Quân đội nhân dân Việt Nam, Navarre cũng phải thừa nhận: “Quân đội Việt Minh “nằm” ở trong dân, cả về vật chất và tinh thần. Ở Việt Minh, không có những chủ trương chính trị và quân sự riêng rẽ mà là những chủ trương thống nhất giữa chính trị và quân sự. Những chủ trương đó do một ủy ban Trung ương quyết định mà trong đó, Tổng Tư lệnh đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng. Vậy là kế hoạch quân sự được đặt trong một tổng thể mà tất cả đều được tiến hành để bảo đảm cho sự thành công: Chính trị đối nội và đối ngoại, ngoại giao, kinh tế, công tác tư tưởng nội bộ và tuyên truyền ra bên ngoài, động viên vật chất và tinh thần của toàn bộ dân chúng... Đã biết bao lần, tôi phát ghen với tướng Giáp!”.

leftcenterrightdel
Bìa cuốn sách “Hell in a very small place: The siege of Dien Bien Phu” của Bernard B.Fall. 

Khi so sánh Quân đội nhân dân Việt Nam với quân đội Pháp, Đại tướng Navarre viết: “Phía Việt Minh là một cuộc chiến tranh được dân chúng tham gia một cách toàn diện. Phía chúng ta là một cuộc chiến tranh tiến hành theo kiểu nửa vời... Phía Việt Minh là một quân đội hết sức cơ động, linh hoạt, sức mạnh quân sự yếu kém nhưng ngày càng tăng. Phía chúng ta, tuy mạnh hơn nhưng đang phải trả giá bởi sự nặng nề, cồng kềnh và thiếu thích nghi với đất nước, con người ở xứ sở này. Phía Việt Minh, số lượng ít hơn một mức nào đó, nhưng bù lại, họ có một tỷ lệ quân cơ động lớn. Phía chúng ta, hy vọng còn đặt vào sự phát triển sắp tới của quân đội các quốc gia liên kết, một việc mà rủi thay, đang còn bị cản trở bởi tình hình chính trị cũng như không khí xã hội và tâm lý không mấy thuận lợi. Phía Việt Minh, chủ bài chính của họ là một khối chủ lực cơ động tác chiến lớn gần gấp 3 lần lực lượng cơ động của chúng ta và để cân bằng được so sánh này, chúng ta còn phải mất nhiều tháng nữa. Thực vậy, chúng ta luôn luôn đánh giá thấp Việt Minh, cả về chính trị và quân sự. Uy tín, ảnh hưởng của họ đối với dân chúng, tinh thần, tính năng động, những khả năng kinh tế, nguồn nhân lực, trình độ quân sự của các cấp chỉ huy, tất cả của họ đều luôn luôn cao hơn so với những gì chúng ta nghĩ”.

leftcenterrightdel
 Bìa cuốn sách “Le temps des verites” của Henri Navarre.

Craig Tibbitts, nhà sử học, làm việc tại Bảo tàng Chiến tranh Australia (Australian War Memorial), chuyên gia nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, trong bài viết nhan đề “Road to Dien Bien Phu: French colonial ambitions led to la sale guerre, France’s dirty war in Indochina, 1946-1954” (Đường đến Điện Biên Phủ: Tham vọng thuộc địa của Pháp đã dẫn đến cuộc chiến tranh bẩn thỉu của Pháp ở Đông Dương, 1946-1954) đăng trên Tạp chí Wartime, No.92, Xuân 2020, đã viết: “Người Pháp đã xây dựng hệ thống đồn lũy kiên cố trong một thung lũng nhỏ (Điện Biên Phủ) được bao quanh bởi những ngọn núi gần biên giới với Lào; hy vọng tướng Giáp sẽ tiến công và tin rằng quân Pháp sẽ nghiền nát quân của tướng Giáp. Sau Chiến dịch Castor, ngày 20-11-1953, lực lượng của Pháp ở Điện Biên Phủ đã lên đến 15.000 người.

Nhận thấy thời cơ đã đến, tướng Giáp tập trung các lực lượng và quyết định chấp nhận thử thách. Trong những tuần tiếp theo, khoảng 42.000 quân chính quy được 15.000 dân công hỗ trợ kéo pháo, khuân vác đạn dược, lương thực, thực phẩm và các vật tư khác lên Điện Biên Phủ. Những khẩu pháo được kéo bằng tay lên các ngọn núi xung quanh thung lũng và cất giấu vào hầm để tránh bị phát hiện và tiến công. Đó thực sự là kỳ tích ấn tượng của ngành hậu cần. Người Pháp đã đánh giá thấp năng lực của đối thủ một cách thậm tệ... Ngày 7-5, Quân đội Việt Minh đã tràn qua các điểm kháng cự cuối cùng và sở chỉ huy của quân Pháp. Gần 12.000 sĩ quan, binh lính Pháp và đồng minh đã bị bắt làm tù binh. Đối với Việt Minh, đó là một chiến thắng đáng kinh ngạc; còn đối với người Pháp, Điện Biên Phủ là một thất bại nhục nhã và trực tiếp dẫn tới sự kết thúc của chiến tranh”.

leftcenterrightdel

Bìa cuốn sách “Dien Bien Phu - The epic battle America forgot” của Howard R.Simpson.

Trong cuốn sách nhan đề “Hell in a very small place: The siege of Dien Bien Phu” (Cuộc bao vây Điện Biên Phủ-Một góc địa ngục), Nhà xuất bản Da Capo Press, năm 1966, Bernard B.Fall, một học giả, nhà báo Pháp nổi tiếng với những cuốn sách viết về chiến tranh Việt Nam, đã viết: “Trong quá trình bao vây Điện Biên Phủ, lực lượng đối phương không ngừng được tăng cường, đặc biệt là bằng những đại đoàn chính quy được huấn luyện tốt và có khả năng chống chọi với những gì tốt nhất mà nước Pháp có thể đưa ra để đối đầu với họ. Mười hai năm sau, quân Bắc Việt Nam cũng chẳng hề do dự đọ sức với những đơn vị quân đội tinh nhuệ nhất của Hoa Kỳ”.

leftcenterrightdel
 Tạp chí Wartime, No.92, Xuân 2020.

Howard R.Simpson, phóng viên chiến trường của Hãng thông tin Mỹ (USIA), trong cuốn sách “Dien Bien Phu-The epic battle America forgot” (Điện Biên Phủ-Cuộc đối đầu lịch sử mà Mỹ muốn quên đi), Nhà xuất bản Washington DC: Brassey’s, Inc; năm 1994, đã rút ra 6 bài học thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ, trong đó, bài học thứ nhất là: “Pháp đã sai lầm khi đánh giá thấp các đơn vị không chính quy hoặc lực lượng du kích và lực lượng chính quy của Việt Minh. Tư lệnh Pháp và nhiều sĩ quan tham mưu ở các sở chỉ huy không thừa nhận giá trị thực của các sư đoàn chính quy, quân địa phương, tự vệ làng xã có mặt ở mọi nơi. Điện Biên Phủ là một ví dụ điển hình về việc làm thế nào mà một giấc mơ quân sự có thể vượt qua thực tế bằng những kết quả bi đát. Người ta nói khả năng pháo binh của Việt Minh là hạn chế. Nhưng ngược lại, pháo binh của tướng Giáp không hề bị hạn chế. Ông đã chuyển súng ống qua rừng hỏa lực phản pháo kích và các đợt tiến công bằng không quân của Pháp bị thất bại thảm hại. Hơn nữa, Pháp còn đánh giá thấp khả năng hậu cần của đối phương, khả năng chịu đựng về mặt tinh thần cũng như sự ngoan cường của binh lính và chuyên môn cao về chiến lược, chiến thuật của đội ngũ sĩ quan tham mưu Việt Minh”.

VŨ VĂN KHANH