Anh hùng LLVT nhân dân Vũ Mạnh tên thật là Đỗ Văn Đoàn, sinh năm 1923, quê ở xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Theo thông tin của Bảo tàng, từ khi tham gia cách mạng vào tháng 8-1945 đến năm 1954, đồng chí đã tham gia chiến đấu 65 trận, trực tiếp chỉ huy và phối hợp với các lực lượng diệt 500 tên địch, bắt hàng chục tên, phá hủy 40 xe, 20 khẩu pháo, thu nhiều súng và vũ khí, trang bị của địch... Ngày 7-5-1956, đồng chí Vũ Mạnh vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Khi đó, đồng chí là đảng viên, Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 675, Quân khu Tả Ngạn (nay là Quân khu 3).

Trận đánh tiêu biểu của đồng chí trong kháng chiến chống thực dân Pháp tại tỉnh Kiến An (nay thuộc TP Hải Phòng) là trận đánh địch chiếm đóng ngọn hải đăng ở đảo Hòn Dấu, Đồ Sơn (năm 1950) và trận mật tập đánh vào thị xã Kiến An (năm 1953). Theo đó, cuối đông năm 1950, đồng chí Vũ Mạnh nhận được mệnh lệnh của cấp trên-đồng chí Minh Khánh, Huyện đội phó Huyện đội Kiến Thụy-với nội dung: “Đồng chí Vũ Mạnh! Đồng chí về ngay đơn vị, chọn lấy 7, 8 chiến sĩ gan dạ, dũng cảm. Chuẩn bị dao găm, lựu đạn, chèo thuyền ra Đồ Sơn gặp tôi nhận công tác mới. Thượng khẩn! Minh Khánh”.

Nhận được mệnh lệnh, Vũ Mạnh tổ chức lực lượng, lập tức bí mật đến địa điểm gặp mặt. Tại đây, Huyện đội phó Minh Khánh giao nhiệm vụ cho đồng chí chỉ huy lực lượng, đánh địch đóng quân tại ngọn hải đăng. Chủ trương tác chiến của trên là: Phải đánh mau lẹ, bí mật, tuyệt đối an toàn, không được dùng súng và không để cho địch kịp nổ súng.

Đồ Sơn lúc bấy giờ là một căn cứ quân sự quan trọng của thực dân Pháp. Do ngọn hải đăng có vị trí đặc biệt quan trọng nên địch bố phòng nghiêm ngặt ở khu vực này và cử một tên quan tư Pháp chỉ huy. Ngoài ra, còn có một số công nhân Việt Nam bị địch bắt, đưa ra đây làm việc... Nhưng cụ thể có bao nhiêu quân, hoạt động của chúng ra sao, công sự bố phòng của chúng thế nào, ta đều chưa nắm được chính xác.

leftcenterrightdel
 

Hiện vật chiếc đồng hồ đeo tay của Anh hùng LLVT nhân dân  Vũ Mạnh. Ảnh: NGỌC GIANG

Để chuẩn bị cho trận đánh, đồng chí Vũ Mạnh cùng các đồng chí Thắng, Thính, Lần nhờ ngư dân giúp sức, tổ chức nhiều lần theo thuyền đánh cá, bí mật tiếp cận điều nghiên nắm chắc được địa hình, sự bố phòng, quân số, quy luật hoạt động của địch... trên đảo Hòn Dấu. Sau đó, đồng chí Vũ Mạnh lên phương án tác chiến và báo cáo cấp trên xin phép mở trận đánh. Nhận được sự đồng ý của cấp trên, đồng chí Vũ Mạnh trực tiếp chỉ huy tổ chiến đấu gồm 8 người lên thuyền tiếp cận đảo Hòn Dấu. Trận đánh diễn ra bí mật và bất ngờ khiến quân địch không kịp trở tay. Tổ chiến đấu diệt được 6 tên địch (trong đó có tên quan tư Pháp), bắt 2 tên, thu 1 súng tiểu liên, 4 súng lục cùng toàn bộ máy liên lạc của địch và giải phóng các công nhân bị chúng giam giữ. Chiến thắng này không chỉ khiến quân địch hoang mang mà còn làm tăng thêm lòng tin của nhân dân địa phương vào sức mạnh của lực lượng cách mạng.

Tháng 4-1953, đồng chí Vũ Mạnh tiếp tục được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ chỉ huy tổ bộc phá, phối hợp tham gia trận đánh mật tập thị xã Kiến An. Đêm 20-4-1953, đồng chí dũng cảm chỉ huy 15 chiến sĩ vừa chiến đấu, vừa đánh bộc phá tiêu diệt, phá hủy từng vị trí ẩn nấp, lô cốt chỉ huy của địch. Hôm sau, địch tổ chức lực lượng phản kích, Vũ Mạnh lại chỉ huy đơn vị phối hợp chiến đấu chặn đứng cuộc phản kích, tiêu diệt nhiều tên địch và thu nhiều vũ khí. Với những chiến công trong trận đánh này, đồng chí Vũ Mạnh được cấp trên tặng thưởng chiếc đồng hồ đeo tay, là hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 3, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ sau.

VIỆT THÙY