Đồng chí Đinh Văn Mẫu, người dân tộc Mường, sinh năm 1922 (trong hồ sơ lý lịch ghi 1924) ở xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, là chiến sĩ nuôi quân của Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Nhập ngũ từ năm 1947, đồng chí luôn tận tụy, tích cực khắc phục khó khăn, phát huy sáng kiến, bảo đảm ăn uống cho bộ đội chu đáo và được kết nạp vào Đảng ngay trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Ngày 7-5-1956, đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Tháng 11-1996, về Hà Nội dự Hội nghị nuôi quân giỏi toàn quân lần thứ 2 và đến thăm Bảo tàng Hậu cần Quân đội, nhìn thấy chiếc ống bương kỷ vật của mình, đồng chí rất xúc động nhớ lại những kỷ niệm nơi chiến trường. Theo lời kể của Anh hùng Đinh Văn Mẫu, trong một lần đi hái măng rừng, phát hiện cây bương rất lớn, đồng chí đã quyết định lấy về, cắt khúc, dùng ống bương đựng nước và canh để thuận tiện cho việc vận chuyển. Chiếc ống bương có chiều dài 28cm, hình trụ, đường kính 10cm, bên trên có một lỗ tròn khoảng 3cm, bên cạnh đục 2 lỗ nhỏ dùng để luồn dây, thân ống nhuốm màu đen do khói bếp. Chiếc ống mộc mạc, đơn sơ ấy đã cùng anh nuôi Đinh Văn Mẫu phục vụ bộ đội, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

“Ở khu vực đồi D2 do Trung đội 2 chốt giữ. Trên đường di chuyển từ D1 sang D2, địch bố trí một khẩu 12,7mm thường xuyên nhả đạn, quét đi quét lại quyết không để mục tiêu di động nào đi qua. Lo sợ anh em trên trận địa nhịn đói cả ngày dễ mất sức chiến đấu nên tôi quyết định dù thế nào cũng phải đưa cơm đến tận tay các đồng chí ở bên đó. Tôi lấy vải nhựa bọc cơm lại và vải dù loang phủ ra ngoài, đổ canh vào ống bương rồi lấy lá nút chặt, sau đó buộc vào cạnh sườn, lần ra phía đầu trận địa để đợi thời cơ. Địch vừa ngừng bắn, tôi vụt lao ra. Không ngờ con mắt cú vọ của chúng ở trên đồi phát hiện thấy bóng người lập tức lia một tràng đạn thẳng. Tôi vội nằm xuống. Mặc kệ súng địch vẫn bắn rát, tôi nằm ngửa, lấy chân đạp, rướn người lên di chuyển, kéo gói dù cơm theo sau. Thỉnh thoảng, tôi kiểm tra xem chiếc ống bương đựng canh có bị đổ ra ngoài không. Rất may là miệng ống tôi đã nút chặt nên cũng yên tâm”-Anh hùng Đinh Văn Mẫu kể.

leftcenterrightdel

Kỷ vật của đồng chí Đinh Văn Mẫu đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hậu cần Quân đội. Ảnh: PHẠM HÀ 

Tuy nhiên, di chuyển bằng cách nằm ngửa như vậy mặc dù bảo đảm không bị lộ mục tiêu nhưng rất chậm nên Đinh Văn Mẫu quyết định xoay sang cách bò sấp. Nhưng hào nông, lưng bị nhô lên khỏi mặt đất, một quả đạn pháo nổ rất gần khiến anh choáng váng ngất đi. Tỉnh dậy, thấy khói đạn vẫn còn mù mịt, anh vội vác bao dù cơm chạy một mạch rồi nhảy vội vào chiến hào sâu của trận địa đại đội. Không nghĩ là mình vẫn còn sống, Mẫu mừng quá, mồm mũi thi nhau thở, không nói nên lời. Anh em làm nhiệm vụ bố trí phòng ngự ở D2 hồi hộp tập trung theo dõi hành động dũng cảm quên mình của Mẫu bấy giờ đều phấn khởi chạy tới ôm chầm lấy Mẫu reo vui.

Dù rất mệt nhưng anh không hề ngơi nghỉ, vội lấy cơm chia cho từng người. Ống bương canh cũng được tháo ra vẫn còn nguyên vẹn, Mẫu đưa cho anh em chuyền tay nhau mỗi người một ngụm cho mát ruột. Ai cũng cảm động vì không ngờ hôm nay lại có cơm ăn, nước uống. Cơm chia chỉ được 40 nắm thì hết, đồng chí Truyền-chỉ huy lực lượng chốt giữ ra lệnh hai người chung nhau một nắm. Mẫu vội xua tay: “Ấy, ấy, còn nữa, còn nữa! Báo cáo chỉ huy cho tôi được đi lấy!”.

Lo địch tấn công nguy hiểm nên đồng chí Truyền không đồng ý đề xuất của Mẫu. Thế là anh lẳng lặng lần ra rìa trận địa rồi cứ thế chạy nhanh về phía đồi D1. Trong khói đạn, lúc nằm, lúc chạy, trông Mẫu thoăn thoắt như một con sóc. Cứ như vậy, chuyến thứ 2 rồi chuyến thứ 3... Mẫu đem thêm cơm rồi lại thức ăn, nước uống cho đồng đội trên chốt. Cả thảy Mẫu đi lại tới 8 lần dưới làn bom đạn của địch để đưa cơm nước cho anh em an toàn.

Chiều hôm đó, về đến nhà, Mẫu bắt tay vào nấu cơm chiều thì nghe tiếng súng tấn công của quân ta nổ dồn dập. Tối muộn có tin về: Quân ta đã chiếm được đỉnh đồi. Anh em nuôi quân nhảy lên hoan hô Mẫu vì anh đã góp phần vào chiến thắng. Riêng Mẫu lại thầm nghĩ: “Chiếm được đồi, đường sẽ dễ đi hơn, mai ta sẽ cố gắng mang thật nhiều canh và nước uống để anh em ăn cho mát ruột!”.

NGUYỄN THUẬN - TRẦN SÂM