Thắm tình đồng đội

Cuộc gặp mặt của gần 200 cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 1-U Minh (nay thuộc Sư đoàn 330, Quân khu 9) vào cuối tháng 4-2024 tại xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa diễn ra đúng dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2024). Dù 8 giờ cuộc gặp mặt mới bắt đầu, nhưng chưa đến 7 giờ, các CCB và thân nhân đã có mặt gần như đông đủ. Họ tranh thủ đến sớm để trò chuyện, thăm hỏi, động viên nhau. Đến từ rất sớm, ông Nguyễn Hữu Duy, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 3 thuộc Tiểu đoàn 303, Trưởng ban liên lạc Hội đồng ngũ xã Hà Long-đơn vị đăng cai tổ chức cuộc gặp-chộn rộn, không thể ngồi yên. Kiểm tra một lượt thấy công tác chuẩn bị đã tạm ổn, ông tranh thủ tìm gặp, trò chuyện cùng đồng đội. Rưng rưng xúc động, ông bộc bạch: “Hồi ấy, ở chiến trường thiếu thốn trăm bề. Giữa sự sống và cái chết mong manh bởi bom rơi, đạn nổ không kể ngày đêm, chúng tôi chẳng biết liệu có còn sống trở về không. Chiến đấu vì hòa bình và giờ đây khi đã hòa bình, chúng tôi mong mỗi năm có thể gặp nhau để cùng ôn lại kỷ niệm một thời chiến chinh. Đều đã ở tuổi xưa nay hiếm nên chúng tôi càng trân quý từng giây, từng phút gặp lại”.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Viết Nhu kể về những lần bị thương. Ảnh: TUẤN TÚ

Còn CCB, thương binh Nguyễn Viết Nhu, 74 tuổi, sau một thời gian chống chọi với bệnh tật do vết thương cũ tái phát, lần đầu tiên ông đến dự, gặp lại bao đồng đội, ông như thấy mình trẻ lại. Năm 1970, ông nhập ngũ rồi theo Đoàn 2012 vào miền Nam tham gia kháng chiến. Đến miền Tây, Nguyễn Viết Nhu được bổ nhiệm làm Trung đội trưởng Trung đội trinh sát của Tiểu đoàn 303. “Theo phân công, tôi thường xuyên đảm nhiệm vị trí dẫn mũi đánh các cứ điểm chủ yếu. Lần phục kích đại đội bảo an của địch ở Chi khu Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) ngày 4-6-1972 là một trong những trận đánh thành công của đơn vị tôi. Sau nhiều lần trinh sát, nắm được quy luật hoạt động của địch, Tiểu đoàn quyết định tổ chức đánh ban ngày. Khi bà con gặt lúa xong, đêm đến, ta tổ chức cho bộ đội ra đào đất ở cánh đồng chuyển ra sông rồi phủ rơm lên ngụy trang và đánh theo kiểu “đội mồ” khiến địch không kịp trở tay. Tôi nhớ, trận này đồng chí Bảy Quang, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 303 trực tiếp chỉ huy. Chờ địch cách vị trí phục kích của ta khoảng 5m, anh Bảy Quang hô xung phong, thế là bộ đội ta từ sau lớp rơm ngụy trang đồng loạt bật dậy xung kích. Trong vòng 30 phút, ta đã diệt gọn đại đội địch. Tuy nhiên, trong trận đánh hai ngày sau đó, do có gián điệp chỉ điểm nên khi đơn vị vừa lên chiếm lĩnh trận địa đã bị B-52 và pháo binh địch ở các Chi khu Ngã Năm, Long Mỹ, Càng Long bắn phá dồn dập khiến quân số thương vong nhiều. Dù bộ đội kiên cường bám trụ nhưng đến đợt tiến công thứ 7 của địch, ta bị đánh bật trở ra. Bản thân tôi bị trúng đạn ở tay, bụng và đùi, phải về tuyến sau điều trị suốt 8 tháng liền mới hồi phục”, CCB Nguyễn Viết Nhu kể.

Một đồng đội mà ông Nhu gặp lại hôm ấy là ông Lê Văn Thạch, 75 tuổi, hiện sống ở xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), nguyên chiến sĩ Đại đội 9 hỏa lực 12,7mm của Tiểu đoàn 303. Trao nhau cái ôm thắm thiết, họ kể cho nhau nghe bao chuyện từng trải qua. Ông Thạch cho biết: “Tôi bị thương trong trận đánh ngày 8-6-1972. Sau khi bắn rơi một máy bay trinh sát của địch thì khẩu đội tôi bị lộ trận địa. Địch cho máy bay cường kích đến oanh tạc. Tôi cùng lúc bị hai quả bom nổ gần, bị thương nặng do sức ép, mất 51% sức khỏe, buộc phải chia tay đơn vị. Lúc đó, nghĩ đến đồng đội vẫn đang ngày đêm chiến đấu mà mình lại nằm im trên giường bệnh, tôi không khỏi tiếc nuối. Thế rồi tôi tự dặn bản thân phải cố gắng vượt qua thương tật để sống xứng đáng với sự hy sinh của họ”...

Những câu chuyện mà chúng tôi được nghe chỉ là một vài trong rất nhiều câu chuyện mà những người lính trận mạc đã trải qua. Khi ai đó ngậm ngùi nhắc đến người đã khuất rồi ngước mắt kiếm tìm, giọt nước mắt lại lăn dài trên những gương mặt đã in hằn dấu vết của thời gian. Là người có gần 10 năm chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 1-U Minh, Thượng tướng Mai Quang Phấn, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, xúc động nói: “Chúng tôi giờ ai cũng lớn tuổi cả. Gặp nhau, thấy đồng chí, đồng đội mình vẫn vui khỏe, những vết thương trong người luôn hành hạ tôi bao năm qua dường như cũng thôi nhức nhối!”.

“Tàn nhưng không phế”

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Huấn, Trưởng ban liên lạc CCB Trung đoàn 1-U Minh khu vực Thanh Hóa tự hào nhắc lại lịch sử hào hùng của đơn vị. Cách đây 61 năm, nhằm đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở chiến trường Tây Nam Bộ, ngày 23-9-1963, Trung đoàn 1-U Minh được thành lập. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia, Trung đoàn đã đánh hàng nghìn trận lớn nhỏ, góp phần quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và vinh dự 3 lần được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Các CCB từng tham gia chiến đấu trong đội hình Trung đoàn, nhiều người có thương tật khá nặng nhưng khi trở về đời thường, họ đã nỗ lực vượt qua khó khăn để không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Trung đoàn 1-U Minh anh hùng.

leftcenterrightdel
 Các cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh trong ngày hội ngộ. Ảnh: NGỌC ANH

Ngồi ngay cạnh chúng tôi, Đại úy, thương binh Nguyễn Chí Hoa, nguyên chiến sĩ Đại đội 7 hỏa lực ĐKZ 75mm của Trung đoàn cho biết, tháng 7-1977, sau một thời gian an dưỡng điều trị vết thương, ông nhận quyết định ra quân. Nhớ lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông đăng ký đi học nghiệp vụ rồi được phân công về công tác tại trại lâm sản thuộc Công ty Lâm sản Thanh Hóa. Khi công ty giải thể, trở về quê, ông cùng vợ con sản xuất nông nghiệp và tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Trong khi đó, CCB Tống Minh Chương (nguyên chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 303) do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin dẫn đến mắc các bệnh về gan, huyết áp, tiểu đường... Mấy năm trước, mắt ông không thể nhìn thấy được nhưng nhờ sự chia sẻ của đồng đội nên đã được phẫu thuật thay giác mạc. Khôi phục thị lực, việc đầu tiên ông làm là trở lại sinh hoạt với hội bạn đồng ngũ. Vượt qua bệnh tật, ông cùng gia đình tập trung phát triển việc trồng giống ổi lê Quý Hương rất nổi tiếng hiện nay. Gia đình ông đã có nguồn thu nhập ổn định và còn giúp đỡ nhiều đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. “Chúng tôi bị thương, người nặng, người nhẹ, khá vất vả để hòa nhập với cuộc sống đời thường. Nhưng so với những đồng đội đã hy sinh thì mình còn may mắn hơn nhiều. Còn sống ngày nào, chúng tôi còn cố gắng làm việc để góp sức nhỏ bé xây dựng quê hương”.

Là người lính trở về, chứng kiến bao thăng trầm của đất nước, quê hương, ông Hoa, ông Chương cùng nhiều đồng đội ấp ủ những ý tưởng phải làm điều gì đó để gia đình, bà con chòm xóm vượt qua đói nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Từ suy nghĩ ấy, năm 1997, với 2,5ha đất mượn được của xã Hà Long, bệnh binh Nguyễn Hữu Hề tiến hành trồng dứa kết hợp luân canh trồng mía. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm, dứa, mía bị sâu bệnh, mất mùa, sản lượng thấp. Có những lần bao vốn liếng mất sạch, ông trở về “tay trắng”. Không nản lòng, ông vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lại đi học hỏi thêm, đến nay, mỗi năm, gia đình ông thu hoạch được 40 tấn dứa/ha, 90 tấn mía/ha. Không chỉ nuôi được 3 người con học đại học, có việc làm ổn định, ông Nguyễn Hữu Hề còn có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình và giúp đỡ, tạo việc làm cho bà con quê hương. “Tôi luôn mong rằng, giống như tôi, trong thời gian tới, những đồng đội, chiến hữu của tôi dù ở đâu, làm gì đều có cuộc sống ổn định, sức khỏe tốt, khi có điều kiện là gặp nhau, ôn lại một thuở “chiến binh” và động viên nhau tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, xây dựng gia đình, quê hương ngày càng giàu mạnh, phát triển”, CCB Nguyễn Hữu Hề nói.

SONG THANH - VĂN TÁM