Những trận đánh nổi danh

Nhằm đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở chiến trường Tây Nam Bộ, ngày 23-9-1963, Trung đoàn 1-U Minh được thành lập. Ngay sau đó, Trung đoàn đã lập được những chiến công vang dội, trong đó có trận phối hợp hiệp đồng với các đơn vị bạn tiêu diệt cụm cứ điểm Chà Là đêm 23, rạng sáng 24-11-1963, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu gần 600 tên địch, bắn rơi 19 máy bay các loại. Gắn bó với nơi đây hơn 10 năm, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1-U Minh trong nhiều dịp gặp gỡ đồng đội thường kể lại những ngày tháng kiên gan ở chiến trường miền Tây Nam Bộ.

Tác chiến trên địa bàn sình lầy, trống trải với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, phương tiện đi lại chủ yếu bằng ghe, xuồng, biết bao lần đồng chí Phạm Văn Trà và đồng đội bị kẻ thù vây ráp, tập kích. Nhưng bằng ý chí kiên cường, sự mưu trí, sáng tạo trong cách đánh, Trung đoàn 1-U Minh đã lập nhiều chiến công, đánh thắng nhiều trận lớn, như: Trận phối hợp hiệp đồng đập tan căn cứ Thứ Mười Một, đây là trận then chốt quyết định đánh bại cuộc hành quân “nhổ cỏ U Minh” lần thứ nhất của địch đầu tháng 11-1969; trận đánh đồn Tô Ma năm 1970; trận đánh đồn Thanh Long, tập kích gây thiệt hại nặng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 15 của ngụy năm 1972... “Trung đoàn có nhiều trận đánh xuất sắc, đạt hiệu suất chiến đấu cao, thực hiện đúng khẩu hiệu “Đi là chiến thắng, đánh là diệt gọn”. Như trận đánh ngày 25-6-1973, Trung đoàn tiêu diệt gọn một tiểu đoàn địch ở khu vực rạch Cái Cao, chỉ trong vòng một ngày đêm kể từ khi chuẩn bị cho đến kết thúc trận đánh”, Đại tá Trần Tường Huấn, Phó trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh khu vực Hà Nội cho biết.

leftcenterrightdel

Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh khu vực Hà Nội trong lần đi thăm hỏi, hướng dẫn gia đình liệt sĩ Vi Văn Dính làm hồ sơ giám định ADN ở Lang Chánh, Thanh Hóa. Ảnh: THỦY TIÊN

Theo Đại tá Trần Tường Huấn, năm 1974, hai Tiểu đoàn 76 và Tiểu đoàn 78 thuộc Trung đoàn 59, Bộ tư lệnh Thủ đô cùng với số cán bộ khung được bổ sung về Trung đoàn 1-U Minh và một số đơn vị trên chiến trường miền Tây Nam Bộ. Những người con Hà Nội đã nhanh chóng hòa mình vào cuộc chiến đấu của Trung đoàn và quân dân miền Tây Nam Bộ, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Phạm Văn Trà. Nhắc về những chiến sĩ mới từ miền Bắc vào bổ sung cho Trung đoàn giai đoạn này, trong hồi ký “Đời chiến sĩ” của mình, Đại tướng Phạm Văn Trà dành rất nhiều tình cảm yêu thương, quý mến. Ông viết: “Nhiều anh em đã học hết cấp 3, có học vấn, lại được huấn luyện cơ bản, sức khỏe tốt; đặc biệt đánh rất giỏi, thông minh”.

Trên chiến trường, những người lính bổ sung từ Trung đoàn 59, Bộ tư lệnh Thủ đô đã chiến đấu với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, dũng cảm khi ra trận, trực tiếp tham gia các trận tiến công chi khu, phân chi khu và hệ thống đồn bốt của địch ở các huyện: Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Duyên Hải... thuộc tỉnh Trà Vinh; huyện Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh thuộc tỉnh Vĩnh Long; trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, cùng đơn vị làm chủ hậu cứ Trung đoàn 16 ngụy, giải phóng thị xã Vĩnh Long; phối hợp với đơn vị bạn chặn cắt lộ 4, chiếm đài phát thanh và dinh tỉnh trưởng Cần Thơ... “Ngay sau đó, khi đồng bào và chiến sĩ cả nước đang tận hưởng niềm vui của ngày toàn thắng 30-4-1975 thì chúng tôi lại cùng đơn vị nhận nhiệm vụ giải phóng một số đảo ở vùng biển Tây Nam. Những năm sau này là chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia. Những người lính Trung đoàn vẫn giữ vững phẩm chất, chiến đấu kiên cường, lập nên chiến công mới. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng, huấn luyện và chiến đấu, Trung đoàn 1-U Minh đã được Đảng, Nhà nước 3 lần tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào các năm 1973, 1975 và 1989”, Đại tá Trần Tường Huấn cho biết.

Nghĩa cử với đồng đội

Năm 2013, các cựu chiến binh của Trung đoàn ở Hà Nội đã thành lập Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh khu vực Hà Nội. Theo Đại tá Trần Tường Huấn, các Tiểu đoàn 76, 78 năm xưa bổ sung về Trung đoàn 1-U Minh có gần 70 cán bộ, chiến sĩ quê ở Hà Nội đã anh dũng hy sinh, gần 40 đồng chí là thương binh, bệnh binh. Trong 10 năm qua, Ban liên lạc đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào của địa phương, đặc biệt luôn chủ động, tích cực trong các hoạt động nghĩa tình, tri ân, đi tìm đồng đội.

Đại tá Vũ Doãn Tùng, Trưởng ban liên lạc cho biết: “Xác định đây là nghĩa cử thiêng liêng với đồng đội, nhiều năm qua, trân trọng những thông tin dù là nhỏ nhất, ban liên lạc luôn gắng sức, đồng lòng trên hành trình đi tìm đồng đội. Thời chiến tranh, địa bàn chiến đấu của Trung đoàn là vùng đầm lầy, ngập nước, bây giờ địa hình đã thay đổi rất nhiều. Không quản ngại khó khăn, những cựu chiến binh của Trung đoàn dù đều đã ở tuổi 70 vẫn đi đến từng địa điểm, xác định nơi chôn cất ban đầu, cụm mộ liệt sĩ được quy tập, lập danh sách đồng đội hy sinh từng trận, rồi tổ chức đi thăm viếng, kết nối thân nhân liệt sĩ ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong 5 năm qua, Ban liên lạc đã phối hợp xác định danh tính được 45 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 13 liệt sĩ nguyên là chiến sĩ Bộ tư lệnh Thủ đô. Với những đóng góp cho phong trào vận động cựu chiến binh cung cấp thông tin, đi tìm đồng đội, Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh khu vực Hà Nội đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng Bằng khen.

leftcenterrightdel
Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh khu vực Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng lấy mẫu hài cốt liệt sĩ tại Trà Ôn, Vĩnh Long (năm 2022). 

Trong quá trình gian nan ấy, Đại tá Trần Tường Huấn và đồng đội không thể quên những lần đón các liệt sĩ trở về quê hương. Như năm 2022, đón 5 liệt sĩ Hà Nội hy sinh trong trận Ba Càng (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Ông Trần Tường Huấn kể: “Trong trận chiến đấu ác liệt ấy, nhiều thi thể đồng đội hy sinh không thể đưa về tuyến sau mà phải an táng ngay tại mặt trận. Với quyết tâm phải tìm bằng được đồng đội, những năm qua, chúng tôi đã liên lạc với các cơ quan chức năng, xác định chính xác khu mộ tập thể nơi các đồng đội nằm xuống, tập hợp được danh sách 52 liệt sĩ, kết nối với 45 gia đình liệt sĩ, giúp 35 gia đình liệt sĩ làm hồ sơ đề nghị giám định ADN và lấy mẫu sinh phẩm thân nhân. Đến nay, đã xác định được 31 danh tính liệt sĩ hy sinh trong trận Ba Càng”.

Trực tiếp cùng các cơ quan chức năng tham gia “mở mộ”, lấy mẫu giám định, sau đó, Ban liên lạc tìm đến các gia đình thân nhân liệt sĩ để kết nối thông tin. Quá trình ấy cũng không kém phần khó khăn khi nhiều gia đình liệt sĩ đã chuyển đi nơi khác hoặc sai thông tin quê quán. Như trường hợp liệt sĩ Bùi Huy Hưng, trong hồ sơ ghi quê ở Nghệ An, nhưng theo đồng đội, anh sinh ra ở Hà Nội. Tìm hiểu qua nhiều nguồn thông tin về gia đình liệt sĩ Hưng, Ban liên lạc đã tìm được địa chỉ người anh trai của liệt sĩ tại Hà Nội.

Tháng 4-2022, trong buổi lễ đón 5 liệt sĩ cùng đơn vị, cùng chiến đấu và hy sinh trong trận đánh Ba Càng tại UBND phường Thổ Quan (quận Đống Đa, TP Hà Nội), ông Bùi Mạnh Hùng là anh trai liệt sĩ Bùi Huy Hưng xúc động nói: “Gia đình chúng tôi đã nhiều lần đi tìm kiếm hài cốt em trai nhưng đều chưa có kết quả. Vậy mà việc tưởng như không thể ấy lại thành hiện thực nhờ nghĩa cử của Ban liên lạc. Chúng tôi cảm ơn các anh nhiều lắm!”. Đó cũng là suy nghĩ chung của thân nhân 5 liệt sĩ khi được đưa các anh về cùng an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Nhổn (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội)!

MINH AN