Trần Khánh Dư sinh ngày 13-3-1240, tại Chí Linh (nay là TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Xuất thân từ một gia đình võ quan thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Trần, khi trưởng thành, Trần Khánh Dư được phong tước Nhân Huệ vương và sớm bộc lộ phẩm chất của một vị tướng giàu mưu lược, được triều Trần trọng dụng. Tháng 10-1282, trong lần gặp vua Trần Nhân Tông ở Bình Than (Hải Dương), khi được vua mời bàn kế đánh giặc, Trần Khánh Dư đã tham gia ý kiến “nhiều điều hợp ý vua” (Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hội, H. 1998, tập II, tr.49).

Mặc dù đang bị tội, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, viên tướng thủy quân nổi tiếng của nhà Trần, được vua tha bổng và trao cho chức Phó đô tướng quân. Cuối năm 1287, ông được cử chỉ huy đạo thủy quân phòng giữ vùng biển Đông Bắc, đóng ở Vân Đồn. Đây là một trấn “đặt quan trấn, quan lộ và sát hải sư (quan kiểm soát mặt biển)” (dẫn theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 8-1993, tr.77), thuộc lộ Hải Đông (nay là tỉnh Quảng Ninh và một phần tỉnh Hải Dương).

Trước tình hình quân Nguyên ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần nữa, triều đình nhà Trần chuẩn bị kháng chiến rất khẩn trương. Đối với trấn Vân Đồn, triều Trần chú trọng xây dựng thành một căn cứ thủy quân khá lớn và đặt ở đây một đơn vị quân đội riêng-quân Bình Hải, có nhiệm vụ tuần tra, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền vùng biển Đông Bắc. Khi Trần Khánh Dư đến, ngoài đơn vị quân riêng của ông, ở trấn còn có quân các trang (chư trang quân) hình thành từ thời Lý.

Đây là tiền đề quan trọng để Trần Khánh Dư tổ chức, mở rộng đơn vị quân Bình Hải gồm 30 đô, mỗi đô có 80 người, tổng quân số hơn 2.000 người. Ngoài ra, còn có khoảng 30 thuyền trực chiến, mỗi thuyền khoảng 30 tay chèo. So với các căn cứ, chốt thủy quân thời Lý trước đó, cũng như thời Lê, thời Nguyễn sau này, thì Vân Đồn lúc Trần Khánh Dư đến được xây dựng thành một căn cứ thủy (hải) quân khá lớn. Nhiệm vụ của quân Bình Hải được Trần Khánh Dư tuyên bố rõ rằng: “Quân đóng ở Vân Đồn là để ngăn giặc Hồ (tức quân Mông-Nguyên)” (dẫn theo Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hội, H. 1998, tập II, tr.61).

leftcenterrightdel
Minh họa: THÁI AN 

Tháng 12-1287, quân Mông-Nguyên mở cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ ba. Khác với hai lần tiến công xâm lược trước, lần này, quân Mông-Nguyên mở thêm cánh quân tiến công bằng đường thủy, xuất phát từ Khâm Châu (Quảng Đông-nay thuộc Quảng Tây, Trung Quốc) vượt biển tiến vào nước ta theo đường sông Bạch Đằng. Cánh quân thủy gồm 500 chiến thuyền, do tướng Ô Mã Nhi, một người quen thủy chiến, cùng các tướng Phàn Tiếp, Trương Ngọc thống lĩnh đi trước hộ tống đoàn thuyền lương (gồm 70 chiếc thuyền chở 170.000 thạch lương), do Trương Văn Hổ chỉ huy, từ Khâm Châu theo đường biển Đông Bắc tiến vào sông Bạch Đằng đến Vạn Kiếp, nơi địch dự kiến sẽ xây dựng thành một căn cứ quân sự lớn.

Nắm được kế hoạch tiến công của địch, triều Trần giao nhiệm vụ cho Phó đô tướng quân Trần Khánh Dư chỉ huy quân trấn Vân Đồn đánh chặn, tiêu diệt lực lượng hộ tống và đoàn thuyền lương của quân Mông-Nguyên tại đây, không để chúng tiến sâu vào nội địa phối hợp với hai cánh quân bộ (gồm bộ binh, kỵ binh), do Thoát Hoan thống lĩnh. Ngày 20-12-1887, đạo thủy binh của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, theo sau là đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bắt đầu xuất phát từ Khâm Châu tiến vào vùng biển Vạn Ninh (Móng Cái).

Một bộ phận thủy quân ta phục kích chờ địch đến Ngọc Sơn (Mũi Ngọc, nay thuộc Quảng Ninh) đánh chặn. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch nên thủy quân ta chỉ tiêu diệt được đội thuyền đi sau, diệt và bắt một số địch. Sau khi vượt qua Mũi Ngọc, lực lượng thủy binh của Ô Mã Nhi tiến qua vùng biển Vân Đồn, rồi vào cửa An Bang (nay thuộc Quảng Ninh). Tại đây, một lực lượng lớn thủy quân do Phó đô tướng quân Trần Khánh Dư chỉ huy chiến đấu quyết liệt, nhưng không ngăn cản được, buộc phải để cho đạo quân của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp ngược sông Bạch Đằng, tiến vào Vạn Kiếp hội tụ với cánh quân Thoát Hoan.

Không ngăn được thủy binh địch, Trần Khánh Dư và binh tướng của ông chưa hoàn thành được nhiệm vụ trọng yếu triều đình giao cho. Được tin thủy quân ta không thắng được giặc, Thượng hoàng Trần Thánh Tông nổi giận, sai Trung sứ tới Vân Đồn triệu Trần Khánh Dư về kinh đô trị tội, cho dù ông là thân vương rất được trọng dụng. Lập tức, Trần Khánh Dư xin với Trung sứ rằng: “Lấy quân luật mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất hai, ba ngày để lập công chuộc tội, rồi sẽ chịu búa rìu cũng chưa muộn” (Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hội, H. 1998, tập II, tr.60).

Trần Khánh Dư thẳng thắn nhận tội trước triều đình, nhưng ông rất bình tĩnh, tự tin bởi đã phán đoán được đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ đang ở phía sau, không có quân hộ tống nên ta có thể chặn đánh, tiêu diệt chúng. Theo đó, Trần Khánh Dư gấp rút chấn chỉnh lực lượng, xây dựng trận địa phục kích từ Vân Đồn (Cẩm Phả) tới Cửa Lục (Hòn Gai), quyết tâm tiêu diệt toàn bộ đoàn thuyền lương của địch. Sử liệu cũ không ghi chép lực lượng của Trần Khánh Dư là bao nhiêu và đội hình bố trí như thế nào, thế nhưng so sánh về tương quan lực lượng giữa ta và địch ở vào thời điểm này đã hoàn toàn khác trước. Thủy quân nhà Trần là đội quân tinh nhuệ, có tinh thần quyết chiến cao, đã có kinh nghiệm đánh thủy binh Mông-Nguyên.

Tháng 1-1288, đoàn thuyền lương nặng nề của Trương Văn Hổ không có chiến thuyền bảo vệ tiến vào cửa biển Vân Đồn trong thế rất chủ quan, do tin tưởng đã có lực lượng thủy binh của Ô Mã Nhi đi trước dọn đường. Khi đoàn thuyền lương của địch lọt vào thế trận phục kích ở Vân Đồn, lực lượng thủy quân do Trần Khánh Dư chỉ huy được lệnh bất ngờ từ các hướng xông ra tiến công mạnh mẽ vào đoàn thuyền lương địch. Quân Trương Văn Hổ vừa chống đỡ, vừa tiến nhanh vào cửa sông Bạch Đằng với hy vọng có sự ứng cứu của thủy binh Ô Mã Nhi.

Tuy nhiên, do đoàn thuyền chở nặng, sức cơ động kém, quân Mông-Nguyên không thể đối phó được với lực lượng thủy quân thiện chiến của Đại Việt do Trần Khánh Dư chỉ huy trên suốt chặng đường dài. Đặc biệt, khi đến Cửa Lục, bị lực lượng thủy quân đông đảo của ta đánh mạnh, quân Mông-Nguyên trở nên hoảng loạn, mất hết tinh thần chiến đấu, buộc phải đổ cả lương thực, vũ khí xuống biển để rút chạy, nhưng cũng không tránh khỏi bị tiêu diệt. Trận đánh diễn ra nhanh gọn, thủy quân ta tiêu diệt và bắt sống phần lớn đoàn thuyền lương của quân Mông-Nguyên, riêng Trương Văn Hổ thoát chết nhờ dùng chiếc thuyền nhẹ chạy trốn về Quỳnh Châu (Hải Nam, Trung Quốc).

Trận đánh của thủy quân ta do Trần Khánh Dư chỉ huy, sử sách cũ chép lại còn quá ít. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Khánh Dư biết quân giặc đã qua, thuyền vận tải ắt theo sau, nên thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu thuyền tải quả nhiên đến, (Khánh Dư) đánh bại chúng, bắt được quân lương khí giới của giặc nhiều không kể xiết, (ông) lập tức sai chạy ngựa mang thư về báo. Thượng hoàng tha cho tội trước, không hỏi đến nữa”. Đánh giá ý nghĩa trận Vân Đồn và công lao của Trần Khánh Dư, sử thần Ngô Thì Sĩ viết: “Trận thắng ở Vân Đồn rất kỳ diệu và là căn bản của thắng lợi sau đó. Trận thắng ở Vân Đồn là chẹt con hổ mà cướp lấy mồi... Mưu tính hiệu và công thắng địch của Trần Khánh Dư cũng vĩ đại thay”.

Để tưởng nhớ và ghi nhận công lao to lớn của Trần Khánh Dư, ở nhiều nơi ven biển từ Móng Cái, Vân Đồn, Cẩm Phả (Quảng Ninh) đến Cát Bà (Hải Phòng), người dân đều lập đền thờ ông. Trong đó, nhân dân xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) lập đền thờ và tôn Trần Khánh Dư là thành hoàng. Hằng năm, người dân trong vùng thường duy trì Lễ hội Quan Lạn (còn gọi là Lễ hội chèo bơi Quan Lạn) từ mồng 10 đến 20-6 (âm lịch) để kỷ niệm chiến thắng Vân Đồn dưới sự chỉ huy tài tình của ông.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP