Chúng tôi đến thăm anh Hà Văn Lâm, con của một gia đình cơ sở cách mạng ở xã Vũ Lễ. Anh lấy từ trong kệ tủ một chiếc liễn đưa cho chúng tôi xem và bảo: “Chiếc liễn bằng gốm này có vẽ hoa bằng men lam. Ngày xưa, nó là loại đồ dùng sinh hoạt bình thường của các gia đình trong vùng. Theo ông bà tôi dặn lại, chiếc liễn này từng được dùng để đựng thức ăn phục vụ cho Đội du kích Bắc Sơn khi mới thành lập. Chúng tôi coi chiếc liễn là một vật quý, nhưng có lẽ nên trao lại các anh chị ở bảo tàng để bảo quản, trưng bày và lưu giữ lâu dài thì tốt hơn”.

Ngược dòng lịch sử trở lại Bắc Sơn, đầu năm 1941, thực hiện chủ trương của Trung ương về việc duy trì và bồi dưỡng LLVT làm vốn quân sự đầu tiên cho cuộc khởi nghĩa sau này, cũng như xây dựng trung tâm căn cứ địa Bắc Sơn-Võ Nhai làm chỗ dựa cho đấu tranh vũ trang, Đội du kích Bắc Sơn được thành lập. Những ngày đầu, Đội gặp rất nhiều khó khăn. Cái ăn, cái mặc đều thiếu thốn, địch luôn lùng sục tìm cách bắt bớ những người theo cách mạng, ngăn chặn mọi ngả đường tiếp tế. Nhưng được sự che chở, đùm bọc của nhân dân, trong đó có ông Hà Văn Sơn-ông nội của anh Hà Văn Lâm, Đội vẫn duy trì tốt các hoạt động chính trị và huấn luyện quân sự, bảo vệ căn cứ địa cách mạng, củng cố phong trào, không ngừng phát triển lực lượng, tăng cường sức đấu tranh của quần chúng.

leftcenterrightdel

Chiếc liễn của đồng bào Bắc Sơn được lưu giữ tại Bảo tàng Hậu cần Quân đội. Ảnh: THANH HÀ 

Tại khu rừng Khuổi Nọi, các lớp huấn luyện chính trị, quân sự của Xứ ủy Bắc Kỳ do đồng chí Lương Văn Tri phụ trách được tiến hành, đã đào tạo được nhiều cán bộ cho căn cứ cách mạng Bắc Sơn-Võ Nhai, cho phong trào cách mạng các tỉnh: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang. Anh Lâm cho biết: “Theo lời ông nội tôi kể lại, hồi đó, các đội viên Đội du kích Bắc Sơn đều thoát ly gia đình, sống tập trung để có thể cơ động nhanh trên địa bàn rộng, vừa chiến đấu chống địch vừa tuyên truyền, tổ chức quần chúng. Ban ngày, Đội rút vào rừng, vào hang để học tập, rút kinh nghiệm công tác, chiến đấu. Ban đêm, Đội chia thành các tổ, về bản làng gặp gỡ các cơ sở quần chúng và hướng dẫn quần chúng đấu tranh”.

Ở Bắc Sơn, chúng tôi còn nghe được những câu chuyện tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho Đội du kích Bắc Sơn của nhân dân trong vùng. Nhờ có nguồn hậu cần nhân dân cung cấp đã giúp Đội du kích Bắc Sơn hoạt động, phát triển được trong vòng kiềm tỏa của kẻ thù. Chiếc liễn do gia đình anh Hà Văn Lâm tặng chỉ là một trong số đồ dùng Đội du kích Bắc Sơn đựng thức ăn để sống và chiến đấu suốt những năm đầu hoạt động, để sau này phát triển thành LLVT lớn mạnh. Chiếc liễn tuy là đồ dùng rất đơn sơ nhưng là vật chứng lịch sử quý giá, ẩn chứa trong đó câu chuyện về lòng dân đối với Đảng, với Đội du kích Bắc Sơn, sau này là Trung đội cứu quốc quân thứ nhất-một trong những đội quân đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

TRẦN SÂM - ĐẶNG THU