Đó là khẳng định của Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Tụ, nguyên Phó giám đốc Học viện Quân y. Dù đã ở tuổi ngoài 90, song ký ức về những năm tháng hào hùng khi là cán bộ quân y Đại đoàn 316, tham gia Chiến dịch Tây Bắc vẫn vẹn nguyên trong ông. Thiếu tướng Nguyễn Tụ kể: “Tây Bắc có địa hình rừng núi hiểm trở, lại ở xa hậu phương nên không được sự hỗ trợ tại chỗ. Hồi đó, tôi làm y sĩ ở Đại đoàn 316. Việc cứu chữa thương binh khó khăn nhất với chúng tôi là thiếu thốn thuốc men và thiết bị y tế, nhất là bông băng dùng để băng bó vết thương. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi phải tái sử dụng bông băng đã dùng bằng cách giặt, phơi khô rồi luộc sạch. Không chỉ ngoại thương, bộ đội ta còn bị sốt rét và lỏng lỵ rất nhiều nên thiếu thuốc rất nghiêm trọng. Chúng tôi phải vào rừng tìm kiếm cây thuốc chữa sốt rét hoặc hái lá mơ lông về chữa lỏng lỵ cho thương binh. Phải nỗ lực hết sức mình, kể cả phải nhịn đói, nhưng chúng tôi không để thương binh không có cái ăn...”.
Một trong những việc làm quan trọng của lực lượng quân y ngày đó chính là nhanh chóng tiến hành phân loại thương binh ngay khi tiếp nhận để chia khu điều trị. Nhờ sự phân tuyến đó, bộ đội kịp thời được điều trị đúng bệnh, đúng vết thương, thời gian hồi phục nhanh, giảm tình trạng “ùn ứ” thương binh ở một tuyến. “Theo ước tính của tôi, có khoảng 5% khinh thương (thương binh nhẹ) tự khỏi hoặc có đồng đội trợ giúp nên quân số này được trở lại đơn vị rất nhanh. Để làm được điều đó, việc thường xuyên huấn luyện công tác quân y, sơ cấp cứu cho cán bộ, chiến sĩ là hết sức quan trọng. Tôi nhớ hồi ấy, theo quy định của Bộ Tổng Tham mưu, cứ sáng thứ bảy hằng tuần sẽ có một giờ cho cán bộ, chiến sĩ học băng bó, cầm máu cố định, phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm phổ biến”, Thiếu tướng Nguyễn Tụ nhớ lại.
Đi qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của đất nước ta, trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở nhiều chiến trường khác nhau, bằng kinh nghiệm của mình, Thiếu tướng Nguyễn Tụ cho rằng, việc sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng. Tiếp đến là công tác huấn luyện cho lực lượng tải thương, làm sao để từ việc đưa thương binh lên, xuống cáng đến cách chăm sóc họ trong quá trình vận chuyển phải thật tỉ mỉ, cẩn thận, tránh làm vết thương của họ trở nặng... Ông nhớ mãi lần cấp cứu cho một đồng chí thương binh của Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 bị gãy xương đùi. Sau khi mổ, để vết thương không bị nhiễm trùng và có thể vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì các y, bác sĩ còn phải tiến hành bó bột. “Chúng tôi phải dùng rất nhiều loại băng, thấm nước và rải rất nhiều bột thạch cao lên, sau đó bó từ bàn chân lên đến ngực, như vậy mới bảo đảm các khớp xương giữ nguyên vị trí, không bị lệch. Việc này rất quan trọng bởi trong quá trình di chuyển, xương đùi dễ bị lệch, ảnh hưởng đến các mạch máu, dây thần kinh, nguy cơ tử vong cao. Người thương binh ấy dù vết thương khá nặng, phải chuyển tuyến đường dài nhưng nhờ sự chuẩn bị hiệp đồng chu đáo ở các tuyến của quân y Đại đoàn nên sau đó đã hồi phục và trở lại đơn vị. Rất tiếc do thời gian đã lâu, tôi không còn nhớ rõ họ tên của anh nữa”, Thiếu tướng Nguyễn Tụ bồi hồi.
HỒNG NGUYÊN