Ông cho biết, từ năm 1949 đến 1951, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP Hà Nội) trong vùng địch tạm chiếm, những người tham gia hoạt động cách mạng đều phải giữ bí mật. Bấy giờ, gia đình ông là cơ sở che giấu cán bộ. Ông tham gia làm liên lạc và vận chuyển lương thực từ Hà Đông đi Sơn Tây, Hòa Bình, thu các khoản tiền và vật chất của nhân dân ủng hộ các phong trào: “Hũ gạo nuôi quân”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Mùa đông binh sĩ”... Từ năm 1952 đến 1954, ông là du kích ở địa phương và tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Phú nhớ lại: “Khoảng tháng 1-1954, chúng tôi bắt đầu xuất phát từ xã Chúc Sơn (nay là thị trấn Chúc Sơn), huyện Chương Mỹ đến tỉnh Điện Biên. Cứ hai người thay phiên nhau gánh hai bao gạo nặng khoảng 30kg, có người thì đeo ba lô, bên cạnh đó còn có muối và soong, nồi... Cứ di chuyển được 5 ngày thì mỗi người nhận thêm 5kg gạo dùng để nấu ăn dọc đường.

Gian khổ nhất là những ngày trời đổ mưa khiến đường trơn trượt, những đôi chân bước đi nặng hơn vì dính bùn. Có những đoạn đường rất khó đi, phải lần mò, nhích từng bước một, nếu sơ suất là trượt chân ngã xuống vực. Gian nan, vất vả là vậy nhưng không ai muốn nghỉ. Chúng tôi luôn cố gắng hết sức cùng nhau vượt núi, băng rừng với tinh thần phục vụ cho bộ đội tiền tuyến ăn no, đánh thắng giặc thù”.

leftcenterrightdel

 Cựu chiến binh Nguyễn Đình Phú (áo đỏ, bên phải) trong dịp chúc thọ 90 tuổi, Xuân Giáp Thìn 2024.

Sau khi vận chuyển lương thực đến kho, lực lượng dân công hỏa tuyến được giao nhiệm vụ đưa thương binh từ chiến trường về hậu cứ chữa trị. Mỗi thương binh được giao cho một tổ dân công gồm 3 người phụ trách. Chiến sĩ bị thương nằm trên võng, chiếc võng được mắc vào một thân cây dài. Hai dân công, mỗi người gánh một đầu võng, người còn lại đi theo sau, thỉnh thoảng thay cho người bị mỏi. Sau khi đưa thương binh về hậu cứ giao cho đơn vị quân y, lực lượng dân công tiếp tục nhận lương thực gánh lên chiến trường.

Ngày 7-5-1954, ông Nguyễn Đình Phú cùng đồng đội đang vận chuyển lương thực tại Sơn La thì nhận được tin báo quân ta đã chiến thắng. Bao mệt mỏi dường như tan biến, mọi người ôm nhau reo hò, phấn khởi. Và rồi với khí thế hăng hái, như được tiếp thêm động lực, mọi người lại nhanh chóng vận chuyển lương thực đến kho ở Điện Biên.

Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông Nguyễn Đình Phú về tham gia công tác ở địa phương. Năm 1965, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông nhập ngũ. Tháng 7-1967, ông chuyển công tác đến Trung đoàn Ra-đa 293, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân. Với những thành tích tiêu biểu trong kháng chiến, cựu chiến binh Nguyễn Đình Phú đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, đặc biệt, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người năm 1968.

Năm 1976, ông Nguyễn Đình Phú rời quân ngũ đi đào tạo ngành quản lý kinh tế thương nghiệp. Tháng 12-1978, ông là cán bộ thanh tra công tác ở Sở Thương nghiệp tỉnh Hà Sơn Bình. Cuối năm 1979, ông chuyển về huyện Chương Mỹ làm Trưởng cửa hàng bách hóa tổng hợp huyện, thuộc Công ty Thương nghiệp Chương Mỹ. Năm 1993, ông nghỉ hưu và tham gia ban chấp hành hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh tại địa phương...

Bài và ảnh: DIỆU HUYỀN