Nữ tướng Lê Chân tương truyền sinh vào mồng 8 tháng Hai năm Canh Thìn (20), tại trang Yên Biên (tên nôm là làng Vẻn), huyện Khúc Dương, quận Giao Chỉ (nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Ngay từ nhỏ, tuân theo lời dạy của cha, Lê Chân vừa chăm học chữ, vừa siêng năng luyện tập cung đao. Năm 18 tuổi, với tài võ nghệ, đức hạnh và nhan sắc, Lê Chân nổi danh khắp vùng.

Căm phẫn quân Đông Hán đô hộ nước ta và Thái thú Tô Định muốn bắt bà về làm tỳ thiếp, Lê Chân quyết định rời quê, đến vùng đất mới bồi ven biển (nay thuộc huyện An Dương, TP Hải Phòng), chiêu mộ dân làng mình và vùng lân cận đến khai phá, biến vùng đất hoang ven biển trở thành một trang ấp mới-trang An Biên trù phú. Tại đây, Lê Chân chiêu mộ trai tráng, lập đội nghĩa binh, sắm sửa vũ khí, tích trữ lương thảo, sẵn sàng nổi dậy chống ách đô hộ của quân Đông Hán. Với phẩm chất đức độ và tài võ nghệ, Lê Chân được nghĩa binh suy tôn làm chủ tướng.

Cùng thời gian này, tại vùng cửa sông Hát ở Mê Linh (nay thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội), Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị lập đàn thề, dựng cờ khởi nghĩa chống quân Đông Hán. Để tập hợp lực lượng, Hai Bà Trưng cử người đến các địa phương liên hệ với những người đứng đầu lực lượng yêu nước phối hợp khởi nghĩa.

Hưởng ứng hiệu triệu của Hai Bà Trưng, đội nghĩa binh do chủ tướng Lê Chân chỉ huy đã đánh phá chính quyền của quân đô hộ Đông Hán, làm chủ cả vùng rộng lớn ven biển Đông Bắc. Tiếp đó, đội nghĩa binh do Lê Chân thống lĩnh kéo đến Mê Linh, cùng nhiều đội nghĩa binh khác dưới sự lãnh đạo thống nhất của Hai Bà Trưng, đánh chiếm các trị sở của quân Đông Hán trên đất Mê Linh, thành Cổ Loa (huyện Đông Anh, TP Hà Nội); sau đó nghĩa quân vượt sông Hồng, sông Đuống, xuôi sông Dâu đánh thành Luy Lâu trị sở quận Giao Chỉ (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Trong trận đánh thành Luy Lâu, Lê Chân được cử làm tướng tiên phong chỉ huy đạo quân hướng Đông. Dưới sự chỉ huy mưu trí của nữ tướng Lê Chân, đạo quân hướng Đông cùng các đạo quân khác tiến thẳng vào đại bản doanh của Thái thú Tô Định. Trước khí thế áp đảo và đòn tiến công mạnh mẽ của nghĩa quân, quan quân Đông Hán khiếp sợ, không dám chống cự, phải bỏ lại toàn bộ của cải, giấy tờ, ấn tín để chạy thoát thân về Nam Hải (Quảng Đông, Trung Quốc).

Phối hợp với cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo, nhân dân và thủ lĩnh nghĩa quân nhiều địa phương nhất tề nổi dậy phá ách thống trị của quân đô hộ Đông Hán. Nhờ được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã nhanh chóng phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng. Chỉ gần một tháng, nghĩa quân giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, gồm toàn bộ lãnh thổ quốc gia Âu Lạc cũ, khôi phục lại nền độc lập sau hàng trăm năm chìm đắm dưới ách đô hộ của phong kiến Trung Quốc. Thắng lợi vẻ vang đó có sự đóng góp quan trọng của đạo quân hướng Đông, do nữ tướng Lê Chân chỉ huy.

Khởi nghĩa thắng lợi, Trưng Trắc được nhân dân suy tôn làm vua (Trưng Vương), đóng đô ở Mê Linh, bắt đầu công cuộc xây dựng và củng cố chính quyền độc lập tự chủ (tuy còn rất sơ khai). Trưng Vương phong tước cho những tướng có công, đồng thời cử các tướng giỏi trấn giữ những vùng xung yếu để bảo vệ vương quyền và nền độc lập mới giành được. Nữ tướng Lê Chân được phong “Thánh Chân công chúa”, giữ chức “Chưởng quản binh quyền nội bộ” và nhận trọng trách trấn giữ vùng ven biển Đông Bắc, cửa ngõ phía Đông của quốc gia Âu Lạc.

leftcenterrightdel
 Tượng đài nữ tướng Lê Chân ở Hải Phòng. Ảnh: Hải Báo

Trên cương vị mới được phong và trách nhiệm Trưng Vương giao, nữ tướng Lê Chân trở về trang An Biên, chiêu mộ thêm dân binh, xây dựng và mở rộng vùng ven biển, lập thêm ấp, thêm làng, phát triển sản xuất, xây dựng đồn lũy; đồng thời tổ chức các đội thuyền thường xuyên tuần tra nhằm kiểm soát các thuyền bè ra vào và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng ven biển Đông Bắc.

Thắng lợi của cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã gây chấn động lớn khiến vua Hán Quang Vũ lo ngại nên đã gấp rút tập trung quân chuẩn bị xâm lược nhằm đặt lại ách đô hộ ở Âu Lạc. Tháng 5-42, Quang Vũ cử Mã Viện thống lĩnh 20.000 quân chủ lực và 2.000 thuyền, xe chia làm hai đạo quân thủy, bộ, nhưng do không đủ thuyền chở toàn bộ nên phải vừa dùng thuyền đi đường biển, vừa đi theo đường bộ ven biển vào địa đầu tỉnh Quảng Ninh. Đạo quân thủy vào Bái Tử Long và Hạ Long rồi theo sông Mang (nay thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) đến cửa Bạch Đằng (khu vực thành phố Hải Phòng ngày nay); sau đó ngược sông Bạch Đằng tới sông Lục Đầu, tiến vào nội địa nước ta dọc theo sông Cấm.

Trước thế mạnh của quân thủy giặc, Trưng Vương quyết định không dồn toàn bộ binh lực ra vùng địa đầu ven biển Đông Bắc mà chỉ bố trí một số đạo quân, trong đó có đạo quân của nữ tướng Lê Chân đánh một số trận hạn chế sức tiến công của đạo quân thủy địch khi chúng chưa kịp phối hợp với đạo quân bộ. Sau đó, các đạo quân ta chủ động rút lui vào vùng Lãng Bạc (Bắc Ninh) làm chiến trường chính.

Vốn am hiểu, thông thạo địa hình và kinh nghiệm qua lần đụng đầu với quân Đông Hán trước đây, nữ tướng Lê Chân tổ chức quân sĩ và dân chúng vũ trang đánh chặn thủy binh giặc ở những nơi hiểm yếu, nhằm tiêu hao binh lực của chúng. Các trận chiến đấu của quân và dân vùng ven biển, do nữ tướng Lê Chân chỉ huy diễn ra ác liệt ở những nơi quân thủy giặc đi qua. Sử sách cũ không ghi lại cụ thể trận chiến đấu nào của đội quân Lê Chân.

Trước thế giặc đông, trang bị thuyền, vũ khí hiện đại hơn, đạo quân Lê Chân và các đạo quân khác không đủ sức ngăn chặn thủy binh giặc vào sâu nội địa, nhưng đã góp phần làm chậm bước tiến của chúng sau gần hai tháng mới hợp với đạo quân bộ ở Lãng Bạc; đồng thời tạo điều kiện cho chính quyền Trưng Vương thêm khoảng thời gian quý báu tổ chức lực lượng kháng chiến chống quân Đông Hán xâm lược (theo sách “Việt Nam-Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm”, tập I, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014, tr.168).

Trước thế giặc tiến công ồ ạt, Lê Chân quyết định rút quân khỏi địa bàn ven biển về vùng sông Đáy bảo toàn lực lượng và cùng các đạo quân khác xây dựng phòng tuyến đánh chặn giặc. Các tướng của Hai Bà Trưng chỉ huy quân sĩ chiến đấu quyết liệt ở Lãng Bạc (Bắc Ninh), Cấm Khê (huyện Ba Vì, TP Hà Nội ngày nay), diệt nhiều giặc. Thế nhưng, do tương quan lực lượng quá chênh lệch, quân của Hai Bà Trưng đã thất bại. Lê Chân rút quân về các vùng Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam.

Cuối cùng, bà quyết định lập căn cứ ở Lạt Sơn (nay thuộc xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), tổ chức quân sĩ và nhân dân lấp suối ngăn sông, chặn đánh quân thủy Đông Hán. Sau khi đánh bại quân của các tướng quân, Mã Viện, Lưu Long tập trung lực lượng đánh phá căn cứ Lạt Sơn. Trong cuộc giao tranh với quân Mã Viện ở Lạt Sơn, đạo quân của Lê Chân thất bại. Để không bị rơi vào tay giặc, Lê Chân đã quyên sinh ngày 25 tháng Chạp năm Quý Mão (43).

Tuy chưa có nhiều tư liệu cụ thể về những chiến công giành được, nhưng khí phách và tinh thần quả cảm của nữ tướng Lê Chân và đội nghĩa binh của bà trong cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và kháng chiến chống quân Đông Hán xâm lược còn sáng chói và lưu mãi trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Để tưởng nhớ và ghi nhận công lao to lớn của nữ tướng Lê Chân, không chỉ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam mà ở nhiều địa phương nước ta đều tôn vinh và tưởng niệm bà. Hằng năm, cứ đến mồng 8 tháng Hai âm lịch, nhân dân quận Lê Chân (TP Hải Phòng) tổ chức Lễ hội truyền thống với lòng thành tri ân sâu sắc nữ tướng Lê Chân - người khai sinh ra trang An Biên xưa (TP Hải Phòng ngày nay), đồng thời là một trong những người mở đầu truyền thống đánh giặc cứu nước của phụ nữ Việt Nam.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP