Khúc tráng ca sống mãi

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long, hơn 80 năm trước, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long cùng với nhân dân Nam Bộ đứng lên đấu tranh và giành được những thắng lợi quan trọng. Tại huyện Vũng Liêm, đêm 22 rạng sáng 23-11-1940, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Bí thư Huyện ủy và đồng chí Phan Văn Hòa (tên thật của Thủ tướng Võ Văn Kiệt) cùng nhiều đồng chí khác đã lãnh đạo nhân dân các xã đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay thực dân, phong kiến, làm tan rã bộ máy thống trị, giải tán bọn tề xã ở địa phương, phá rã toàn bộ hệ thống kìm kẹp của địch ở các xã, cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được cắm trên nóc trại lính bảo vệ dinh quận.

Bia tưởng niệm Khởi nghĩa Nam Kỳ ở đình Bình Phụng (xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm) còn khắc ghi những dòng chữ: “Ngày 23-11-1940, nhân dân tỉnh Vĩnh Long kiên cường nổi dậy tham gia cuộc khởi nghĩa vũ trang do Xứ ủy Nam Kỳ lãnh đạo. Nghĩa quân Vũng Liêm đánh chiếm quận lỵ, hạ các đồn: Trung Ngãi, ngã tư Nhà Đài, Quới Thiện, Nước Xoáy, giành được chính quyền từ quận đến các xã. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Vũng Liêm... Thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, toàn quận Vũng Liêm có 37 người bị giết hại, 457 người bị bắt, 159 người bị lưu đày, hơn 300 căn nhà bị đốt, hàng nghìn người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất...”.

Tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng Khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Cuộc khởi nghĩa đã để lại một trang sử hào hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta; nêu cao tấm gương đấu tranh anh dũng, tinh thần cách mạng tiến công, để lại cho chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau truyền thống bất khuất, lòng yêu nước sâu sắc.

leftcenterrightdel
 Bia tưởng niệm Khởi nghĩa Nam Kỳ tại huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long).

Nói về những bài học của Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long, ông Ngô Ngọc Bỉnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, cán bộ lão thành cách mạng tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Nông dân Vũng Liêm vùng lên làm một cuộc cách mạng long trời lở đất để giành chính quyền. Dù bị đàn áp dã man nhưng phải nói đây là một cuộc tập dượt rất quan trọng để chúng ta tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra cách đây hơn 80 năm nhưng bài học về cuộc khởi nghĩa vẫn còn nguyên giá trị; vì lý tưởng, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ không sợ gian khổ, hy sinh, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Đảng vì dân, dân tin Đảng, theo Đảng, đoàn kết thành một khối thống nhất là một trong những yếu tố quyết định biểu lộ tinh thần của Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, là nguồn gốc thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và những thành tựu của công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước ta hiện nay”.

Vũng Liêm vươn mình

Về huyện Vũng Liêm hôm nay, hào khí của cuộc khởi nghĩa năm xưa không chỉ được cảm nhận qua từng địa danh, từng câu chuyện kể mà còn hiển hiện ngay cả trong sự thay đổi từ mỗi ngôi nhà, từng ngõ xóm.

Sau ngày giải phóng, từ một địa phương có hạ tầng yếu kém; kinh tế, văn hóa-xã hội chưa phát triển nhưng với sự đồng lòng chung sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Vũng Liêm đã vươn mình đổi mới từng ngày.

Gắn bó với vùng đất Vũng Liêm đã hơn 70 năm, hơn ai hết, ông Phạm Văn Kịch, người dân xã Trung Hiệp cảm nhận rõ nhất từng nét đổi thay của quê hương. Chỉ tay về con đường trải nhựa phẳng, cây xanh, hoa cỏ đua nhau khoe sắc, dọc bên đường, những ngôi nhà khang trang mới xây dựng, ông Phạm Văn Kịch bộc bạch: “Ngày xưa nơi đây lùm bụi hoang vu. Những năm qua, được Nhà nước đầu tư trường học, trạm xá, chợ, giao thông thông thoáng, đi lại mua bán hàng hóa thuận lợi, từ đó đời sống người dân cũng khá hơn”.

Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới, tiến hành quy hoạch sử dụng đất, xây dựng và phát triển nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn sản xuất với sơ chế, bảo quản và thị trường tiêu thụ nông sản, như: Mô hình sản xuất cánh đồng lớn, cánh đồng lúa chất lượng cao, sản xuất lúa hữu cơ...

leftcenterrightdel
 Người dân huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) thu hoạch cam sành.

Đồng chí Bùi Tấn Đảm, Phó chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm cho biết, các tuyến đường liên huyện, 59,28% đường liên ấp và 46,18% đường liên xóm được xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 15/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5 ấp đạt chuẩn ấp nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2025, huyện Vũng Liêm có 19/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Vũng Liêm đạt đô thị loại IV và đô thị văn minh. Toàn huyện hiện còn 524 hộ nghèo (tỷ lệ 1,12%), 1.505 hộ cận nghèo (tỷ lệ 3,23%) và 5.140 hộ có mức sống trung bình (tỷ lệ 11,02%).

“Mỗi bước thay đổi của địa phương đều có sự gắn kết chặt chẽ giữa Đảng và nhân dân. Phát huy tinh thần từ Khởi nghĩa Nam Kỳ, từ cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Đảng và nhân dân ta đoàn kết chống giặc. Đến thời bình, Đảng cùng dân góp sức để quê hương phát triển”, đồng chí Bùi Tấn Đảm nhấn mạnh.

Bài và ảnh: THÚY AN