Tư liệu do nhà văn Nguyệt Tú, phu nhân cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo cung cấp.

11-3: 9 giờ rưỡi tối vào Văn phòng Tổng cục. 10 giờ rưỡi lại ngủ ở C13, thay đổi quần áo làm cán bộ dân chính (ngụy trang).

12-3: 4 giờ rưỡi sáng rời Hà Nội trong khi mọi người còn ngủ, chắc chắn giữ được bí mật.

Buổi trưa đến làng Q.Đôi (1), nghỉ ở nhà đồng chí Châu. Nghe nói đã lâu, giờ mới đến làng này, một làng có truyền thống cách mạng lâu đời, có nhiều đồng chí bị tù năm 1930.

Tối đến một làng ở N.A(2), nghỉ ở một gia đình bộ đội. Nơi đây, trong chiến tranh phá hoại bị địch ném bom dữ, dân làng nhiều người hy sinh. Vết tích bom đạn nhìn bên ngoài đã bị xóa hết. Đời sống nhân dân còn rất khó khăn.

13-3: Tối đi một mạch đến địa điểm. Đường ở đoạn cuối xóc quá, đau đầu, đau lưng dữ quá, có lẽ hơn cả năm 1970 đi 559 qua con đường suối (3) 18km. Phải nằm lại ở một đại đội công binh.

14-3: Ngủ dậy, sức khỏe trở lại bình thường. Vào chỗ này, nơi mà cuối tháng 7-1971, sau khi bàn kế hoạch A2 và lên đường về Hà Nội. Gần đây là trạm… mà đầu tháng 1-1968 đã dừng chân ở đây mấy bữa. Hồi đó, máy bay trinh sát địch bay luôn trên đầu và đạn pháo địch thỉnh thoảng bắn tới. Bây giờ thì nghe thấy tiếng súng xa xa và thỉnh thoảng mới có tiếng máy bay địch. Phòng không ở đây sơ sài quá.

Đến nơi làm việc ngay, chuẩn bị họp Đảng ủy.

16-3: Họp Đảng ủy phiên đầu tiên hoàn toàn nhất trí với nghị quyết Trung ương, chỉ thị Quân ủy và quyết tâm cơ bản. Tranh luận thì cũng còn ý kiến khác nhau về mức độ giữa phương án cũ và phương án mới. Nhưng các vấn đề cơ bản thì rất nhất trí.

17-3: Họp bàn về hướng nam, chuẩn bị cho Đồng, Cương đi.

Chiều bàn với đồng chí H. S. Thản (4) về kế hoạch nổi dậy. Địa phương đã trải qua nhiều giai đoạn đấu tranh. Có rất nhiều kinh nghiệm. Với cơ sở cách mạng hiện nay, tuy chưa bằng được năm 1967 nhưng trong điều kiện mới, có lực lượng quân sự mạnh thì hoàn toàn có điều kiện nổi dậy.

18-3: Sáng nay anh Z (5) tới. Mọi vấn đề đều rất nhất trí, rất vui. Tối bàn kế hoạch hỏa lực, nhiều vấn đề mới đặt ra.

Gặp rất đông cán bộ đã từng cùng công tác ở mặt trận trong mấy năm nay.

Không khí bộ đội rất tin tưởng, phấn khởi, đề phòng đơn giản hóa, chủ quan.

Mọi việc chuẩn bị anh em đã làm tốt. Nhưng phía nam còn nhiều khó khăn. Và còn các hướng khác với yêu cầu mới, còn phải chuẩn bị thêm, thời gian rất gấp rút. Sao giữ được bí mật đến ngày N và giờ G.

Chiều 18-3: Duyệt lại các vấn đề công tác tư tưởng:

- Làm quán triệt nhiệm vụ, yêu cầu mới, xây dựng quyết tâm cao hơn, động viên chiến dịch, trận đầu phải thắng giòn giã và thắng liên tiếp.

- Kiện toàn tổ chỉ huy lãnh đạo, ở cánh Tây Bắc và cánh Đông, tổ chức hậu phương.

- Rà lại các mặt công tác, các binh chủng, bảo đảm hoàn thành tốt việc chuẩn bị và giữ bí mật.

leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Quang Đạo (ngồi giữa) tại Mặt trận Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu 
19-3: Nghe báo cáo tình hình: Hậu cần, pháo. Đã chuẩn bị một khối lượng vật chất lớn. Có lẽ chưa có chiến dịch nào chuẩn bị được trước một khối lượng vật chất lớn như vậy. Nhưng cũng còn có nhiều khó khăn: Hướng nam còn mỏng, hậu cần trong quá trình phát triển chiến dịch và trong điều kiện địch bắn phá ác liệt phía sau cần có dự trữ…

Pháo: Cũng huy động lực lượng lớn nhất từ trước đến nay. Làm sao phát huy đầy đủ hiệu lực các loại hỏa lực các cấp.

19-3: Nghe Trung đoàn 27: Gặp lại Tâm, Kiên, những đồng chí phụ trách trung đoàn, tinh thần rất tốt. Qua nghe báo cáo thấy rất quyết tâm, nắm vững tình hình đơn vị, tình hình địch và rất thông thạo địa phương, kế hoạch cụ thể, chu đáo.

20-3: Nghe Phòng không: Lực lượng ta cũng lớn nhất từ trước tới nay. Lực lượng đối chọi với cái mạnh nhất của địch là không quân. Chắc chắn địch sẽ trông cậy nhiều vào cái mạnh này của chúng và sẽ tập trung đánh phá ác liệt. Nhưng cái mạnh này của địch cũng hạn chế hơn trước, tinh thần nó lại kém hơn trước. Lực lượng ta lại mạnh hơn trước. Ta có điều kiện hơn để hạn chế chỗ mạnh này của địch.

- Nghe Công binh: Đã làm được một hệ thống đường trước mắt bảo đảm được nhiệm vụ. Nhưng bảo đảm phát triển chiến dịch và bảo đảm hậu phương trong chiến dịch thì còn nhiều khó khăn. Trong các binh chủng thì công binh là khó khăn hơn cả.

20-3: Nghe đồng chí Đào Huy Vũ báo cáo về kế hoạch của tăng.

Biết Vũ đã hơn 30 năm rồi, cậu giáo trường làng (hương sư) ở Xuân Trạch. Mình cũng đóng vai là một hương sư, con thứ ba một bà cụ trú ngụ ở đây nên bà con gọi mình là cậu giáo Ba. Tuyên truyền giác ngộ được Vỹ (tức Vũ bây giờ), Môn, Toàn, Thường… lập Tổ Thanh niên cứu quốc đầu tiên ở đây. Môn đã hy sinh khi khởi nghĩa tháng 8-1945 lấy huyện Đông Anh. Vũ vào bộ đội, qua kháng chiến chống Pháp, nay đã là một cán bộ cao cấp chỉ huy một binh chủng hiện đại của quân đội. Năm 1969, Vũ bị thương ở Cánh Đồng Chum, mất một mắt nhưng vẫn công tác tốt.

Tăng của ta đã phát triển hơn nhiều. Nhưng vẫn là mới hơn cả so với các quân binh chủng khác. Chiến trường này là nơi đầu tiên ta sử dụng tăng đánh tiêu diệt trận Làng Vây nổi tiếng trong Chiến dịch Khe Sanh 1968. Đến Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, tăng sử dụng rộng rãi hơn, nhiều loại hơn. Bây giờ chiến dịch lại tiến lên một bước mới. Nhưng lần này có những vấn đề mới. Phải làm sao hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh trong điều kiện mới, phải giữ được bí mật bất ngờ, chú ý bảo đảm kỹ thuật và nhất là phòng khi thọc sâu…

26-3: Hôm nay đi sang địa điểm mới. Trời mưa, đường trơn. Nhớ lại đầu xuân 1968. 22-12-1967 cùng anh Hai (6) ở Hà Nội đi. Họp ở chỉ huy sở cơ bản chỗ anh Quang Trung từ sau ngày 25-12 đến 31-12. Ngày 1-1-1968, lợi dụng ngừng bắn đi ô tô đến địa phận V.L (7) đi Đường 15, đường rất khó đi. (Ngày 25-12 cũng lợi dụng ngừng bắn đi từ Hương Khê, vượt Xuân Sơn và Long Đại. Đến gần phà Long Đại gặp máy bay trinh sát địch bay rất thấp. Chiều tối vẫn vượt sông an toàn). Đầu năm họp ở B43 k4 cùng anh Quang Trung, Hoàng Đức, Thiết với các cán bộ ở đây. Ngày nào cũng có OV10 bay vè vè trên đầu, nó ném bom, bắn đại bác ùng oàng suốt ngày đêm. Có mấy lần đạn đại bác nổ ngay gần chỗ ở, mảnh bắn vung vãi. Hôm lên đường đi H1, con đường đi cũng giống thế này, hình như cũng con đường này. Và cũng trời mưa, mưa to hơn. Buồn cười lần ấy thiếu kinh nghiệm. Đi đôi bốt ngắn cổ màu xanh da trời (vì không kiếm được đôi bốt nào vừa chân, phải mua đôi này của thiếu nhi Đức), lại mặc cái áo đi mưa vi-ni-lông, màu nâu, may theo kiểu kimono Nhật, chỉ cốt cho nhẹ, lại thành sang trọng và đột xuất. Các chiến sĩ gặp trên đường, người thì đoán mình là người nước ngoài, người thì bảo là nhà báo, người thì khẳng định là đoàn viên một đoàn văn công mà anh ta mới được xem nhớ rất rõ mặt. Rút kinh nghiệm để cho khỏi bị chú ý quá nhiều, mình liền đi dép và khoác áo ni-lông như mọi cán bộ, chiến sĩ. Vậy mà chiến sĩ ta tinh lắm, vẫn đoán là một cán bộ chỉ huy. Đến một chỗ nghỉ gặp một đoàn cán bộ, chiến sĩ của một đơn vị pháo. Mình hỏi quê ở đâu đấy, một chiến sĩ trả lời: “Hà Bắc đây, ở cạnh làng đồng chí đây”. Thì ra có một cậu người Phù Lưu, học sinh cấp ba ở Trường Đình Bảng. Có thể cậu ta đã nghe nói chuyện khi mình về thăm trường. Thế là phải chào hỏi qua loa rồi đi rất nhanh. Vì đã có tiếng xì xào bàn tán và có một số đã kéo đến để xem mặt…

Đã qua 4 năm rồi. Lần ấy, gặp bao nhiêu chiến sĩ trẻ rầm rập kéo ra tiền tuyến. Lần này cũng lại gặp những đồng chí trẻ măng: Chiến sĩ, dân công cả trai, cả gái chỉ quãng 18-20 tuổi. Từ trước đó rất lâu và từ đó đến nay đã qua bao nhiêu lớp thanh niên lên đường. Ai còn? Ai mất? Tất cả họ đã góp sức làm nên lịch sử, làm nên những chiến công kỳ diệu. Họ thật hồn nhiên và vĩ đại vô cùng. Tự hào biết bao vì dân tộc ta, thanh niên ta rất anh hùng. Nhưng cũng rất xót xa khi nghĩ đến những người đã mất đi để cho Tổ quốc, dân tộc sống còn mãi mãi. Cũng rất xót xa khi gặp một số cháu còn quá trẻ tuổi mà cũng trèo đèo, lội suối, mang vác nặng nề. Những lớp người khác nhau ấy có một cái gì chung rất giống nhau: Rất trẻ, rất hồn nhiên, rất vui nhộn, rất anh dũng, rất dễ thương, rất đẹp.

Con đường mình đi hôm nay rõ ràng là con đường mới nhưng vẫn đi theo hướng ấy, vẫn giống cái con đường cũ là rừng, dốc và suối. Nhưng đã khác trước nhiều rồi. Không còn máy bay địch làm mưa làm gió trên bầu trời như trước. Còn những cây gãy đổ vì bom nhưng phải chú ý mới thấy. Những hố bom loét đỏ trước đây, cây xanh đã phủ kín. Trên dọc đường gặp một số hầm hố cũ đã hư hỏng. Đường lên phía trước, đi tới đích còn dài, còn nhiều hy sinh gian khổ, nhưng rõ ràng đường đã ngắn lại nhiều, điều kiện khác trước nhiều lắm, thuận lợi hơn trước nhiều lắm.

Sau cuộc Tổng tấn công thắng lớn rất vang dội hồi Tết Mậu Thân, ta đã phải trải qua nhiều khó khăn để từng bước đánh bại kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch. Năm 1972 đã thắng lớn, đã có một bước chuyển biến mới. Ta đang đứng trước thời cơ mới rất lớn. Toàn quân, toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đang cố gắng tạo ra một bước nhảy vọt mới rất lớn của cách mạng. Tất cả quyết tâm rất cao, tràn đầy tin tưởng.

Rất vinh dự được tham dự vào cuộc Tổng tấn công Mậu Thân, trong Chiến dịch Khe Sanh. Cũng rất vinh dự được tham dự vào Chiến dịch lịch sử Đường 9-Nam Lào, Xuân 1971. Lần này lại được tham dự một chiến dịch lịch sử mới vô cùng quan trọng.

(1) Q.Đôi: Quỳnh Đôi, thuộc Nghệ An.

(2) N.A: Nghệ An.

(3) Đường suối: Đường ngầm dọc suối, dưới mặt nước.

(4) H. S. Thản: Đồng chí Hồ Sĩ Thản, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị.

(5) Z: Đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng.

(6) Hai: Thiếu tướng Trần Quý Hai, Phó tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh 1968.

(7) V.L.: Viết tắt của Vĩnh Linh, huyện ở Vĩ tuyến 17, giới tuyến quân sự tạm thời chia hai miền Bắc-Nam.

NGUYỄN BẮC