Ước mơ giản dị
Nguyễn Vũ Cỏn sinh ngày 3-8-1947, tại thôn An Cư, xã Đức Xương, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Cần cù, chịu khó, lại nhanh nhẹn, hoạt bát nên Cỏn tham gia rất tích cực vào phong trào thanh niên ở địa phương. Vì vậy, anh được bầu vào Ban Chấp hành Đoàn xã khi mới 17 tuổi và được đi học lớp bồi dưỡng để kết nạp Đảng. Thấy bà con nông dân ở quê nhà lao động rất vất vả, qua xem phim, đọc sách, Cỏn nuôi dưỡng trong lòng một ước mơ hết sức giản dị song vô cùng cháy bỏng: Đủ tuổi sẽ đi bộ đội, học lái xe tăng để khi hết nghĩa vụ trở về lái máy cày giúp bà con quê nhà đỡ khổ.
Năm 1965, Nguyễn Vũ Cỏn làm đơn tình nguyện tham gia Quân đội. Nguyện vọng của anh được chấp thuận, đến ngày 10-4-1965, Nguyễn Vũ Cỏn lên đường nhập ngũ vào Bộ tư lệnh Thiết giáp (nay là Binh chủng Tăng thiết giáp) khi vừa tròn 18 tuổi.
Có sức khỏe, trình độ văn hóa hết cấp 2, lại nhiệt tình, hăng hái nên Nguyễn Vũ Cỏn được chọn đi học lái xe tăng. Được học đúng chuyên môn yêu thích, lại đúng nguyện vọng, sở trường... Cỏn đã hoàn thành khóa đào tạo lái xe tăng cấp 1 với kết quả xuất sắc. Với thành tích này, anh được cử đi học chuyển tiếp lớp đào tạo lái xe tăng cấp 2 do Binh chủng mở. Kết thúc khóa đào tạo, Nguyễn Vũ Cỏn đạt loại giỏi và được cấp bằng lái xe tăng cấp 2.
Hoàn thành khóa học, chiến sĩ Nguyễn Vũ Cỏn được biên chế về làm lái xe tăng PT-76 số hiệu 555 tại Trung đội 3, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 203. Cùng với anh, kíp xe tăng 555 còn có các thành viên: Trưởng xe Lê Xuân Tấu (sau này là Anh hùng LLVT nhân dân, Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp) và pháo thủ Nguyễn Tuấn. Cả 3 anh em đều trẻ trung, mạnh khỏe, hăng hái nên kíp xe luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Thời kỳ này, Nguyễn Vũ Cỏn được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam, trở thành đảng viên đầu tiên của kíp xe 555.
Chấp hành mệnh lệnh của trên, tháng 8-1967, Bộ tư lệnh Thiết giáp đã thành lập Tiểu đoàn 198 để chuẩn bị đưa vào chiến đấu ở chiến trường Đường 9. Tiểu đoàn 198 gồm 3 đại đội: Đại đội 3, Đại đội 6, Đại đội 9 cùng một số đơn vị trực thuộc, trang bị 33 xe tăng lội nước PT-76 do Đại úy Hà Tiến Tuân làm Tiểu đoàn trưởng, Đại úy Võ Đình Tấn làm Chính trị viên. Sau khi thành lập, Tiểu đoàn tập trung về Lương Sơn, Hòa Bình huấn luyện bổ sung và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để đi chiến đấu.
    |
 |
Cựu chiến binh Nguyễn Vũ Cỏn. Ảnh: THÁI KIÊN |
Gian nan đưa xe tăng vào chiến trường
Để đến được khu vực Đường 9, xe tăng phải hành quân vượt qua khoảng 1.000km đường quân sự trong điều kiện bị không quân Mỹ ngăn chặn quyết liệt. Việc phải hành quân bằng xích trên chặng đường dài như vậy là một khó khăn lớn đối với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 198. Hệ thống đường vào Nam lúc đó chủ yếu là đường quân sự làm gấp, mặt đường hẹp, trong khi đó, để giảm trọng lượng, các mắt xích của xe tăng bơi nước PT-76 khá mỏng manh, bánh chịu nặng là bánh đơn nên rất dễ bị nứt vỡ, hỏng hóc. Bên cạnh đó, để tránh bị địch phát hiện, ngăn chặn, đơn vị buộc phải hành quân ban đêm và sử dụng đèn ngụy trang cũng làm cho cuộc hành quân thêm bội phần khó khăn.
Lường trước được những thử thách đó, Bộ tư lệnh Thiết giáp và chỉ huy đơn vị đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cả về vật chất và con người. Về mặt vật chất, toàn Tiểu đoàn mang theo 28 tấn khí tài dự bị. Ngoài ra, cấp trên còn gửi theo đường dây của bộ đội Trường Sơn hàng chục tấn khí tài nặng nữa. Về mặt con người, tất cả lái xe đều được huấn luyện bổ sung, nâng cao tập trung vào các nội dung lái đêm, lái bơi, lái dốc, lái qua chướng ngại vật... Trước khi bước vào hành quân, tất cả xe trong Tiểu đoàn được bảo dưỡng, hàn thêm giá để lắp súng phòng không 12,7mm sẵn sàng đánh trả máy bay địch. Sự chuẩn bị chu đáo như vậy là tiền đề để Tiểu đoàn 198 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hành quân chiến đấu sau này.
Mặc dù mới có hơn 2 tuổi quân, song nhờ được đào tạo rất bài bản, kỹ lưỡng, cộng với bản tính cần cù, chịu khó, lại thích tìm hiểu về máy móc nên Nguyễn Vũ Cỏn tiến bộ rất nhanh và có tay nghề vào loại vững trong đội ngũ lái xe của Đại đội 3. Khi biết về những khó khăn mà mình sẽ gặp trên đường hành quân, Cỏn đã ngày đêm chăm chút cho chiếc xe tăng 555 của mình như người tráng sĩ chăm sóc con chiến mã trước giờ ra trận. Ngoài việc thực hiện đầy đủ, chính xác các nội dung bảo đảm kỹ thuật, Cỏn còn săm soi từng mắt xích, kịp thời thay thế những mắt không đủ tiêu chuẩn hoặc căn chỉnh chính xác đến từng mi-li-mét hành trình, gián cách các cụm máy, cụm chi tiết trên xe... Nhờ vậy, con “chiến mã” 555 đã đạt trạng thái sung sức nhất trước khi lên đường.
    |
 |
Xe tăng PT-76 số hiệu 555 tại Bảo tàng Lực lượng Tăng thiết giáp. |
Cuộc hành quân huyền thoại
Sau quá trình chuẩn bị hết sức chu đáo, Tiểu đoàn 198 nhận lệnh xuất phát lên đường vào chiến trường. Tuy nhiên, do đánh giá tình hình có nhiều vấn đề chưa đáp ứng nên Bộ Tổng Tư lệnh quyết định đưa Đại đội 3 và Đại đội 9 đi chiến đấu trước, còn Đại đội 6 ở lại Lương Sơn sẵn sàng đi sau. Lúc này, toàn Tiểu đoàn có 22 xe PT-76. Ngày 14-10-1967, Đại đội 9 lên đường, hôm sau đến lượt Đại đội 3. Đến ngày 3-12-1967, Đại đội 9 là đơn vị đi xa nhất đã đến vị trí quy định. Tiểu đoàn đưa được 22 xe, đạt 100% xe tới đích an toàn, xứng đáng là một cuộc hành quân huyền thoại, cho phép rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong tổ chức hành quân đường dài cho xe tăng.
Theo mệnh lệnh hành quân, xe tăng 555 của Nguyễn Vũ Cỏn đi gần cuối đội hình của đại đội. Đã hành quân đêm sử dụng đèn ngụy trang, lại bị cả luồng bụi lớn của gần chục xe đi trước tung lên, song Cỏn vẫn phải căng mắt để quan sát, chọn đường, bảo đảm cho “chiến mã” 555 của mình được lăn xích trên những phần đường tốt nhất. Đến các chặng nghỉ ngắn, việc đầu tiên mà Cỏn làm là kiểm tra bộ phận hành động của xe. Khi thấy xích chùng hoặc mắt xích nứt là báo cáo trưởng xe tổ chức khắc phục ngay.
Mỗi đêm hành quân thường kéo dài đến gần sáng. Sau cả đêm tập trung cao độ lái xe, Nguyễn Vũ Cỏn thường chỉ chợp mắt chừng 2-3 tiếng là dậy và bắt tay ngay vào việc kiểm tra, bảo dưỡng xe. Công việc của anh những lúc này là bổ sung dầu mỡ, nước, điều chỉnh đai hãm và kiểm tra bộ phận hành động, kịp thời thay thế những mắt xích nứt vỡ, điều chỉnh xích phù hợp với loại đường đi sắp tới. Ngoài ra, anh còn kiểm tra, điều chỉnh hành trình gián cách các cụm máy đúng tiêu chuẩn quy định. Còn trong những lần nghỉ dài, công tác kỹ thuật càng được anh và các thành viên tiến hành cẩn thận, tỉ mỉ hơn.
Nhờ vậy, “chiến mã” 555 của Nguyễn Vũ Cỏn đã vượt qua khoảng 1.000km đường Trường Sơn để đến vị trí tập kết tại khu vực Đường 9 an toàn, sẵn sàng vào chiến đấu được ngay. Ngay cả khi vượt qua những trọng điểm nổi tiếng như: Đường 20 Quyết Thắng, ngã ba Lùm Bùm trên Đường 128... xe tăng 555 cũng không để xảy ra sự cố gì. Đó chính là tiền đề để xe tăng 555 lập công xuất sắc trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh năm 1968 và Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971.
Nhà văn NGUYỄN KHẮC NGUYỆT