1. Lần thứ nhất là khi chúng tôi từ Quân khu 4 ra công tác ở Viện Lịch sử Quân sự tại Hà Nội năm 1989. Một chiều ăn cơm xong, chúng tôi đi dạo ven đường Hoàng Diệu. Qua nhà Đại tướng thấy có người bảo vệ gác cổng, anh em rất muốn vào thăm nhưng không biết làm sao. Vừa lúc đó, một chiếc xe con từ từ chạy đến trước cổng và dừng lại, thì ra là xe của Đại tướng về. Thấy chúng tôi, đồng chí xuống xe. Không ngờ lại được gặp, mừng quá, chúng tôi đồng thanh cất tiếng chào và báo cáo là bộ đội ở Quân khu 4 ra, rất muốn vào thăm Đại tướng. Ông nhận lời ngay:
- Thế thì mời vào, mời vào!
Đại tướng không lên xe nữa mà đi bộ cùng chúng tôi vào nhà. Chị Hà-phu nhân của Đại tướng ân cần mời chúng tôi vào phòng khách. Không thấy công vụ, chỉ thấy mình chị rót nước pha trà. Chị còn vào nhà trong mang ra một khay bánh kẹo. Anh chị ngồi giữa, chúng tôi vây quanh. Trên bàn là bánh kẹo, dưới mặt bàn là sách, toàn là sách tiếng Pháp, tiếng Anh, thấy có cuốn còn đang lật ra, hình như đang xem dở. Đại tướng rất vui, kể chúng tôi nghe nhiều chuyện. Thấy chúng tôi chăm chú ngồi nghe, chị Hà lấy bánh, tận tay đưa cho từng người. Cầm chiếc bánh mà chúng tôi nghẹn ngào xúc động trước tấm lòng quý mến của anh chị.
Trong lần gặp gỡ đó, tôi có ý kiến:
- Thưa Đại tướng, tôi là cán bộ miền Nam, tập kết ra Bắc. Năm 1956, khi ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Đại tướng có đến thăm và nói nhiều chuyện. Lần ấy anh em chúng tôi ghi nhớ mãi một câu, vừa là nỗi niềm, vừa là hy vọng...
Nghe tôi nói, Đại tướng hỏi lại, tôi liền giãi bày cụ thể: “Thưa Đại tướng, ngày anh em chúng tôi ra đi, có hứa với đồng bào miền Nam, với bà con thân yêu là một năm rưỡi nữa là về. Thế mà, bọn địch xé Hiệp định Geneva, nên không biết ngày nào sẽ về. Hôm đó, Đại tướng giải thích rằng đấu tranh là lâu dài, gian khổ, nhưng không phải là vô hạn định, sẽ có ngày về. Nghe Đại tướng khẳng định có ngày về, chúng tôi mừng quá. Tin lời Đại tướng, cố gắng rèn luyện phấn đấu để có ngày về”.
Nghe tôi nói, Đại tướng nhớ ra ngay rồi hỏi cụ thể thông tin của từng người trong đoàn và chị Hà đã ghi vào sổ. Câu chuyện gặp gỡ có dài, chẳng biết là anh chị đã ăn tối chưa. Nhưng trước khi chúng tôi ra về, Đại tướng chủ động thay quân phục và gọi đồng chí nhiếp ảnh tới. Thế là chúng tôi lại vinh dự được chụp ảnh với Đại tướng. Chụp xong, Đại tướng nói: “Chụp ảnh phải có ảnh, toàn đoàn tặng hai tấm. Đồng chí nào muốn có riêng phải dặn đồng chí chụp ảnh”. Tấm ảnh kỷ niệm quý đó được chụp ngày 12-2-1989, lúc Đại tướng 78 tuổi, tôi vẫn nâng niu giữ gìn.
|
|
Tác giả (ngồi ngoài cùng, bên phải) trong lần thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 12-2-1989. Ảnh do tác giả cung cấp
|
2. Sau một thời gian tổ chức bản thảo, Phòng Khoa học Lịch sử Quân khu 4 do tôi làm Trưởng phòng đã hoàn thành cuốn “Quân khu 4-Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)”. Thường vụ Bộ tư lệnh Quân khu nhận thấy việc quan trọng cần người có vị trí thông qua và giới thiệu cuốn sách. Bộ tư lệnh Quân khu xin ý kiến, Đại tướng chấp nhận. Để trình Đại tướng, chúng tôi chuẩn bị 3 nội dung: Toàn văn cuốn sử; vắn tắt những phần chính; dự thảo sẵn Lời giới thiệu của Đại tướng.
Cái khó nhất bây giờ là Lời giới thiệu. Viết sao đây cho sát, cho đúng tầm cỡ của người giới thiệu. Bộ tư lệnh Quân khu cho phép tôi đi khai thác, xin ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy cấp trên để viết. Sau gần một tháng chuẩn bị, Lời giới thiệu hoàn thành. Tôi đem 3 nội dung trên ra gặp Đại tướng. Hôm ấy, biết tôi từ Quân khu 4 ra báo cáo nội dung và xin Lời giới thiệu, Đại tướng nói:
- Ngày mai tôi đi công tác, thời gian vắng 7 ngày. Đồng chí để lại tài liệu đây, trở lại sau nhé!
Tôi cảm ơn, kính chúc Đại tướng và chị Hà lên đường mạnh khỏe.
Sau đó, theo lịch hẹn tôi lại đến. Thấy tôi, đồng chí bảo:
- Đợi, đợi! Chịu khó ngồi đợi nhé!
Những tưởng Lời giới thiệu chuẩn bị công phu của chúng tôi, chắc Đại tướng sửa chữa không nhiều. Ngờ đâu, thấy Đại tướng rút ngăn kéo, lấy ra tập giấy đã viết Lời giới thiệu cho cuốn sách. Nghĩa là, Đại tướng đã không dùng tới bản thảo Lời giới thiệu mà chúng tôi chuẩn bị sẵn.
“Đây, Lời giới thiệu của tôi”-vừa nói, Đại tướng vừa đưa cho tôi tập giấy. Cầm 5 trang của Lời giới thiệu cuốn “Quân khu 4-Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)” mà tôi vừa mừng, vừa cảm động và cũng thật khâm phục biết bao. Đây mới đích thực là Lời giới thiệu của đồng chí Tổng Tư lệnh-một sự nhận xét, đánh giá khách quan, khoa học của người lãnh đạo, người chỉ huy cao nhất của Quân đội ta với một địa bàn chiến lược Quân khu 4. Ở tuổi 83, đồng chí đã ngồi tự tay viết cả 5 trang Lời giới thiệu với trí tuệ, sự minh mẫn đáng kính phục. Lời giới thiệu đồng chí viết ngày 12-10-1994!
Đại tá VÕ VĂN MINH