Nguyễn Phan Thanh sinh ra trong một gia đình Nho học có tinh thần yêu nước nên được đi học sớm và biết nhiều ngoại ngữ. Năm 1950, thầy nhập ngũ, được giao làm công tác địch vận và quản lý gần 100 tù, hàng binh Âu, Phi. Tốt nghiệp khóa đào tạo ngành hóa học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thầy Thanh được bố trí làm giáo viên dạy môn Đạn ở Trường Cán bộ hậu cần (nay là Học viện Hậu cần), sau đó được điều về Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự, làm Tổ trưởng Tổ bộ môn Đạn, Bộ môn Vũ khí, Khoa Trang bị cơ điện và làm chủ nhiệm lớp. Khi giảng dạy, thầy coi sinh viên là đồng nghiệp.

Theo nội dung từng môn học, khi thì thầy dẫn sinh viên đến kho đạn của các quân khu, sư đoàn để quan sát các nhân viên bảo quản đạn. Mỗi sinh viên phải tự tay lau chùi, sắp xếp từng viên vào hòm đạn theo đúng quy trình. Khi thì thầy đưa sinh viên đến nhà máy sản xuất đạn, cùng công nhân nhồi thuốc vào quả đạn. Những hoạt động thực tế này không chỉ giúp tăng thêm hiểu biết mà còn góp phần bồi dưỡng tâm lý tự tin và tình yêu nghề cho các sinh viên. Người kỹ sư phải hiểu sâu sắc hành động của người chiến sĩ khi đối mặt với kẻ thù, đạn tốt sẽ tiêu diệt được kẻ thù, bảo vệ mình, nếu đạn không nổ thì không những không diệt được địch mà ta lại thương vong.

Chính phương pháp giảng dạy và sự hướng dẫn tận tình của thầy Nguyễn Phan Thanh đã hun đúc nên tình yêu nghề cho nhiều lớp sinh viên ngành đạn. Có những người từ tình yêu với nghề đã phấn đấu trở thành cán bộ đầu ngành. Thầy giáo Nguyễn Phan Thanh thường tâm sự: “Đạo làm thầy điều cốt yếu phải coi người học là những đồng nghiệp tương lai, công việc quan trọng nhất là truyền được cảm hứng và lòng yêu nghề, xây dựng một tình yêu sâu sắc với nghề nghiệp”.  

leftcenterrightdel

 Di ảnh thầy giáo, anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Thanh. Ảnh do gia đình cung cấp

Từ năm 1967, Mỹ sử dụng nhiều loại bom, đạn mới trên chiến trường miền Nam và đánh phá ra miền Bắc. Các đoàn nghiên cứu của Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự từ chiến trường về mang theo nhiều loại bom, đạn địch để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, trong đó có loại đạn pháo 127mm mà Mỹ đang hằng ngày, hằng giờ bắn từ các chiến hạm vào bờ biển Quảng Bình, Vĩnh Linh, gây nên những thiệt hại lớn cho quân và dân ta.

Thầy Nguyễn Phan Thanh khát khao nghiên cứu, tìm hiểu các loại đạn mới của địch để giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân. Nhà trường đã chấp nhận đề nghị của Khoa Trang bị cơ điện và Bộ môn Vũ khí về việc tháo quả đạn 127mm chưa nổ để nghiên cứu trực tiếp, làm rõ các thông số của đạn. Công việc đầy nguy hiểm vì các loại đạn của pháo tàu rất phức tạp. Thầy Nguyễn Phan Thanh làm chủ đề tài này. Một quy trình tháo đạn được soạn thảo chặt chẽ, tỉ mỉ. Tuy nhiên, do không có dụng cụ chuyên dùng nên việc tháo đạn phải dùng các dụng cụ hiện có là những chiếc kìm, búa thô sơ. Ngày 19-4-1969, công việc tháo ngòi nổ của viên đạn đã vào giai đoạn quyết định. Chỉ còn 1/4 vòng ren là mở được ngòi nổ đáy đạn. Thầy Nguyễn Phan Thanh đã thuyết phục, rồi yêu cầu các cộng sự rời khỏi căn hầm, một mình thực hiện công việc nguy hiểm này. Nhưng khi đường ren cuối cùng vừa được vặn hết thì viên đạn phát nổ. Thầy Thanh hy sinh ở tuổi 38 và bước vào năm thứ 20 đời quân ngũ, trong niềm kính trọng và tiếc thương của đồng đội.

Sau này, các đồng nghiệp tiếp tục hoàn thiện những kết quả nghiên cứu của thầy. Kết quả đó đã đóng góp tích cực cho các đoàn công tác trong xử lý bom, đạn, xây dựng các công trình chiến đấu và phòng thủ, góp phần bảo đảm an toàn để chiến đấu thắng lợi. Với thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo và sự hy sinh oanh liệt trong nghiên cứu khoa học, năm 2011, liệt sĩ Nguyễn Phan Thanh được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

TRẦN CÔNG HUYỀN