Cả gia đình tham gia cách mạng
Năm 1999, nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 10 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, tôi cùng Đại tá Lê Liên, Trưởng phòng biên tập Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng của Báo QĐND (nay Đại tá Lê Liên đã nghỉ hưu) về Cao Bằng, nơi ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân để gặp gỡ một số nhân chứng lịch sử. Chuyến đi hơn một tuần của chúng tôi đã thu được rất nhiều tài liệu quý qua lời kể của các nhân chứng và hiện vật. Đặc biệt, chúng tôi đã gặp được đồng chí Dương Mạc Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng lúc đó. Đồng chí Dương Mạc Thăng là con trai cả của đồng chí Dương Mạc Thạch, người chính trị viên đầu tiên của QĐND Việt Nam. Những năm sau đó, mỗi khi qua Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên... tôi lại tìm thêm được những thông tin quý báu về gia đình cách mạng mẫu mực của đồng chí chính trị viên đầu tiên của Quân đội ta.
Đồng chí Dương Mạc Thạch, dân tộc Tày, sinh năm 1915, trong một gia đình ở khu Nam Sơn, nay là xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Tất cả thành viên trong gia đình đồng chí đều tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Bản thân đồng chí Dương Mạc Thạch tham gia cách mạng từ năm 1934, cùng năm này đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và là đảng viên đầu tiên của huyện Nguyên Bình.
Em trai của đồng chí Dương Mạc Thạch là Dương Mạc Hiếu (tên thật là Dương Mạc Lý, có các bí danh như: Quang Hưng, Nghĩa...) được cấp trên phân công làm cán bộ Nam tiến phụ trách tổng Bằng Đức, châu Ngân Sơn (Bắc Kạn) và tham gia thành lập, làm Bí thư Chi bộ Chí Kiên-Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn vào năm 1943. Đầu năm 1944, đồng chí Dương Mạc Hiếu tham gia Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Kạn mới được thành lập. Tháng 4-1944, đồng chí trở về Nguyên Bình để trị bệnh. Tại quê nhà, đồng chí tham gia lãnh đạo giành chính quyền tại châu Nguyên Bình, có thời gian từng làm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến châu, sau này, đồng chí công tác ở Ban Công tác Nông thôn rồi Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Cao Bằng, về hưu năm 1972 và mất năm 1976.
Để tưởng nhớ công lao của người Bí thư Chi bộ Chí Kiên, ngày 5-10-2009, HĐND tỉnh Bắc Kạn ban hành Nghị quyết số 16/2009/NQ-HĐND về việc đặt tên đường Dương Mạc Hiếu với điểm đầu đường từ ngã tư cầu Cạn, điểm cuối giáp với đường Kon Tum, thị xã Bắc Kạn (nay là TP Bắc Kạn).
|
|
Đồng chí Dương Mạc Thạch. |
Cơ sở tin cậy của cách mạng
Đồng chí Dương Mạc Thăng kể: “Năm 1940, tổ chức đảng phân công đồng chí Võ Nguyên Giáp vào Minh Tâm công tác với danh nghĩa thầy đồ người Kinh lên đây dạy học. Bác Giáp mở lớp chính trị dạy cán bộ Trung ương và cán bộ tỉnh Cao Bằng một tuần ngay tại cái hang gần nhà tôi. Mẹ tôi cùng một người dân khác là người tiếp tế lương thực, thực phẩm. Hồi đó, mẹ tôi phải đi giã gạo khắp nơi để tránh con mắt dò xét của lính Pháp. Từ nhà tôi đi lên chỗ tiếp lương thực chỉ khoảng 300m, nhưng mẹ tôi phải đi lòng vòng, giả như đi ra đồng chăm sóc ngô để tránh sự nghi ngờ, theo dõi của địch.
Sáng mồng Một Tết Nguyên đán Nhâm Ngọ 1942, thầy giáo Văn mượn bộ đồ cưới của cha tôi, đóng bộ, xuất hành về hướng Nam. Đi được một lúc, ông quay về gọi cha mẹ tôi. Ông bà tưởng có chuyện gì vội chạy xuống, thấy thầy giáo Văn hớn hở, vẻ mặt lộ niềm vui, nói: “Xích Thắng ơi, chị Đại ơi, cách mạng nhất định thắng lợi!”. Rồi ông nhắc lại: Cách mạng nhất định thắng lợi... Cái tết dù trong hoàn cảnh bí mật, đồ ăn thức uống đạm bạc, lại chỉ có 3 người ăn tết với nhau, nhưng mẹ tôi bảo sao mà vui thế, ấm cúng thế, yên lành thế. Hai ông lại đi không một lời dặn lại. Lần này hai ông đi biền biệt. Có lúc mẹ tôi thấy lo lắng trong lòng, đi hoạt động ở nơi khác, cơ sở họ có chăm sóc hai ông được tốt không, nhất là thầy giáo Văn, sức khỏe vốn hơi yếu lại lạ nước lạ cái.
Đến sau này cách mạng công khai, nhân dân theo cách mạng đánh đuổi Nhật, trừng trị bọn Việt gian phản động, giành chính quyền, mẹ tôi gặp ai cũng hỏi tin tức về hai ông. Bà chỉ nhận được câu trả lời là cứ yên tâm, các ông vẫn sống mạnh khỏe, bận công tác lắm, còn đang làm gì và ở đâu thì chẳng ai trả lời được. Sau này gia đình mới được biết thầy Văn rời nhà tôi thì vào hoạt động ở Tam Kim. Cha tôi và thầy giáo Văn cùng với tổ chức đoàn thể vạch kế hoạch Nam tiến theo chỉ thị của Bác Hồ. Sau đó, cha tôi và một số đồng chí nữa tổ chức thành một đoàn Nam tiến xuống vùng Cốc Đán (Ngân Sơn, Bắc Kạn). Thầy giáo Văn tổ chức một đoàn Nam tiến khác đông hơn, đi sâu xuống Bắc Kạn. Các đoàn Nam tiến của hai ông đều gặp rất nhiều nguy hiểm, khó khăn, thử thách do địch luôn bám sát, theo dõi, bao vây phục kích... nhưng các đoàn đều hoàn thành nhiệm vụ. Phong trào cách mạng từ Cao Bằng đã lan xuống Bắc Kạn và nối với miền xuôi.
Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Bác Văn là người lãnh đạo trực tiếp của Đội. Cha tôi vinh dự được chọn, được đứng trong hàng ngũ của Đội, lại còn được giao trọng trách là Chính trị viên của Đội. Đội ngũ cán bộ cách mạng rất đông đảo, nhiều người cũng đủ tài năng, đức độ. Sao tổ chức lại chọn cha tôi để giao nhiệm vụ này? Tổ chức chắc chắn đã cân nhắc kỹ, bên cạnh đó, bác Văn - người đã cùng hoạt động, dìu dắt cha tôi, hiểu được cha tôi, tin tưởng giao nhiệm vụ đó cho cha tôi. Gia đình tôi vinh dự, tự hào, càng vinh dự tự hào càng biết ơn và quý mến bác Văn bấy nhiêu”.
Gương mẫu trong lời nói, việc làm
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chính trị viên Xích Thắng cùng Đội trưởng Hoàng Sâm đã chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân giành được hai chiến thắng quan trọng đầu tiên tại Phai Khắt và Nà Ngần (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) vào cuối năm 1944. Sau đó, Chính trị viên Xích Thắng cùng với Đội trưởng Hoàng Sâm chỉ huy Đội đánh thắng trận Đồng Mu (nay thuộc xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng)-một đồn Pháp có hệ thống phòng thủ khá vững chắc vào ngày 5-2-1945.
Đầu năm 1945, khi Đội phát triển thành nhiều đại đội, đồng chí Xích Thắng được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy một đại đội hoạt động dọc Đường 3B, vừa vũ trang tuyên truyền vừa chặn đánh quân Nhật ở Nà Phặc, Hà Hiệu, Đèo Giàng...
Theo lời kể của các nhân chứng lịch sử ở Cao Bằng và Bắc Kạn thì đồng chí Dương Mạc Thạch luôn gương mẫu trong lời nói và việc làm. Không chỉ giỏi về quân sự, đồng chí còn có tài vận động, thuyết phục quần chúng. Khi tiến về Bắc Kạn, đồng chí đã làm công tác địch vận ở xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn hiệu quả. Đó là việc vận động thành công một đơn vị vũ trang người Hoa ở huyện Ngân Sơn. Bằng những lập luận của mình, chỉ huy đơn vị vũ trang người Hoa đã đồng ý ủng hộ Việt Minh lương thực, vũ khí, không đi theo quân Nhật, quân Pháp.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Dương Mạc Thạch đã trải qua nhiều cương vị khác nhau: Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Bắc Kạn; Trưởng phòng Quốc dân miền núi của Liên khu 1; Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Yên Bái; Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban hành chính, Phó bí thư Tỉnh ủy Hà Giang... Đến tháng 8-1978, đồng chí được nghỉ hưu và từ trần một năm sau đó.
Đồng chí Dương Mạc Thăng nhớ lại: “Khi cha tôi làm Phó bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, lúc đó tôi vẫn còn nhỏ, thấy nhiều người dân, cả cán bộ ở địa phương khăn gói đến nhà để trình bày công việc, chia sẻ những băn khoăn với cha mình. Có người đến rồi lại đi ngay, có người ở lại qua đêm. Dù là ai, cha tôi đều tiếp đón ân cần. Cha thường nói với mẹ tôi nấu cơm phục vụ khách chu đáo”.
ĐỖ PHÚ THỌ