Năm 1977, khi đồng chí Chu Huy Mân làm Chủ nhiệm TCCT thì đồng chí Lê Văn Dũng làm Chính ủy trung đoàn. Khi đồng chí Lê Văn Dũng giữ chức Chủ nhiệm TCCT thì Đại tướng Chu Huy Mân đã nghỉ hưu. Tuy vậy, hai vị Đại tướng vẫn thường xuyên bàn bạc với nhau về công việc, đặc biệt là cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội và chế độ chính ủy, chính trị viên.
Ngày 4-7-1985, Bộ Chính trị (khóa V) ra Nghị quyết 27 “Tiếp tục kiện toàn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam”, khôi phục lại hệ thống cấp ủy đảng từ cơ sở đến Đảng ủy Quân sự Trung ương (ĐUQSTƯ) mà Nghị quyết 07 năm 1982 của Bộ Chính trị (khóa V) đã bãi bỏ, nhưng vẫn thực hiện chế độ một người chỉ huy trong quân đội. Từ đó bỏ chức danh chính ủy, chính trị viên, thay bằng chức danh phó chỉ huy trưởng về chính trị, với lý do chiến tranh hiện đại cần có sự quyết đoán nhanh chóng.
|
|
Đồng chí Lê Văn Dũng (bên phải) chúc Tết Đại tướng Chu Huy Mân (năm 2002). Ảnh: TRIỀU HẢI |
Tháng 6-2001, đồng chí Lê Văn Dũng đang làm Tổng Tham mưu trưởng được phân công làm Chủ nhiệm TCCT, vì thế ông hay gặp gỡ Đại tướng Chu Huy Mân, người tiền nhiệm mà ông rất đỗi kính trọng. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng Đại tướng Chu Huy Mân vẫn luôn quan tâm đến việc xây dựng cơ quan TCCT. Những cuộc gặp gỡ trao đổi giữa Đại tướng Chu Huy Mân và Chủ nhiệm TCCT Lê Văn Dũng bao giờ cũng chân tình, cởi mở. Tiếp xúc với Đại tướng Chu Huy Mân và các đồng chí từng lãnh đạo TCCT, từng là tướng lĩnh các quân khu, quân binh chủng, quân đoàn, học viện, nhà trường quân đội… thời kỳ ấy, ở đâu Chủ nhiệm TCCT Lê Văn Dũng cũng được mọi người đề nghị khôi phục chế độ chính ủy, chính trị viên. Bản thân ông cũng suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này. Cơ chế chỉ huy trưởng, phó chỉ huy trưởng về chính trị qua gần 20 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều nhược điểm: Vai trò lãnh đạo của Đảng trong quân đội bị hạ thấp, hệ thống tổ chức, cơ quan chính trị các cấp trong quân đội trở thành cơ quan nghiệp vụ của người chỉ huy. Phó chỉ huy trưởng về chính trị các cấp là người giúp việc của thủ trưởng quân sự. Người phó chỉ huy trưởng về chính trị các cấp thường là bí thư, nhưng không phải là người chủ trì lãnh đạo nên dẫn đến hình thức...
Thực tế, Quân đội ta từ khi thành lập chưa bao giờ có chế độ hai người chỉ huy. Khi thực hiện chế độ “hai thủ trưởng” (quân sự và chính trị), dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, người chỉ huy trưởng quân sự có quyền đầy đủ giải quyết các vấn đề quân sự trong mọi tình huống và chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp mình và cấp ủy, chỉ huy cấp trên. Vì vậy, khẳng định vai trò người chỉ huy quân sự bằng cách hạ thấp vai trò người cán bộ chủ trì chính trị là không thỏa đáng. Thực tiễn lịch sử qua các cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã cho thấy chế độ thủ trưởng quân sự và thủ trưởng chính trị là hoàn toàn phù hợp với Quân đội ta. Những vấn đề trên cùng với yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ của đất nước, của quân đội trong thời kỳ mới đã làm rõ sự cần thiết phải khôi phục chế độ chính ủy, chính trị viên.
Lý lẽ là thế, nhưng vấn đề là phương pháp làm như thế nào. Trước đó, ĐUQSTƯ đưa ra nhiều phương án, vì thế khi biểu quyết rất khó thống nhất. Lần này, Chủ nhiệm TCCT Lê Văn Dũng bàn trong lãnh đạo tổng cục chỉ nêu phương án: Một là đồng tình khôi phục chế độ chính ủy, chính trị viên. Hai là không đồng tình. Chủ trương của ông là đúng, khi biểu quyết đại đa số đồng tình. Từ đó ông cho cơ quan biên soạn dự thảo Nghị quyết 51. Dự thảo Nghị quyết 51 được chỉnh sửa nhiều lần, được Thường vụ ĐUQSTƯ cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị ra nghị quyết vào ngày 20-7-2005. Ngày 19-5-2006, Bộ Quốc phòng và TCCT bổ nhiệm lớp chính ủy, chính trị viên đầu tiên sau hơn 20 năm thực hiện chế độ một người chỉ huy.
Đầu năm 2006, khi đồng chí Chu Huy Mân lâm bệnh phải nằm điều trị ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Đại tướng Lê Văn Dũng đã 3 lần đến thăm. Lần đầu khi mới vào viện, Đại tướng Chu Huy Mân còn ngồi nói chuyện được. Ông nói với đồng chí Lê Văn Dũng: “Kết quả của Nghị quyết 51 về khôi phục chế độ chính ủy, chính trị viên là rất tốt, có công lớn của Bảy Dũng. Chúng tôi, những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của thế hệ chống Pháp, chống Mỹ muốn đóng góp những suy nghĩ, truyền đạt kinh nghiệm của mình vào cuốn sách “Người Chính ủy Quân đội nhân dân Việt Nam” do tôi làm chủ biên, với mục đích tặng chính ủy, chính trị viên thế hệ 51, những người phần lớn chưa qua chiến đấu, trưởng thành trong thời bình làm tài liệu tham khảo. Chế độ chính ủy, chính trị viên là đặc thù của Quân đội ta, Bảy Dũng giúp chúng tôi cho xuất bản. Còn xuất bản số lượng bao nhiêu thì TCCT tính toán”.
Đại tướng Lê Văn Dũng hứa sẽ triển khai thực hiện và phấn đấu phát hành đến tiểu đoàn và đại đội làm tài liệu bồi dưỡng kinh nghiệm cho cán bộ. Trước khi ra về, Đại tướng Chu Huy Mân nắm tay Đại tướng Lê Văn Dũng: “Là Chủ nhiệm TCCT, Bảy Dũng động viên đội ngũ cán bộ chăm lo xây dựng Quân đội ta tinh nhuệ, trước hết phải tinh nhuệ về chính trị, tư tưởng là chủ yếu. Nhưng then chốt nhất là phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến dịch và chiến lược có phẩm chất đạo đức, năng lực tương xứng...”.
Hơn chục ngày sau, bác sĩ Nguyễn Hồng Triển, người chăm sóc sức khỏe của Đại tướng Chu Huy Mân chuyển lời đề nghị muốn gặp của ông đến Đại tướng Lê Văn Dũng. Lúc này, Đại tướng Chu Huy Mân đã yếu nhiều. Thấy Đại tướng Lê Văn Dũng kéo ghế ngồi gần, ông gắng nói: “Năm nay tôi đã 93 tuổi, ngày về thế giới bên kia chắc không còn lâu nữa. Có điều này tôi đã suy nghĩ từ lâu. Từ lâu ta dùng cụm từ ĐUQSTƯ, tôi cho là không ổn. Bảy Dũng báo cáo với Trung ương lấy lại cụm từ “Quân ủy Trung ương” vừa là lịch sử, vừa là truyền thống từ khi có Đảng bộ Quân đội. Năm 1982, ta bỏ đảng ủy cấp cơ sở trở lên trong quân đội mới dùng ĐUQSTƯ. Sau đó khôi phục đảng ủy các cấp nhưng lại bỏ chính ủy, chính trị viên, bỏ luôn cả Quân ủy Trung ương, đây là điều tôi trăn trở. Những gì cần nói thì tôi đã nói hết với Bảy Dũng. Bây giờ tôi có thể yên tâm đi gặp Bác Hồ rồi”…
Ngày 1-7-2006, trái tim của Đại tướng Chu Huy Mân ngừng đập. Cuối năm 2006, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản cuốn: “Người Chính ủy Quân đội nhân dân Việt Nam” với số lượng 12.000 bản. Thực hiện ý nguyện của Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Lê Văn Dũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn của TCCT thống nhất văn bản trình ĐUQSTƯ về việc lấy lại tên gọi Quân ủy Trung ương. Nhằm tạo sự đồng thuận cao trong Đảng bộ Quân đội trước khi đưa ra Đại hội XI của Đảng, Đại tướng Lê Văn Dũng chỉ đạo cơ quan TCCT thực hiện từng bước chặt chẽ nên Đại hội lần thứ IX Đảng bộ Quân đội nhất trí lấy lại tên Quân ủy Trung ương. Đến Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đưa vấn đề này ra bàn thảo, đa số thống nhất thay cụm từ “ĐUQSTƯ” bằng cụm từ “Quân ủy Trung ương”. Phiên họp toàn thể Đại hội lần thứ XI họp vào ngày 18-1-2011, 82,41% đồng ý gọi là “Quân ủy Trung ương”.
LÊ HẢI TRIỀU