Chúng tôi được các cựu chiến binh xã Hưng Lộc dẫn đến ngôi nhà của cựu chiến binh Hồ Hữu Hảo nằm sâu trong một hẻm nhỏ. Ông sống một mình trong căn nhà cấp 4, bên cạnh là gia đình 3 người con. Khi được chúng tôi đề nghị kể về những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông hào hứng như được khơi đúng mạch nguồn.

Năm 1952, chàng thanh niên Hồ Hữu Hảo lên đường nhập ngũ, được bổ sung về Đại đội 151, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Sau thời gian học quân sự, chiến sĩ Hồ Hữu Hảo được điều về trung đội liên lạc đàm thoại thuộc Đại đội 151, cùng đơn vị hành quân lên Tây Bắc. Đường đi hiểm trở, băng rừng, lội suối, đôi bàn chân phồng rộp, có những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua. “Những lúc mệt mỏi, gian khổ, tôi lại nhớ giọng nói thâm trầm của cha dặn dò lúc tiễn tôi lên đường: “Con đi mạnh khỏe, diệt giặc trả thù cho anh trai. Đền nợ nước, trả thù nhà, con gắng làm tròn”. Anh trai tôi là Hồ Sỹ Tịnh, tình nguyện đi bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Bình-Trị-Thiên và bị thực dân Pháp giết tại đồn Pheo (Quảng Bình) năm 1948”, cựu chiến binh Hồ Hữu Hảo nhớ lại.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Hồ Hữu Hảo (giữa) ôn lại kỷ niệm những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cùng các cựu chiến binh, tháng 2-2024. 

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 174 được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm đồi A1 trong đợt 2 của chiến dịch. Chiều tối 30-3-1954, trời Tây Bắc bao phủ bởi sương mù, pháo và cối các cỡ của ta bắn dồn dập, trút bão lửa trùm kín cả Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tổ liên lạc 3 người của Hồ Hữu Hảo mang máy điện thoại, dây, bộ đàm bám theo đội hình Trung đoàn 174.

Trung đoàn 174 mở nhiều đợt xung phong nhưng chưa dứt điểm được hệ thống phòng ngự dày đặc của địch. Ta và địch quần nhau ở đồi A1, giành đi giật lại từng tấc đất. Bám theo bộ binh để phục vụ chiến đấu, các chiến sĩ tổ liên lạc người đầm đìa máu, mồ hôi, cát bụi, quần áo bị dây thép gai cào rách nát, song vẫn không rời vị trí, mang theo dây, máy phục vụ chỉ huy chiến đấu, liên lạc từ các mũi đến chỉ huy các cấp...

Trận đánh đồi A1 chưa thành công. Trung đoàn 174 được lệnh tạm dừng, củng cố lực lượng, tìm cách đánh mới. Sau đó, Trung đoàn đã mở thêm 3 cuộc tấn công nữa nhưng cũng chỉ chiếm được một nửa đồi, vì ở A1, địch xây dựng hệ thống phòng ngự với hầm ngầm kiên cố, bố trí các lỗ châu mai và các ổ súng máy có sức đề kháng mạnh.

Sau khi rút kinh nghiệm và qua khai thác tù binh, chỉ huy Trung đoàn 174 táo bạo đề xuất Đại đoàn 316 và Bộ chỉ huy chiến dịch phương án đánh đồi A1 bằng cách đào đường hầm sâu dưới lòng đất, sử dụng thuốc nổ để đánh sập hầm của địch. Sau nhiều ngày đêm đào liên tục, Trung đoàn 174 đã đào được đường hầm khá dài trong lòng đồi A1 để đặt khối thuốc nổ gần 1.000kg. Ngày 6-5, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An là người chỉ huy cho kích nổ khối bộc phá đó, làm sụp một phần đồi A1, quân địch choáng váng, không kịp đối phó, quân ta thừa thế tiến công, làm chủ đồi A1.

Chiều 7-5, từng đoàn binh lính Pháp cầm cờ trắng, dù trắng từ trung tâm chỉ huy ra hàng, còn bộ đội ta thì nhảy khỏi giao thông hào, công sự, ôm nhau hò reo, nhảy múa. “Lúc ấy, tôi thấy trong lòng rạo rực và cũng thấy mình may mắn vì đã được chứng kiến thời khắc lịch sử thiêng liêng. Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ từ đầu đến cuối, đối với tôi cũng là trả thù cho anh trai và giữ lời hứa với gia đình, quê hương”, cựu chiến binh Hồ Hữu Hảo tâm sự.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến sĩ Hồ Hữu Hảo tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; rồi được cử đi đào tạo ở Liên Xô. Khi về nước, ông kịp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh... Năm 1980, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại úy. Gần 30 năm quân ngũ, cựu chiến binh Hồ Hữu Hảo được tặng thưởng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ;  Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất...

Bài và ảnh: THỤC TÂM