Cuối tháng 8-1969, Đại đội 10 (Tiểu đoàn 15, Trung đoàn Pháo phòng không 284) của tôi đang củng cố, bổ sung quân số. Đầu tháng 9, chúng tôi nhận được tin Bác Hồ từ trần. Trong buổi lễ truy điệu Bác Hồ trên đỉnh Trường Sơn, chúng tôi ai cũng khóc, riêng chiến sĩ Đỗ Văn Xôn, sinh năm 1949, quê ở xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, thì khóc rất to và lâu. Đấy là ấn tượng đầu tiên của tôi về anh.

Xôn người thấp đậm, ít nói, hiền lành nhưng luôn vui vẻ với mọi người. Được giao việc gì Xôn đều hoàn thành nhanh chóng và chính xác.

Từ tháng 9-1969, đơn vị chúng tôi vừa học tập chính trị, điều lệnh và huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật pháo phòng không, vừa tham gia trực chiến đấu bảo vệ giao thông, kho hàng từ Khe Ve, Khe Tang, La Trọng, qua Bãi Dinh tới cổng trời của Đường 12... Đơn vị còn có nhiệm vụ bí mật bảo vệ một đơn vị tên lửa đang triển khai tác chiến, chi viện cho tuyến trong.

leftcenterrightdel

Tác giả Đặng Sỹ Ngọc (thứ hai, từ trái sang) cùng các bạn chiến đấu tại Trung đoàn 284. Ảnh: XUÂN PHƯƠNG 

Đầu mùa hè năm 1970, chúng tôi được lệnh cơ động thay đổi chiến trường, cùng Tiểu đoàn và Trung đoàn hành quân “cuốn chiếu” dọc Đường 15 vào thôn Thạch Bàn (xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) rồi rẽ về Đường 16. Đại đội triển khai trận địa tại phía Bắc cầu Khỉ, phía Nam bản Làng Ho (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Sương mù dày đặc, 6 tháng không thấy ánh nắng lọt qua. Khổ nhất và thương nhất là các cô bộ đội của binh trạm và thanh niên xung phong, áo quần ướt hết, thay ra không kịp khô đã phải mặc vào, người bốc mùi hôi, lâu ngày sinh ghẻ lở, hắc lào, ngứa ngáy khắp người. Tất cả các đơn vị phải dùng bếp Hoàng Cầm, nói chuyện cũng chỉ nói nhỏ với nhau để tuyệt đối giữ bí mật. Tôi làm quản lý Đại đội, các loại hàng hóa, lương thực luôn nhờ các bộ phận che đậy, tránh ẩm ướt. Các đồng chí nuôi quân cũng bị sốt rét đi viện, Đại đội phải cử các pháo thủ thay nhau vào giúp nấu nướng.

Một hôm, Đỗ Văn Xôn được cử vào. Thấy Xôn, tôi vui lắm, bởi anh rất vui vẻ, nhiệt tình với nhiệm vụ. Ở đây có nhiều chuối rừng, tôi rủ anh cùng đi hái hoa chuối về làm thực phẩm. Anh với tôi hái được cả một bì nặng. Bếp thường đặt ở khe suối nhỏ, cách trận địa chừng vài cây số.

Có lần, Xôn và tôi gánh cơm sáng ra trận địa. Xôn đi trước, đến đoạn phải lội qua ngầm, nhìn xuống bờ nước, anh gọi tôi như hụt hơi: “Anh Ngọc ơi! Có khúc gỗ đen giống con cá to kìa!”. Tôi nhìn kỹ, đúng là một con cá chuối (quê tôi gọi là cá tràu) như một khúc gỗ đen, nằm sát bờ bất động, dài đến nửa sải. Xôn đã nhặt một hòn đá bằng nắm tay, ném đúng đầu cá, nó loắng ngoắng lao ra suối. Chúng tôi bỏ gánh, lao vội xuống nước vớt cá lên, tìm chỗ giấu an toàn rồi gánh cơm đến trận địa, sau đó quay lại lấy cá. Trưa hôm đó, chúng tôi được thưởng thức bữa cơm cá ngon lành. Cùng thời gian này, tôi và một đảng viên trong tổ đảng giới thiệu, đề nghị kết nạp Xôn vào Đảng. Tôi còn biết anh rất thương một cô thanh niên xung phong cùng quê Thái Bình.

Ngày 1-10-1971, Đại đội tôi được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, bắn rơi 32 máy bay các loại, bắt sống giặc lái. Đầu năm 1972, cả Trung đoàn cùng các đơn vị vượt sông Bến Hải, quyết tâm giải phóng tỉnh Quảng Trị. Sau đó, tôi được làm Trung đội trưởng, rồi Đại đội phó, còn Đỗ Văn Xôn lên làm Khẩu đội trưởng rồi Trung đội trưởng sau khi anh được kết nạp Đảng.

Trải qua những trận chiến đấu quyết liệt, tuy quân số có hao hụt nhưng đơn vị vẫn tiếp tục chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ngày 20-7-1972, tôi bị thương nặng, phải rời Đại đội, còn anh em thì cơ động ra bờ Bắc sông Bến Hải, trú quân tại Nông trường Quyết Thắng, nhận vũ khí mới để tiếp tục chiến đấu. Ngày 30-8-1972, vị trí của đơn vị bị địch phát hiện, sau đó chúng cho nhiều máy bay đến oanh tạc trận địa. Cán bộ, chiến sĩ nêu cao ý chí chiến đấu dũng cảm và Đỗ Văn Xôn đã anh dũng hy sinh. Tới ngày 31-12-1972, đồng chí Chính trị viên Chiến và Tiểu đội trưởng Xuân Quỳnh cũng hy sinh trong một trận đánh. Đây là 3 liệt sĩ cuối cùng của Đại đội 10 chúng tôi trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

ĐẶNG SỸ NGỌC