Năm 1971, Đoàn 814 thuộc Cục Hậu cần B2 được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai Đoàn Hậu cần 81 và 84.

Đoàn 814 chia làm 4 cánh để phục vụ các đơn vị chủ lực Miền hoạt động trên hướng chiến trường Long Khánh, Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một. Hằng đêm, các đơn vị vận tải của Đoàn chở vũ khí, quân lương ra tiền phương đi qua dốc Năm Cua và ngã ba Cây Cầy.

Dốc Năm Cua nằm trên cung đường qua lộ Trần Lệ Xuân, ngầm Mã Đà, sân bay Rang Rang (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) xuống sông Đồng Nai. Dốc này rất cao, có nhiều khúc cua gắt, anh em gọi là dốc Năm Cua. Anh Đinh Văn Long, lái xe của Đại đội vận tải V21 (Đoàn 814) kể rằng: “Anh em dùng xe REO của Mỹ. Xe cũ, phanh hỏng. Mỗi lần lên dốc phải gài số 1, thả tời buộc vào gốc cây cho xe bò lên từng đoạn. Mùa mưa đường trơn, nhiều lúc xuống dốc xe trôi tự do, nhiều lần lật xe. Không những thế còn thường xuyên bị địch thả pháo sáng, ném bom và tập kích bằng pháo bầy. Nhiều anh em đã hy sinh ở đây”.

Còn ngã ba Cây Cầy nằm ở Cánh 1 phục vụ các đơn vị thuộc khu vực Thủ Dầu Một. Trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, Đại đội V21 chở hàng từ Bình Cơ (nay thuộc xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) xuống Phước Vĩnh (nay là thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) để phục vụ cho Sư đoàn 7 đánh Chơn Thành, Hớn Quản (nay thuộc tỉnh Bình Phước), lập nên những chiến công vang dội, được báo chí ca ngợi, nêu kỷ lục 150 ngày đêm chốt chặn bám trụ kiên cường trên Đường 13.

leftcenterrightdel

Các cựu chiến binh Đoàn 814 thắp hương, tìm mộ liệt sĩ tại ngã ba Cây Cầy, tháng 8-2007. Ảnh: NGỌC TRẦN 

Lúc đó, tôi là Đài trưởng vô tuyến điện 15W phục vụ cho tiền phương Cánh 1 do anh Tư Giảng, Phó đoàn trưởng phụ trách. Năm 1973-1974, tôi có làm hai bài thơ “Dốc Năm Cua” và “Ngã ba Cây Cầy” ca ngợi các chiến sĩ vận tải, gửi cho anh Đỗ Thanh Hà, nhân viên quân giới ở Đoàn bộ để đăng báo tường. Rồi sau đó bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bận rộn với công việc nên tôi cũng quên đi. Mãi mấy chục năm sau khi về hưu, anh Hà mới đưa lại tôi những bài thơ này.

Sau ngày giải phóng, Đoàn 814 giải thể. Thỉnh thoảng anh em, đồng đội họp mặt tại nhà anh Khảm, nguyên trợ lý vận tải của Đoàn, ở Long Khánh, tôi có nhắc đến hai địa danh trên. Anh Khảm, anh Long (lái xe của Đại đội V21), anh Dũng (nhân viên quân giới), cô Hân (nhân viên quân nhu), cô Phấn (nhân viên thủ kho), anh Hoàng Dũng (trợ lý vận tải)... của Đoàn đều đã qua đây, nhưng bây giờ tuổi cao, cảnh vật thay đổi nên cũng không nhớ chính xác ở chỗ nào. Hơn nữa đây là những địa danh trong rừng mà anh em đặt tên.

Sau khi hai bài thơ của tôi được đăng trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần số 1223 ngày 9-6-2019 và Báo Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều anh em, đồng đội đã cung cấp thêm tư liệu về hai địa danh này. Anh Đặng Đường, nguyên trợ lý Tiểu đoàn 6 (Đoàn 814) kể chuyện tìm mộ liệt sĩ ở ngã ba Cây Cầy. Tháng 9-1974, có 6 anh em của Tiểu đoàn 6 và 2 lái xe của Đại đội V21 vận chuyển hàng trên chiếc xe GMC đã hy sinh ở đây khi trúng mìn của địch. Chính anh Đường và các bạn đã chôn cất anh em tại ngã ba này nằm trên địa phận xã Tân Lập, huyện Phú Giáo (Bình Dương).

Cảnh vật nay đã thay đổi. Ngã ba Cây Cầy không còn nữa. Nơi đây đã trồng cao su. Anh Chính, một cựu chiến binh ở địa phương dẫn mọi người đến bãi cỏ, chỉ chính xác nơi chôn cất anh em. Sau này địa phương đã khai quật đưa hài cốt các anh về Nghĩa trang Liệt sĩ Đồng Xoài. 4 trong 8 người đã có bia ghi họ tên, còn 4 người chưa xác định được tên. Anh Đường nói: “Đêm đó, chúng tôi an táng các anh trong ánh pháo sáng cầm canh của địch nên không bỏ được lọ penicillin ghi tên tuổi, đơn vị, quê quán”. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hân, nhân viên quân nhu Đoàn 814 ở Cánh 1 cho biết, cũng tại nơi này, chiếc xe chở gạo và anh chị em về họp chi bộ bị địch phục kích bắn cháy. Hầu hết anh chị em trên xe hy sinh...

Hơn 50 năm đã trôi qua. Nhiều bạn bè, đồng đội không còn nữa. Nhưng những kỷ niệm về một thời gian lao, anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 814, Cục Hậu cần Miền thì không bao giờ quên. Riêng tôi rất bồi hồi, xúc động khi tìm thấy những nhân chứng, vật chứng cho hai bài thơ “Dốc Năm Cua” và “Ngã ba Cây Cầy” mà tôi đã viết trong rừng, từ những năm chiến tranh...

TRẦN NGỌC PHƯỢNG