Ông Bùi Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy phường Lam Hạ thông tin, tượng đài cao 18m, dài 45m, được khởi công xây dựng từ tháng 5-2019 từ ngân sách của tỉnh và nguồn xã hội hóa. “Công trình đã trở thành địa điểm tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, nhất là những nữ liệt sĩ bất khuất, kiên cường, cũng là công trình văn hóa có ý nghĩa lịch sử, tâm linh sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ”-ông Tuấn nhấn mạnh.

Do nhà cách khu di tích không xa nên bà Nguyễn Thị Tình, nguyên Trung đội trưởng Trung đội nữ dân quân thường xuyên tới đây thắp hương cho đồng đội. Rưng rưng hướng về tượng đài và phù điêu chạm khắc nổi hình ảnh mười nữ liệt sĩ anh hùng, ký ức những ngày kề vai sát cánh luyện rèn và chiến đấu bên mâm pháo lại dội về trong tâm trí bà.

leftcenterrightdel

 Bà Nguyễn Thị Tình. Ảnh: KHÁNH AN

Năm 1965, trên địa bàn Lam Hạ, nhiều trận địa pháo phòng không được thành lập nhằm ngăn chặn sự tiến công của máy bay Mỹ ở ngay cửa ngõ Thủ đô. Để hỗ trợ, phối hợp với bộ đội chủ lực, Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ được thành lập ngày 5-8-1965, gồm 87 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có một trung đội nữ. Bà Tình khi ấy 28 tuổi, có chồng là bộ đội đóng quân ở xa, hai con còn nhỏ nhưng bà vẫn tích cực tham gia luyện tập cùng chị em. “Chúng tôi gác lại việc riêng, hăng say luyện tập nên ai cũng thành thạo yếu lĩnh động tác. Trước sự đánh phá với cường độ cao của không quân Mỹ, chị em đều thể hiện tinh thần quyết tâm, dũng cảm!”-bà Nguyễn Thị Tình vừa kể vừa gọi tên đồng đội trong niềm xúc động khôn nguôi.

leftcenterrightdel

Tượng đài mười nữ anh hùng liệt sĩ dân quân phòng không Lam Hạ. Ảnh: KHÁNH AN 

Quên sao được hình ảnh chị Vũ Thị Phương đang là giáo viên Trường cấp 1 Tiên Hòa vẫn tình nguyện tham gia lực lượng dân quân xã. Sáng 1-10-1966, sau khi dẫn các em học sinh đi sơ tán, chị vội khoác chiếc túi cứu thương chạy về trận địa tham gia chiến đấu. Đợt oanh kích lần thứ nhất vừa dứt, không quân Mỹ lại điên cuồng tấn công lần thứ hai, thứ ba rồi lần thứ tư. Từng tốp máy bay ồ ạt đánh phá các trận địa phòng không. 9 giờ 45 phút, các khẩu pháo vẫn kiên cường nhả đạn chiến đấu. Dưới làn mưa bom ấy, chị Phương thoăn thoắt khi tiếp đạn cho trận địa, khi băng mình cứu thương binh và hy sinh anh dũng ngay tại trận địa.

Hai chị em Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi hy sinh khi mới 18 và 16 tuổi. Chị Thi bị thương nặng phải chuyển ra tuyến sau, đi qua chiến hào có người anh trai đang chiến đấu còn dặn anh ở lại trả thù cho đồng đội. Chị Đinh Thị Tâm hy sinh khi tay vẫn cầm quả đạn, mái tóc dài xõa tung quấn chặt vào khẩu pháo. Chị Phan Thị Tuyết hy sinh trong khi hai tay vẫn giữ chặt tay quay. Đau xót hơn, chị Phạm Thị Lan hy sinh khi đang mang thai 3 tháng. Chị Nguyễn Thị Thuận thì bị hai vết thương ở đầu, một mảnh bom phạt gần đứt lìa một bên chân. Chuẩn bị lên bàn mổ vẫn động viên mọi người không phải lo cho mình, nếu cụt chân vẫn có thể làm việc được. Nhưng rồi chị đã ra đi mãi mãi...

Ngày nay, dưới màu trời xanh của hòa bình, hạnh phúc, khắc ghi công ơn của những người con đã không tiếc máu xương để bảo vệ quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Lam Hạ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, luôn nêu cao ý chí quyết tâm, đi đầu xây dựng quê hương, đất nước.

THỦY TIÊN