Bên cạnh đó, anh còn trực tiếp giúp hơn 200 người có công hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ chính sách và phối hợp vận động xây dựng 22 ngôi nhà tình nghĩa tặng người có công...
Nắng hầm hập như phả lửa. Cánh đồng thanh long lỗ chỗ khoảng trắng khoảng xanh. Trung tá Trương Bá Linh cùng đồng đội tỉ mẩn bốc từng nắm đất, lần tìm dấu vết HCLS của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 200C và Tiểu đoàn 840 (Quân khu 6 cũ), hy sinh ngày 12-1-1969 trong trận đánh đồn Tân Nông, thuộc địa bàn xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Tại vùng đất này, từ nhiều năm qua, lực lượng chức năng đã tiến hành nhiều đợt tìm kiếm nhưng chưa tìm thấy dấu vết HCLS. Địa hình, địa vật thay đổi hoàn toàn so với thời chiến tranh. Nhiều tháng nay, với chiếc xe máy cũ kỹ, anh Linh đến từng xóm, ấp, tìm gặp nhân chứng, thu thập thông tin. Anh phát hiện tại các xã Hàm Liêm, Hàm Trí…, một số hộ dân có ngày giỗ người thân trùng ngày diễn ra trận đánh đầu năm 1969. Nỗ lực thu thập thông tin, anh thu hẹp phạm vi tìm kiếm từ 2.000m2 xuống còn 200m2. Sau nhiều ngày đào bới dưới cái nắng 38-39 độ C, anh và đồng đội đã phát hiện được ngôi mộ tập thể gồm 27 HCLS. Khi khai quật, mọi người xúc động rơi nước mắt vì có đến 19 HCLS xác định được danh tính. Bà Lê Văn Sớt, thân nhân liệt sĩ Lê Thanh Đảng, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận khóc không thành tiếng khi được đón HCLS có danh tính rõ ràng sau gần nửa thế kỷ tưởng chừng vô vọng...
|
|
Trung tá Trương Bá Linh (người ngồi bên phải) cùng đồng đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Căn cứ kháng chiến Lê Hồng Phong, xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: BẮC BÌNH. |
Mới đây, anh Linh nhận được thông tin do cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh, nguyên cán bộ Tiểu đoàn 200C, ngụ xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam cung cấp về ngôi mộ tập thể của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 186 (Quân khu 6 cũ), hy sinh ngày 12-2-1969 trong trận đánh đồn Bà Hòe thuộc thôn 5, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc. Theo ông Minh, nhiều khả năng HCLS nằm trong khu vực dự kiến thi công mở rộng Quốc lộ 1. Nếu không tìm kiếm nhanh, Quốc lộ 1 thi công xong thì công việc của lương tri vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Nhận được thông tin, Trung tá Trương Bá Linh xuống ngay xã Hàm Đức tìm kiếm thông tin và nhân chứng. Từ những gì thu thập được, anh Linh phán đoán khu vực có HCLS là cánh đồng lúa rộng gần 2.000m2. Đi giữa cánh đồng mênh mông, từng bước chậm rãi lội ruộng, anh Linh phát hiện có một đám lúa rộng khoảng 20m2 hình elip có nhiều dấu hiệu khác lạ. “Có thể anh linh các liệt sĩ đã chỉ lối cho mình đến đây”-anh nghĩ vậy và đối chiếu thông tin, xác định tọa độ. Tiếng nói từ trái tim khiến anh quyết định khoanh vùng tìm kiếm tại khu vực này. Kết quả thật bất ngờ, anh và đồng đội đã cất bốc được 9 HCLS tại đây.
Đó là một vài kỷ niệm sâu sắc anh Linh tâm sự với chúng tôi trong hành trình thực hiện 19 cuộc tìm kiếm HCLS những năm qua. 152 HCLS được cất bốc, an táng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là sự nỗ lực tuyệt vời của những người đi tìm HCLS. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận chia sẻ, Trung tá Trương Bá Linh là tấm gương sáng, tận nghĩa với thế hệ cha anh. Nhờ có anh, Ban chỉ đạo 1327 tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành hơn 94% kế hoạch tìm kiếm, cất bốc, an táng HCLS.
Bằng sự thúc giục từ trái tim, từ năm 2011 đến nay, Trung tá Trương Bá Linh còn phối hợp với các ban, ngành tham mưu cho cấp trên vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp xây dựng được 22 căn nhà tình nghĩa và hàng nghìn phần quà tặng gia đình người có công, gia đình chính sách, cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn; trực tiếp giải quyết, hướng dẫn làm hồ sơ, giúp hơn 200 người có công được hưởng chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước. “Cha anh mình đã vì Tổ quốc mà hy sinh xương máu, cống hiến tâm sức cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nếu vì lý do nào đó chúng ta bỏ sót những người có công thì thật là có lỗi với thế hệ cha anh”-Trung tá Trương Bá Linh nói.
Đại tá Phạm Văn Long, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: Tấm gương cần mẫn, tận tâm, kiên trì, trách nhiệm của Trung tá Trương Bá Linh đã góp phần giúp đơn vị, địa phương thực hiện tốt chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, thể hiện đạo lý “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”.
NGUYỄN DUY HIỂN