Thiếu tướng, Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Lê Thế Trung tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở khu tập thể Học viện Quân y (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Ông cho chúng tôi xem tấm bản đồ Việt Nam và bản đồ thế giới chi chít những dấu chấm đỏ. Ông nói rằng, mỗi khi đi đến địa danh nào, ông lại dùng bút đỏ đánh dấu lên tấm bản đồ đó...
"Mỹ có B.52, bác sĩ Trung có B76"
Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Lê Thế Trung sinh năm 1928 tại Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội. Học xong trường Bưởi, ông tham gia mặt trận Việt Minh, rồi gia nhập tự vệ thành. Năm 1946, ông học lớp y tá Vệ quốc đoàn khóa đầu tiên. "Hai mươi mốt tuổi, tôi vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sau khi tốt nghiệp lớp y sĩ cao cấp khóa 1, năm 1951, tôi được cấp trên giao trọng trách Chủ nhiệm Quân y của Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch lịch sử này, tôi đã cứu chữa cho hàng trăm anh em thương binh nhưng có một trường hợp tôi không thể nào quên. Cậu y tá của tôi bị trúng mảnh pháo, làm giập nát tay trái và chân phải, buộc phải cắt bỏ để bảo toàn tính mạng. Vừa cưa tay và chân người đồng chí, đồng đội, tôi không cầm được nước mắt. Cậu ấy còn rất trẻ mà đã mất đi một nửa cuộc sống". GS Lê Thế Trung bồi hồi nhớ lại.
Vừa đeo túi thuốc chữa bệnh, vừa cầm súng chiến đấu, GS Lê Thế Trung nhiều lần phải đau đớn nhìn đồng chí, đồng đội của mình hy sinh trên tay vì không có đủ phương tiện, thuốc men cứu chữa và cũng do trình độ y học của ta lúc đó có hạn. Chính điều này đã thôi thúc ông phải nỗ lực học tập, miệt mài nghiên cứu. Ông quyết tâm bổ sung kiến thức bằng cách chăm chỉ đọc sách. Tốt nghiệp lớp y sĩ cao cấp khóa 1, ông được điều động trở lại Tây Bắc làm quyền Chủ nhiệm Quân y Quân khu Tây Bắc kiêm Viện trưởng Viện Quân y 6. Trong thời gian này, ông đã hoàn thành công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên đó là: Kinh nghiệm chống sốt rét và điều trị sốt rét tại Tây Bắc, được Cục Quân y đánh giá cao và cho phổ biến tới các đơn vị trong toàn quân.
Tháng 5-1959, ông được triệu tập về Trường Sĩ quan Quân y học lớp bổ túc ngoại khoa dã chiến, rồi bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp với đề tài Điều trị ngoại khoa bệnh bướu cổ và bệnh Basedow. Sau đó, ông được cử sang Liên Xô học đại học chuyên ngành bỏng. Tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc của Học viện Ki-rốp, BS Lê Thế Trung trở về nước (năm 1963) và sáng lập Khoa Bỏng (năm 1964 - sau này là Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác) và là chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực này. Khi chiến tranh lan rộng, ông vào chiến trường để khảo sát tình hình, trực tiếp mổ cứu sống hàng trăm trường hợp bị vết thương hiểm nghèo; hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị cứu chữa thành công cho các thương binh bị suy mòn do bỏng. Ông còn nghiên cứu tìm ra hơn 50 cây thuốc chữa bỏng, bào chế thành công thuốc điều trị bỏng rất hiệu nghiệm như: Maduxin (chiết xuất từ cây sến mật) và đặc biệt là thuốc B76 (từ vỏ cây sơn trà). Đi đâu, BS Trung cũng say sưa tìm kiếm cây cỏ trong thiên nhiên để tìm ra thuốc chữa bệnh. Ông nói: Thuốc ở quanh ta. Ngay cả những miếng da ếch, nước dãi cũng biến thành vị thuốc. Các nghiên cứu, phát hiện của ông được phổ biến rộng rãi, kịp thời phục vụ chiến đấu, giảm tỷ lệ tử vong cho bộ đội.
|
Vợ chồng GS - TSKH Lê Thế Trung
|
Là người lính đã từng nhiều lần cứu chữa cho bệnh nhân ở chiến trường, trong cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban điều tra tội ác của Mỹ tại Đông Dương tổ chức tại Ô-xlô (Na Uy) năm 1971, với danh nghĩa là chuyên viên y học và vũ khí của đoàn đại biểu Việt Nam, GS Lê Thế Trung đã đứng ra tố cáo những tội ác ghê rợn mà các loại vũ khí hủy diệt của đế quốc Mỹ gây ra. Được sự giúp đỡ của những người bạn cộng sản quốc tế, ông đã tìm mọi cách để đem đến hội nghị những tiêu bản chứng tích chiến tranh như: Chân người bị bom na-pan cháy đen, gan người chết vì bom phốt-pho, não người bị bom bi Mỹ giết. Cả thế giới bàng hoàng khi nhìn thấy những hiện vật khủng khiếp và nghe sự thuyết trình của ông về các loại vũ khí giết người vô nhân tính của Mỹ. Tiếng nói từ hội nghị đã góp phần tạo nên dư luận phản chiến, chống đế quốc Mỹ và ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Khát vọng vì sự sống con người
Cả đời làm công việc trị bệnh, cứu người, GS - TSKH Lê Thế Trung luôn đề cao và trau dồi y đức. Dù là dân thường hay chính khách, chiến sĩ hay tướng lĩnh, ông đều tận tâm, tận lực cứu chữa. Hàng ngàn người đã được ông trực tiếp cứu sống, trong đó có những bệnh nhân đặc biệt mà ông không thể nào quên. Đó là nhạc sĩ Văn Cao, tác giả Quốc ca và nhiều ca khúc nổi tiếng đã được ông cứu sống tới hai lần. Ấy là vào cuối năm 1958, một đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế Tây Bắc, gồm nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và nhạc sĩ Văn Cao. Sau chặng đường dài gian nan, vất vả, đến thị trấn Hát Lót (Sơn La) không may Văn Cao bị bục dạ dày. Bệnh nhân đặc biệt này được chuyển gấp lên Thuận Châu, nơi có phòng mổ của bệnh viện khu tự trị vừa mới thành lập. Văn Cao lúc này rất yếu, không nói được. Kíp mổ gồm BS Lê Thế Trung, BS Hoát - Chủ nhiệm Y tế Khu tự trị Thái - Mèo, BS Bình, Viện trưởng Viện Quân y 6 đã khẩn trương hội chẩn và tiến hành phẫu thuật. Ca mổ thành công đã mang lại sự sống cho người nhạc sĩ tài ba của đất nước.
Lần thứ hai, khi GS Lê Thế Trung đang làm Giám đốc Học viện Quân y. Nhạc sĩ Văn Cao bị lệch cột sống, rất đau đớn, không đứng được. Bệnh nhân đã chữa trị ở một bệnh viện lớn nhưng bệnh tình không tiến triển. Cột sống bị hẹp một đốt, tưởng chừng nằm chờ chết. Biết tin, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm và gợi ý Văn Cao nên chuyển sang Viện Quân y 103 (Học viện Quân y) chữa trị. Đồng thời, Đại tướng viết thư tay gửi GS Trung: "Nghệ sĩ Văn Cao bị bệnh nặng, có nguyện vọng nhờ Học viện giúp điều trị. Mong anh và các bác sĩ, y sĩ giúp đỡ anh ấy. Chúc anh khỏe và mong Học viện có những thành tựu mới. Thân ái! Võ Nguyên Giáp". Nhận được thư của Đại tướng, GS Lê Thế Trung cử ngay hai cán bộ đến đón nhạc sĩ Văn Cao về Viện Quân y 103. Sau hơn nửa tháng điều trị, nhạc sĩ Văn Cao đã dần bình phục, có thể đứng dậy và đi lại được. Ngày ra viện, nhạc sĩ Văn Cao tổ chức đêm nhạc của mình ở Học viện Quân y để cảm ơn những chiến sĩ áo trắng đã cứu sống mình.
Là Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng chuyên môn ghép thận, GS - TSKH Lê Thế Trung có mặt trong cả hai thời điểm quan trọng nhất của ghép tạng Việt Nam, ca ghép thận đầu tiên năm 1992 và ca ghép gan đầu tiên năm 2004. Hai bệnh nhân của hai ca phẫu thuật đặc biệt này là chứng nhân cho bước ngoặt của ngành ghép tạng nước nhà. Ghép thận cho bệnh nhân đầu tiên là anh Lê Thanh Nghiêm. Ca ghép thận thứ nhất thành công đã gây tiếng vang lớn và ngay sau đó trong ca ghép thận thứ hai, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trực tiếp đến gặp gỡ, động viên kíp mổ và quyết định cấp 100 triệu đồng để củng cố khu nhà mổ, phục vụ cho các ca mổ tiếp theo. Ông tâm sự: "Công việc này giống như việc ghép lại những cuộc đời. Mỗi một lần ghép là một lần giữ lại cho thế giới một sự sống. Vì vậy phải được tiến hành cẩn trọng, chính xác".
Ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam cho cháu Nguyễn Thị Diệp (quê Nam Định) bị mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh, phải thay gan, được tiến hành vào ngày 31-1-2004. Ông được giao nhiệm vụ chỉ huy kíp mổ, người con trai cả của ông là Đại tá, PGS, TS Lê Trung Hải, hiện là Phó giám đốc ngoại khoa Bệnh viện 103 (Học viện Quân y) được giao nhiệm vụ phụ mổ chính cho bác sĩ người Nhật Bản Mashito Makuchi, người trực tiếp thực hiện ca mổ này. Giới chuyên môn và dư luận đặc biệt quan tâm theo dõi ca mổ. Sau 16 giờ căng thẳng, ca mổ đã thành công tốt đẹp. Khi GS Trung bước ra từ phòng mổ và thông báo ca mổ đã hoàn tất với kết quả mỹ mãn, mọi người ào đến chúc mừng các thầy thuốc. Đến nay, Nguyễn Thị Diệp đã khỏe mạnh, học giỏi, mỗi dịp lên Hà Nội khám bệnh, Diệp đều đến thăm ông. Cháu coi thầy Trung như người ông đáng kính, ân nhân đã sinh ra em lần thứ hai…
Cả quãng đời sự nghiệp cho đến bây giờ, GS - TSKH Lê Thế Trung vẫn tâm niệm, người làm nghề y muốn giúp ích được cho mọi người, nhất là bệnh nhân nghèo thì phải lấy cái tâm, cái đức làm đầu. Ông thường nói với đồng nghiệp trẻ, khởi đầu sự nghiệp của ông là từ một y tá đại đội. Muốn trưởng thành thì phải tâm huyết, quyết tâm phấn đấu cho khoa học và cái đích là phải vì nhân dân, vì người bệnh...
Bài và ảnh: Trần Hoàng - Hồng Quang