Họa sĩ Vũ Đức Quỳnh sinh ngày 10-2-1944 ở Phú Xuyên, Hà Tây (nay là Hà Nội) trong gia đình có hai người con, cha là nghệ nhân tranh thêu tay Vũ Đức Trọng. Ngày đó, tranh thêu của ông Trọng đẹp nổi tiếng, được cả khách Tây lẫn ta từ khắp nơi tìm đến đặt mua. Hiện nay, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang lưu giữ hai bức tranh thêu quý của nghệ nhân do gia đình hiến tặng.

Theo trí nhớ của họa sĩ Quỳnh, năm ông 6 tuổi, cả gia đình theo cha chuyển về sống ở phố Ô Chợ Dừa (Hà Nội). Vũ Đức Quỳnh may mắn được thừa hưởng khiếu hội họa từ cha nên đã sớm bộc lộ thiên bẩm. Từ nhỏ, Vũ Đức Quỳnh đã say mê với những sắc màu của hội họa. Chính vì thiên hướng ấy mà khi tròn 16 tuổi, ông đăng ký và thi đỗ vào Trường Điện ảnh Việt Nam (bấy giờ có trụ sở ở 36 phố Cao Bá Quát, nay đã sáp nhập thành Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội) học chuyên ngành thiết kế mỹ thuật điện ảnh. Sau khi tốt nghiệp, ông về làm họa sĩ ở Xưởng phim Thời sự Tài liệu (nay là Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương). Năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Vũ Đức Quỳnh hăng hái lên đường nhập ngũ. Hành trang mang theo trong chiếc ba lô nặng trĩu của ông ngoài đồ dùng sinh hoạt còn có rất nhiều bút màu, giấy vẽ.

Trải qua khoảng 3 tháng hành quân xuyên rừng, ông mới cùng đồng đội vào đến điểm giao nhận quân trên đường Trường Sơn và được biên chế về Trung đoàn Công binh 98, Bộ tư lệnh 559 làm nhiệm vụ mở đường cơ giới. Qua nắm lý lịch, biết ông có khả năng hội họa, đã qua trường lớp đào tạo bài bản, cấp trên quyết định điều động ông về Ban Tuyên huấn của Trung đoàn 98 làm nhiệm vụ đi thực tế các đơn vị, ghi lại hình ảnh cuộc sống, chiến đấu của bộ đội trên chiến trường Trường Sơn khốc liệt. Những bức tranh phản ánh chân thực cuộc sống thường nhật của bộ đội mà ông vẽ xuất hiện trên báo tường của đơn vị đã trở thành món ăn tinh thần quý giá, được đồng đội nâng niu, gìn giữ.

leftcenterrightdel

Họa sĩ Vũ Đức Quỳnh kể chuyện sáng tác. Ảnh: TUẤN TÚ 

Tranh của Vũ Đức Quỳnh chủ yếu là ký họa chân dung. Đó có thể là những khuôn mặt lấm lem bùn đất bởi bom địch trút xuống trận địa, là những giọt mồ hôi chảy tràn qua mắt sau khi Bộ đội Công binh hoàn thành việc phá đá mở đường, hay là phút bừng sáng trong nụ cười và ánh mắt lấp lánh niềm tin của người chiến sĩ vừa cùng đồng đội vượt qua cửa tử... Tất cả hình ảnh ấy ở Trường Sơn đều thu vào tầm mắt và được Vũ Đức Quỳnh thể hiện sinh động qua từng nét bút chì phác họa trên những tờ giấy vẽ thật nhanh rồi gửi về cơ quan tuyên huấn để kịp đăng trên những số báo nội bộ. Tâm sự với chúng tôi, ông bảo những lúc nhớ nhà, ông cũng viết nhật ký bằng ký họa, hồi tưởng rồi vẽ lại khuôn mặt người thân nơi quê nhà. Khi nghe đồng đội bày tỏ nỗi nhớ người yêu, qua lời kể của họ, ông có thể phác họa chân dung từng người. “Chỉ mường tượng và vẽ lại theo lời kể, nhưng khi anh em xem đều công nhận giống như ngoài đời thật, tôi vui lắm. Tôi đưa ngay bức vẽ tặng anh em tiện mang theo bên mình để họ nguôi ngoai nỗi nhớ thương hậu phương”-ông cho biết.

Được hỏi về những lần đi thực tế sáng tác, ông kể về kỷ niệm khi đến thăm Bộ đội Công binh của Trung đoàn 98 mở đường ở khu vực gần sông Sê Băng Hiêng trên đất Lào. Vừa xuống đơn vị, được biết về tấm gương một tiểu đội trưởng công binh giữa mịt mù bom rơi, đạn lạc đã dũng cảm dùng thuốc nổ phá hủy chiếc xe đang bị cháy, thông đường cho đoàn xe vận tải chở quân ta ra tiền tuyến, ông vô cùng cảm phục và nhanh chóng chạy đến hiện trường ký họa về người chiến sĩ ấy giữa khoảng lặng của hai trận đánh. Thế nhưng bức họa chưa ráo mực thì đơn vị của ông được lệnh phải chuyển đi nơi khác nên ông không kịp tặng lại chủ nhân của nó. “Năm 1970, nghe kể về tinh thần hết mình vì công việc chăm sóc sức khỏe cho đồng đội của y tá Nguyễn Văn Lợi thuộc Trung đoàn bộ Trung đoàn 98, tôi rất khâm phục. Qua lời các anh thương binh kể, tôi mường tượng và vẽ chân dung y tá Lợi, định bụng khi anh làm nhiệm vụ về sẽ tìm đến trao tận tay bức vẽ. Ai ngờ hôm ấy lại được tin trong một trận đánh, đại đội mà y tá Lợi bám theo bị địch tấn công. Cả đại đội hy sinh quá nửa, người y tá nhiệt tình, vui tính cũng không biết ra sao. Hòa bình, tôi vẫn giữ được bức vẽ nên cất công đi tìm nhân vật, bởi tôi luôn hy vọng trận ấy anh Lợi chỉ bị thương, được đưa đi cấp cứu kịp thời! Hàng chục năm qua, tôi cung cấp thông tin trên nhiều phương tiện truyền thông, tìm gặp cả đồng đội cùng đơn vị những mong gặp anh, nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín”-họa sĩ Vũ Đức Quỳnh bồi hồi.

leftcenterrightdel
 Họa sĩ Vũ Đức Quỳnh bên bức tranh sơn dầu "Nhớ một thời Tây Tiến". Ảnh: TUẤN TÚ

Năm 1973, họa sĩ Vũ Đức Quỳnh bị sốt rét ác tính, phải trở ra miền Bắc điều trị. Đường về cũng đầy gian khổ và hiểm nguy, không thua kém lúc hành quân vào. Dù phải bỏ lại hầu hết quân tư trang sao cho mọi thứ mang theo gọn nhẹ nhất nhưng riêng những bức vẽ được ông gói ghém cẩn thận, coi như báu vật, quyết mang ra Bắc bằng được. Ông bảo, làm cán bộ cơ quan tuyên huấn nên được đi nhiều, vẽ cũng nhiều. Tất cả đều là ký họa. Phần lớn ông gửi về đơn vị để phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền hoặc tặng nhân vật của mình. Vì vậy, cho đến khi kết thúc chiến tranh, ông chỉ còn giữ được cho mình 11 bức ký họa về Trường Sơn. Năm 2019, ông trao toàn bộ tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam làm hiện vật lưu giữ và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

leftcenterrightdel
"Nhớ một thời Tây Tiến"  - tranh sơn dầu của họa sĩ Vũ Đức Quỳnh. 

Sau khi xuất ngũ, ông Vũ Đức Quỳnh về cơ quan cũ công tác. Vẫn nuôi dưỡng đam mê với hội họa, ông quyết định đi học tiếp tại Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội. Hết mình cống hiến thầm lặng sau hậu trường của mỗi thước phim tài liệu khoa học, đến năm 1994, ông nghỉ công tác. Vậy là từ đó ông có nhiều thời gian dành cho niềm đam mê sáng tác hội họa. Phòng tranh của ông chính là tầng 1 ngôi nhà mà cả gia đình ông sinh sống. Trong không gian giản dị ấy, ông thả hồn vào các bức vẽ. Nhớ về Trường Sơn và đồng đội năm xưa, ông lục tìm trong ký ức để vẽ lại những khuôn mặt quen ấy. Tranh về đề tài cách mạng luôn là ưu tiên hàng đầu của ông. Bức tranh sơn dầu “Nhớ một thời Tây Tiến” mà ông vừa hoàn thành cũng là những mảnh ghép theo dòng hoài niệm khi ông đọc lại bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng. “Bức tranh lấy chủ thể trung tâm là người lính hành quân vượt đèo dốc để sang phía Tây chiến đấu. Xung quanh họ là đồi núi trập trùng của miền Tây Bắc và sương bao phủ. Phía xa xa là dòng sông Mã uốn quanh và những nếp nhà sàn cùng bóng dáng của các cô gái Thái bịn rịn tiễn đưa đoàn quân lên đường trong một buổi chiều vàng với bầu trời tím ngắt. Họ cùng ngồi quanh ánh lửa bập bùng khi bóng chiều buông xuống... Chỉ thế thôi cũng đủ để hình dung, thời nào cũng vậy, người chiến sĩ sẵn sàng chấp nhận khó khăn, gian khổ, gác lại niềm riêng để tiến về phía trước. Tôi sáng tác với tấm lòng biết ơn họ và để truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay”-họa sĩ Vũ Đức Quỳnh cho biết.

BẢO LINH