Ông vui vẻ bảo, tới đây, gần 300 bức ký họa chiến trường được vẽ từ hơn 50 năm trước ở Trường Sơn cùng 30 bức tranh sơn dầu khổ lớn và vừa của ông sẽ được chuyển đến một “ngôi nhà” mới. Đó là niềm mong mỏi của ông bấy lâu nay.
Đã ngoại thất tuần, họa sĩ Đức Dụ vẫn hằng đêm say sưa “vẽ lại ký ức”. Ông hồ hởi khoe với khách về bức tranh “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập” khổ lớn mà ông vừa hoàn thành sau gần 4 tháng miệt mài bên giá vẽ. Ký ức về Trường Sơn, về đồng đội dường như chưa khi nào phai mờ trong ông...
|
|
Họa sĩ Đức Dụ bên "Trọng điểm Tha Mé mùa khô 1968"-một trong những bức tranh nổi tiếng của ông. Ảnh: THỦY TIÊN |
Năm 1965, học hết lớp 10, Nguyễn Đức Dụ hăng hái đăng ký tòng quân. Ban đầu, ông về Trung đoàn 5 công binh, trải qua một số đơn vị rồi về Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Trường Sơn. Ngày ấy, với tấm giấy giới thiệu trong tay, ông mải miết đi khắp các mặt trận, lúc ở với đơn vị công binh, khi theo đoàn xe vận tải, lúc lại hòa với đoàn dân công hỏa tuyến... Không chỉ viết tin, bài để tuyên truyền trên bản tin nội bộ, ông dành mọi thời gian rảnh rỗi để vẽ. Lúc mọi người nghỉ thì ông sáng tác, bằng mọi thứ kiếm được trong tay, thiếu giấy thì thay bằng báo, bao tải, bao xi măng... Hiện thực cuộc chiến khốc liệt thôi thúc người nghệ sĩ không ngừng sáng tạo. Có những tác phẩm ông đã sáng tác ngay tại trận địa như lần theo đoàn xe vận tải chở đạn pháo vào chiến trường ở Mặt trận Đường 9-Nam Lào. Xe đến nơi đúng lúc bộ đội ta đang đánh điểm cao. Ông lao vào chiến đấu cùng đồng đội thì một chiến sĩ hét lên: “Anh hãy vẽ đi. Lúc này anh không vẽ thì còn lúc nào nữa!”. Vậy là ông bỏ đồ nghề ra vẽ, giữa tiếng súng và tiếng nổ vang trời của đạn pháo. Đó là hoàn cảnh ra đời của bức ký họa “Pháo vào trận địa” như “chụp” lại khí thế xung trận của quân ta. Cũng có những lần cái chết chỉ cách ông trong gang tấc. Lần ấy, qua phà Ròn (Quảng Bình), ông thấy biển đề quán cơm mậu dịch chỉ cách đường 300m. Ông vào mua cơm, vừa nói chuyện với người bán hàng được mấy câu thì chói tai bởi một quả đạn lạc. Người bán hàng ra đi ngay phút ấy. Ông cũng không hiểu sao mình lại may mắn thoát chết!
Càng đi, càng chứng kiến nhiều, cảm hứng đến với ông càng dào dạt, trong đó có hình ảnh của những người dân nơi tuyến lửa. Tại phà Bến Thủy, ông đã gặp hình ảnh hai ông cháu ngồi bán dưa ngay bên cạnh trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Người ông ngồi bán mấy quả dưa nhỏ gia đình trồng được, còn cậu bé khoảng 10 tuổi ê a học bài bên cạnh. Ông đến gần hỏi chuyện, nhắc họ nên vào chỗ an toàn chứ ở đây nguy hiểm lắm. Người ông chỉ cười bảo: "Chúng tôi quen rồi, không chết được đâu mà sợ!". Hoặc chuyện hai ông cháu người dân tộc Pa Cô ở phía tây Thừa Thiên-Huế khiến ông nhớ mãi. Người ông khoảng ngoài 60 tuổi, đã mù cả hai mắt vì bị địch tra tấn, vẫn gùi trên vai thùng đạn 60kg, tay kia thì cầm một đầu gậy do người cháu dẫn đường. Hình ảnh cảm động của hai ông cháu cõng hàng đi chiến dịch đã để lại xúc cảm mạnh mẽ giúp ông nhanh chóng hoàn thành bức ký họa. “Ý chí của dân mình là thế! Không sợ gian khổ, không sợ hiểm nguy! Vậy thì vì cớ gì mà mình không lao vào vẽ, bởi những bức tranh cũng là “vũ khí bí mật” trên chiến trường, khích lệ tinh thần chiến đấu và chiến thắng của bộ đội, nhân dân”. Ông hào hứng chia sẻ với chúng tôi về cảm hứng sáng tạo ngày ấy.
Chính bởi những tình cảm sâu nặng với Trường Sơn mà mấy chục năm nay, ông vẫn nâng niu gìn giữ những bức ký họa tại tư gia. Ông kể: “Nhiều năm trước, một số khách nước ngoài đến tận nhà trả giá cao để mua lại những bức ký họa này. Nhưng tôi từ chối luôn. Đó là ký ức của tôi, của biết bao đồng đội một thuở ở Trường Sơn. Bán tranh là bán đi ký ức, sao tôi có thể làm thế được!”. Chính vì vậy, khi bà Phạm Thúy Hằng-Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup đề nghị hợp tác với ông xây dựng một phòng trưng bày để lưu giữ và giới thiệu tới công chúng về “gia tài”-có thể nói là có số lượng tranh ký họa lớn nhất về Trường Sơn cho đến nay, ông đã vui vẻ đồng ý. “Là một người yêu nghệ thuật, bà Hằng đã nhiều lần tài trợ tổ chức các cuộc triển lãm tranh cũng như in 3 cuốn sách tập hợp các tác phẩm của tôi. Người họa sĩ già như tôi chẳng có mong muốn nào hơn là những "đứa con tinh thần" của mình sẽ được bảo quản, gìn giữ và trưng bày làm hiện vật để tuyên truyền về Trường Sơn cho thế hệ hôm nay và mai sau!"-họa sĩ Đức Dụ cho biết.
"Đó là ký ức của tôi, của biết bao đồng đội một thuở ở Trường Sơn. Bán tranh là bán đi ký ức, sao tôi có thể làm thế được!" - Họa sĩ Đức Dụ. |
PHẠM THỦY