Ông Nghĩa kể: “Quần cộc, áo tù là trang phục hằng ngày của tù nhân tại Nhà tù Phú Quốc trong kháng chiến chống Mỹ. Sau khi bị bắt giam, chúng tôi phải làm thủ tục cạo đầu, chụp ảnh với số tù, lăn tay để làm căn cước và được phát quần áo tù. Mỗi năm, tù binh được phát 2 bộ quần áo và đồ dùng cá nhân nhưng thường bị cắt xén hoặc chờ đến khi có phái đoàn ra đảo kiểm tra mới được phát”.

Chính vì vậy, anh em tù phải đấu tranh đòi giải quyết chế độ. Tùy mức độ đấu tranh của từng phân khu trại giam mà số lượng quần áo tù được phát mỗi trại một khác. Số ít trại được phát hai bộ/năm, đa phần các trại 2-3 năm không được phát. Về chất liệu, đa số là giống nhau, chủ yếu là loại vải thô, mỏng, màu nâu. Số ít trại được phát quần áo vải bao bố, ni lông. Về kiểu dáng, chủ yếu là áo bà ba, cổ tròn, tay ngắn, hai vạt áo may hai túi, cũng có trại có kiểu áo khác. Trên áo phía trước ngực trái có ghi số tù nhân, phía sau lưng ghi chữ TB (tù binh).

leftcenterrightdel

Ông Nguyễn Thế Nghĩa và vợ trao kỷ vật tặng Bảo tàng Bắc Ninh.

Do bị tra tấn đánh đập hàng ngày, cộng thêm chỗ ăn ở không sạch sẽ, không được thay giặt thường xuyên nên quần áo thường cáu bẩn, rận rệp khắp nơi, tù nhân phải mang quần áo phơi trên mái tôn nhà nóng bỏng nên rất nhanh rách. Khi quần áo rách chưa được phát mới, các chiến sĩ tự may vá lại. Mụn vá lấy từ những quần áo rách nát, rồi lấy nhựa cao su dán lại, làm cách này chỉ 1-2 lần giặt là miếng vá bong ra. Sau này, ông Nghĩa và đồng đội tự làm kim và rút sợi chân màn tuyn làm chỉ may vá được lâu hơn.

Chiếc áo tù của ông Nghĩa là loại áo dài tay, cổ tròn (có thể bẻ được), có hàng cúc áo ở giữa, hai vạt áo may hai túi. Tuy nhiên, do bị tra tấn và mưa nắng nên áo không còn lành lặn, thủng vá nhiều chỗ. Ông đã cắt hai tay áo, tháo hai túi áo để làm mụn vá. Đặc biệt, trên ngực áo có miếng vá giả để giấu lá cờ Đảng và ảnh chân dung Bác Hồ vẽ bằng máu của ông và đồng đội mà ông có ý định mang về trao cho gia đình liệt sĩ Lê Đức Thiện-người được ông tổ chức kết nạp Đảng, sau đó trong đấu tranh chính trị đã hy sinh trong tù. Khi trao trả tù binh, ông vẫn cầm chặt chiếc áo tù rách rưới trong tay, coi đó là kỷ vật vô giá và gìn giữ đến tận hôm nay.

Tìm hiểu kỹ chúng tôi được biết, ông Nguyễn Thế Nghĩa sinh năm 1945 tại quê hương Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Năm 1967, ông nhập ngũ lên đường vào Nam chiến đấu. ông bị địch bắt và đày ra đảo Phú Quốc năm 1970. Những ngày tháng bị giam cầm tại Nhà tù Phú Quốc, ông bị địch tra tấn bằng nhiều trận đòn dã man, có lần bị tên Bảy Nhu đục gãy 4 răng cửa. Không nao núng, ông bắt liên lạc với các đảng viên, thành lập chi bộ đảng trong tù và được bầu làm Bí thư Chi bộ Phân khu 11, tiếp tục lãnh đạo các phong trào đấu tranh ở trong tù cho đến ngày được trao trả tự do năm 1973.

Hòa bình lập lại, ông đi khắp nơi, hỏi thăm nhiều đồng đội về gia đình liệt sĩ Lê Đức Thiện để trao tặng kỷ vật trên nhưng không có thông tin. Ông đã cất giữ chiếc áo tù, lá cờ Đảng và ảnh Bác Hồ cẩn thận. Vào những ngày lễ kỷ niệm, ông mang lá cờ Đảng và hình ảnh Bác Hồ kính yêu nhuốm máu của mình và đồng đội ra xem. Hiện nay, lá cờ Đảng và ảnh Bác được lưu giữ trang trọng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Còn chiếc áo được ông hiến tặng Bảo tàng Bắc Ninh để tuyên truyền về lịch sử đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: AN NGỌC