Từ đó, chiếc đài trở thành người bạn thân thiết của người chiến sĩ cách mạng trong những ngày bị địch giam cầm.

Ông Nghĩa kể, một ngày đầu tháng 10-1971, quân cảnh vào trại giam đưa 8 người ra ngoài kiếm củi cho nhà bếp nấu cơm. Trong số đó có Thiện, là người nổi tiếng gan dạ trong đấu tranh đòi quyền lợi cho anh em. Mới chỉ là đoàn viên nhưng tinh thần chiến đấu của Thiện rất quả cảm, anh sẵn sàng xin được mổ bụng để chống kẻ thù tra tấn. Tuy nhiên, Đảng bộ nhà tù kiên quyết bảo vệ Thiện vì anh đang nắm giữ nhiều bí mật của Bộ tư lệnh Miền cũng như tạo nguồn cán bộ sau này cho cách mạng.

leftcenterrightdel
Chiếc đài bán dẫn hiện được trưng bày tại Khu di tích nhà tù Phú Quốc.  

Áp tải bộ phận lên rừng lấy củi là một tiểu đội quân cảnh. Khi đến bìa rừng, chúng chia tù nhân thành 4 nhóm, mỗi nhóm được phát một con dao để chặt củi. Để bảo đảm an toàn, chúng bố trí đội hình vòng cung, đặt một khẩu đại liên và súng AR15 hướng về các tù nhân. Phía sau rừng là đồi cao nên chúng đinh ninh rằng các tù nhân sẽ không trốn thoát được. Vì vậy, mấy tên lính tụm lại đánh tú lơ khơ, chỉ còn 3 tên canh gác. Mỗi tên được cấp một chiếc đài bán dẫn mở nhạc ầm ĩ cả khu rừng.

Chặt củi được gần một giờ, nhóm của ông Nghĩa và Thiện đem củi ra bìa rừng để phơi. Lúc này, Thiện nói với ông Nghĩa: “Anh Nghĩa ơi! Ở ngoài kia có cái đài, tên quân cảnh treo ở cành cây mà nó không có ở đó”. Ông Nghĩa hỏi: “Có lấy được không?”. Thiện nói: “Nó không để ý, em sẽ lấy được”.

Để lên phương án lấy cái đài, ông Nghĩa trao đổi với hai đồng chí Kinh và Diêu. Kinh nói: “Lấy xong giấu ở đâu, làm sao mang vào trong trại được?”. Diêu góp ý: “Hay chúng ta giấu vào củi”. Một ý nghĩ lóe lên, vậy là các anh em chặt một cây củi có thân rỗng để giấu cái đài. Khi bọn quân cảnh mất cảnh giác, Thiện nhanh tay lấy cái đài và cất giấu theo kế hoạch.

Khi lấy đủ số lượng củi, chúng bắt bộ phận đi lấy củi đứng xếp hàng để thu dao. Lúc này, một tên lính báo mất cái đài và đi tìm nhưng không thấy. Ông Nghĩa cho biết: “Chúng nghi ngờ anh em tôi lấy cái đài nên kéo ra đánh, khám xét nhưng trên người chúng tôi chỉ có manh áo rách. Vì thế chúng không có cớ hành hạ chúng tôi nữa. Mấy tên lính quay sang cãi vã, đổ lỗi và chia nhau đi tìm. Cuối cùng không thấy, chúng dẫn chúng tôi về trại”.

Về đến nơi, ông Nghĩa báo cáo với đồng chí Tô Diệu (bí danh Già Dung), Bí thư Đảng ủy Trại giam B2 về sự việc cái đài. Già Dung mừng lắm và nói: “Các đồng chí cố gắng mang bằng được cái đài về trại để ta nắm tình hình chiến trường và tiếng nói của Đảng”. Hơn nửa tháng sau, mãi đến lần thứ ba ra lấy củi, Thiện mới đến đúng chỗ giấu đài và cùng các anh em vác củi mang về nhà bếp. Ông Nghĩa cho hay: “Ở trong trại anh em thấp thỏm, lo lắng như ngồi trên đống lửa. Đến khi thấy Thiện trở về với nét mặt rất vui, anh nhìn tôi nháy mắt. Tôi hiểu anh ấy đã lấy được cái đài. Thiện về phòng giam, tôi kéo Thiện ra chỗ vắng hỏi: “Đài vẫn còn chứ?”. Thiện nói: “Em đánh giấu vẫn còn nguyên”. Tôi mừng lắm và nói với các anh em rằng: “Chiều nay lấy đài mang vào phòng giam”.

Nhận được chỉ đạo của Già Dung, ông Nghĩa phân công hai đồng chí Kinh, Diêu cùng đồng chí Thiện trực tiếp cất giấu và quản lý đài. Hằng ngày, đồng chí Kinh và Thiện có nhiệm vụ nghe 30 phút phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam; bản tin thời sự của chương trình phát thanh Quân đội nhân dân cùng nhiều tin khác... Khi nắm được thông tin, hai đồng chí báo cáo lại cho Đảng ủy nhà tù để kịp thời thông báo tình hình đến các chiến sĩ cách mạng. Như được tiếp thêm sức mạnh, các cuộc đấu tranh của ta trong nhà tù ngày càng mạnh mẽ hơn. Các chiến sĩ cách mạng càng thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất đấu tranh để giữ vững khí tiết trung kiên, bất khuất. Những hành động đó đã làm cho kẻ thù hoang mang, lo sợ. Nhờ đó, phong trào đấu tranh và niềm tin chiến thắng được củng cố trong toàn Đảng bộ nhà lao.

Đài nghe được gần hai tháng thì hết pin, ông Nghĩa báo cáo tình hình với Già Dung, đồng chí nói: “Anh em phải tìm mọi cách khắc phục để đài hoạt động được”. Rất may mắn, trong số các chiến sĩ của ta có một đồng chí từng làm ở Nhà máy Pin Văn Điển. Theo hướng dẫn, một số chiến sĩ tìm nhặt được đoạn dây điện, cắt miếng tôn và ống nhựa đem về. Sau đó chế kẽm và hai quả pin cũ vào hai ống nhựa, lấy muối trộn với nước cơm sền sệt đổ vào pin, cắm hai cực nối với đài, thế là nghe được. Và cứ làm theo cách trên, khi hết pin anh em lại nhặt pin cũ của địch vứt bỏ, đem về chế lại cho đài hoạt động.

Qua chiếc đài, nghe được tiếng nói của Đảng, của Tổ quốc đã tiếp thêm sức mạnh, khích lệ tinh thần đấu tranh cho các chiến sĩ cách mạng. Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, những chiến sĩ cách mạng của ta được trả tự do. Chiếc đài được hai đồng chí Nghĩa, Kinh giữ làm kỷ niệm. Hiện nay, hai ông đã tặng chiếc đài cho Khu di tích nhà tù Phú Quốc lưu giữ.

Bài và ảnh: BIỆN CƯỜNG