Không chịu nổi cảnh o ép và những cuộc càn quét của quân Pháp đóng tại bốt Thiên (nay thuộc phường Thái Học) ở quê nhà, năm 1952, khi mới 17 tuổi, Nguyễn Văn Sập vượt Đường 18, tìm đường vào Đồng Châu, Hoàng Hoa Thám là khu căn cứ của Việt Minh, xin đầu quân đi chiến đấu. Được bổ sung vào Trung đoàn 246 (nay thuộc Sư đoàn 346, Quân khu 1), anh cùng đồng đội vừa hành quân lên Tây Bắc vừa rèn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Được 2 tuổi quân, một vinh dự lớn đến với người lính trẻ Nguyễn Văn Sập khi anh được điều về đại đội trinh sát tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh cùng đồng đội luồn sâu vào căn cứ địch để vẽ địa hình, theo dõi quy luật di chuyển của chúng rồi về báo cáo cấp trên, góp phần vào Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

Hiệp định Geneva được ký kết, song đơn vị anh được điều động lên huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai làm nhiệm vụ tiễu phỉ. Bom đạn ở chiến trường Điện Biên Phủ ác liệt là thế đều tránh xa anh, vậy mà trên mặt trận giữ gìn cuộc sống bình yên nơi núi rừng Tây Bắc thì anh lại bị thương trong một trận đọ súng với thổ phỉ.

20 tuổi đời, người chiến sĩ Điện Biên Phủ, anh thương binh Nguyễn Văn Sập khoác ba lô phục viên về làng. Nhìn tấm Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ trên ngực anh, gia đình, người thân tự hào, còn người làng ai nấy đều trầm trồ nể phục.

Nhà nghèo, mẹ già, cha mất sớm, người anh trai cũng là bộ đội tham gia chiến đấu chưa thấy trở về. Anh hăng say lao động sản xuất trong tổ đổi công, rồi vào hợp tác xã nông nghiệp, nuôi mẹ già... Anh lấy vợ, vợ chồng tảo tần sớm khuya, bám đồng ruộng, xóm làng, chồng cày, vợ cấy, trong 3 năm sinh hai đứa con.

leftcenterrightdel

Ông Nguyễn Văn Sập và vợ. Ảnh: THÀNH ĐÔNG 

Những tưởng thế là yên phận, nhưng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến trường miền Nam lại vẫy gọi anh. Năm 1965, anh lên đường tái ngũ. Biết anh là chiến sĩ Điện Biên Phủ, đã kinh qua chiến đấu, cấp trên giao cho anh chức vụ Tiểu đội phó ở một đơn vị bộ binh thuộc Trung đoàn 102, Sư đoàn 308. Tháng 12-1965, anh cùng đơn vị lên đường vào miền Nam chiến đấu. Sau đó, anh tiếp tục được điều chuyển, bổ sung cho nhiều đơn vị, tham gia các trận đánh lớn ở Bình Long, Phước Long, Đồng Xoài, Long An... Từ trong chiến đấu, anh nhanh chóng trưởng thành, đảm nhiệm chức vụ Đại đội phó thuộc Cục Hậu cần Quân khu 7.

Đơn vị anh bấy giờ nhận nhiệm vụ vận tải hàng phục vụ chiến trường, từ miền Bắc chuyển vào, từ biên giới Campuchia chuyển sang. Những chiếc xe đạp thồ được sử dụng để vận chuyển vũ khí, đạn dược và lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ chiến đấu, không chỉ thế, còn cáng thương binh, qua những chặng đường dài hàng chục cây số đường rừng núi, vượt bao bãi mìn và những trận B-52 rải thảm. Anh chẳng nhớ đã trải qua bao nhiêu cơn sốt rét hành hạ tưởng chừng không thể gượng dậy...

Sau Ngày giải phóng miền Nam, anh vẫn công tác ở Cục Hậu cần Quân khu 7. Năm 1979, anh được điều về tăng cường cho tỉnh Đồng Nai làm công tác tổ chức Đảng. Thế nhưng chưa quen hết việc ở đây thì anh lại có quyết định trở ra Bắc, về một đơn vị thuộc Quân khu Thủ đô (nay là Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội). Công tác một thời gian, anh lại được điều về một đơn vị bộ đội đóng quân ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Năm 1982, cựu chiến binh Nguyễn Văn Sập nghỉ hưu với cấp bậc Đại úy, chức vụ Tiểu đoàn trưởng.

Về quê, sau những ngỡ ngàng, ông Sập lại tiếp tục cày cuốc, chăn nuôi, trồng trọt cùng người vợ đằng đẵng nhiều năm chờ chồng, thờ mẹ, nuôi con. Hai con đến tuổi trưởng thành, ông dựng vợ, gả chồng cho các con yên bề gia thất. Lương hưu Đại úy và phụ cấp thương binh hạng 4/4 không đủ chi dùng trong gia đình, ông dành dụm tiền mua máy xay xát bột cho trẻ em, xay đỗ gia công.

Khu dân cư có 7 chiến sĩ Điện Biên Phủ. Những năm trước, ông Sập cùng các bạn rủ nhau thành lập “Hội gia đình chiến sĩ Điện Biên Phủ” và ông thường mời các bạn về nhà mình gặp mặt. Có năm tập trung đủ cả 7 đôi vợ chồng trong hội, cùng nhau ôn lại thời máu lửa xông pha trên chiến trường Tây Bắc, Chiến dịch Điện Biên Phủ với biết bao kỷ niệm oai hùng. Rồi theo thời gian họ lần lượt ra đi, đến nay chỉ còn mình ông. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tháng 5, ông lại tìm đeo chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ mà ông luôn trân quý, giữ gìn, để nhớ về đồng đội một thời...

KHÚC HÀ LINH