Khán giả ngồi nghe chăm chú từng lời bởi chất giọng truyền cảm của chị. Khi chị trình bày xong bài thơ, trong tiếng vỗ tay của khán giả, tôi ôm bó hoa tươi lên tặng chị, để nói lời cảm ơn rằng chị vừa trình bày rất thành công bài thơ “Nhớ con” mà tôi là tác giả! Không chỉ mình chị ngạc nhiên mà mọi người trong hội trường cũng bất ngờ. Bài thơ nữ bác sĩ thuộc hơn 40 năm nay, đã trình bày nhiều nơi nhưng không biết tác giả là ai. Biết tôi là tác giả, chị rất vui mừng, xúc động.
Tôi là tác giả có không ít bài thơ được nhiều người thuộc. Những buổi tôi đi nói chuyện thơ, chuyện khán giả xin phép được lên trình bày bài thơ của tôi họ nhập tâm từ lâu, là điều không hiếm. Trong chương trình hôm ấy, bác sĩ Nguyễn Thị Sáu-người vừa ngâm thơ, không chỉ muốn nghe tôi trình bày lại bài thơ mà còn muốn biết hoàn cảnh ra đời của nó. Tôi đã đáp ứng yêu cầu đó, đọc diễn cảm và nói xuất xứ của bài thơ: Nhớ con.
Cuối năm 1974, Tạp chí Văn nghệ Quân đội cử nhà thơ Duy Khán, Gia Dũng và tôi đi chuyến B dài. Duy Khán và Gia Dũng sẽ vào Tây Ninh bổ sung cho Văn nghệ Quân Giải phóng, còn tôi vẫn là người Văn nghệ Quân đội, nhưng cũng vào Tây Ninh, xin giấy giới thiệu để đi thực tế Đồng bằng sông Cửu Long đang dưới quyền kiểm soát của chính quyền ngụy Sài Gòn. Nhà thơ Vũ Cao gặp tôi: “Duy Khán và Gia Dũng đều đã có vợ con đàng hoàng, Vương Trọng chưa có gì, có yêu cô nào, nói để mình đi hỏi vợ cho, cưới xong rồi đi B!”. Lúc đó tôi có quen một bác sĩ mới ra trường đang công tác ở Hải Phòng, nếu bình thường thì chưa tính chuyện cưới xin, nhưng trong tình hình này, tôi đã thực hiện theo lời khuyên của thủ trưởng. Chính nhà thơ Vũ Cao đã xuống Hải Phòng hỏi vợ cho tôi. Và sau Tết Ất Mão 1975, tôi tổ chức đám cưới để chuẩn bị lên đường.
|
|
Nhà thơ Vương Trọng và bác sĩ Nguyễn Thị Sáu. Ảnh: TRẦN HOÀNG
|
Với ba lô đầy đủ trang bị của sĩ quan Quân đội đi B, chúng tôi nhập trạm giao liên đầu tiên ở Thường Tín, lên tàu hỏa vào Vinh rồi theo ô tô đi qua các trạm giao liên. Vào đến trạm Cam Lộ, Quảng Trị thì dừng lại mấy hôm, bởi lính ta đi vào quá đông, hơn nữa trạm giao liên phía trong đã rời khỏi rừng để sử dụng Đường số 1. Đó là thời kỳ quyết định của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Đáng ra phải vào Tây Ninh, nhưng trong tình hình mới, chúng tôi đã theo cánh quân hướng tới Sài Gòn. Ngày 1-5-1975, ba chúng tôi đã trình diện Văn nghệ Quân Giải phóng ở số 2 Hồng Thập Tự. Hòa bình rồi, nhiệm vụ thay đổi, Duy Khán, Gia Dũng cũng không cần gia nhập Văn nghệ Quân Giải phóng nữa và tôi đi thực tế Đồng bằng sông Cửu Long vừa mới giải phóng.
Hơn một năm sau, tháng 7-1976, xong đợt công tác, tôi ra Bắc và về thăm nhà. Vợ tôi là bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, được phân nửa căn hộ ở khu tập thể Cát Bi (Hải Phòng). Hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp là đứa con trai đang ngồi trên giường một mình, còn vợ tôi đang khuấy bột dưới bếp. Tôi cúi xuống đưa tay định bế thì nó khóc toáng, làm mẹ chạy lên. Thấy một ông bộ đội, vợ tôi sững người lại một lúc mới nhận ra là chồng mình. Con trai của tôi đã hơn 6 tháng tuổi!...
|
|
Nhà thơ Vương Trọng (thứ hai, từ phải sang) kể xuất xứ bài thơ “Nhớ con” của mình. Ảnh: TRẦN HOÀNG
|
Nghỉ phép vài tuần, tôi trở lại cơ quan ở Hà Nội. Ít lâu sau, vợ tôi phải gửi con về quê ngoại-xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Khoảng cách chỉ ba chục cây số, nhưng phải qua một cầu phao bắc qua sông Lạch Tray rồi qua phà Khuể trên sông Văn Úc. Đường xấu, ô tô cực hiếm hoi. Nhiều bạn đọc cứ nghĩ tôi viết bài thơ này ở quê hương của họ, vì thấy chuyện qua cầu phà. Thì ra thời chiến tranh, vùng quê nào đi lại ở đồng bằng miền Bắc cũng qua cầu phà cả!
Bài thơ này lần đầu đăng ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội số Tết năm 1980. Có người chép vào sổ tay, đặc biệt các bạn ngành y. Họ không chỉ ngâm nga hằng ngày mà còn trình bày trong các đêm hội diễn văn nghệ. Nhiều bạn khen bài thơ nói đúng tâm trạng vợ lính, xa chồng biền biệt, coi “Nhớ thương là hạnh phúc những ngày xa”.
Nhà thơ VƯƠNG TRỌNG
Nhớ con
(viết cho Liêu Dương, năm 1976)
Mẹ nghề y nhiều đêm trực vắng nhà
Tròn một tuổi gửi con về quê ngoại
Quê ngoại con là quê mẹ đấy
Sao bây giờ mẹ thấy xa xôi.
Một con đường mờ mịt mưa rơi
Một con đường gió mùa nào cũng ngược
Một bến phà người chờ hai bờ nước
Chiếc cầu phao con sóng nổi bồng bênh.
Con xa rồi mẹ thức với mông mênh
Quờ cánh tay thấy giường chiếu rộng
Võng cởi rồi, còn dây buộc võng
Tiếng à ơi vương vấn hai đầu.
Con xa tuần, mẹ tưởng tháng lâu
Con xa tháng, ngỡ năm trời đằng đẵng
Đâu sợi tóc mềm như tơ nắng
Môi ngây thơ tập gọi ơi bà!
Nửa năm trời con mới thấy mặt cha
Cha trở về và cha đi, vội lắm
Đừng trách con ơi, cha là người lính
Người lính mấy khi được ở gần nhà.
Mẹ đưa con về ở cùng bà
Tình thương mẹ chia đều hai ngả
Nửa theo gió thổi đi miền đất lạ
Nửa hòa vào con sóng vỗ lời ru.
Nỗi lòng cha cũng hai nửa phân chia
Nửa nhớ con, nửa thương về nơi mẹ
Chỉ riêng con còn thơ dại quá
Có bao giờ con biết nhớ cha đâu!
Có bao giờ con biết nhớ cha đâu
Nỗi nhớ ấy con dồn về cho mẹ
Cha đi suốt một thời trai trẻ
Vẫn nguyên lành trong mẹ buổi chia tay.
Vẫn nguyên lành như nỗi nhớ con nay
Dáng cha đi trong điệp trùng đội ngũ
Đừng trách mẹ có đêm dài ít ngủ
Nhớ thương là hạnh phúc những ngày xa.