Từ mái trường này, gần 30.000 cán bộ chính trị đã đi đến mọi miền của Tổ quốc; phát huy trí tuệ, tài năng, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), chúng tôi có cuộc đối thoại với Trung tướng Trần Quang Trung, Chính ủy Trường Sĩ quan Chính trị.

Sự kiện bước ngoặt và dấu ấn đổi mới

Phóng viên (PV): Tháng 11 này, Trường Sĩ quan Chính trị không chỉ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) mà còn đánh dấu 12 năm nhà trường chính thức hoạt động độc lập trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đây là một sự kiện bước ngoặt và mở đầu thời kỳ phát triển vượt bậc với nhiều dấu ấn nổi bật làm thay đổi vị thế của nhà trường. Đồng chí có cảm nhận gì về sự kiện và dấu mốc này?

Trung tướng Trần Quang Trung: Ngày 22-5-2008, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 69/2008/QĐ-BQP về việc thành lập Trường Sĩ quan Chính trị trực thuộc Bộ Quốc phòng, trên cơ sở tách chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và quân số được giao nhiệm vụ đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội thuộc Học viện Chính trị-Quân sự. Tháng 11-2008, nhà trường chính thức hoạt động độc lập trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Từ ngày tái lập đến nay, quán triệt, chấp hành đường lối của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhà trường có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt.

leftcenterrightdel
Trung tướng Trần Quang Trung. Ảnh: TUẤN TÚ

Nhìn lại hành trình gần 45 năm kể từ khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 18/QĐ-QP ngày 14-1-1976, về việc thành lập Trường Sĩ quan Chính trị, trải qua nhiều giai đoạn với nhiều cung bậc lịch sử khác nhau, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của nhà trường đều phát huy tốt truyền thống “Trung thành, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, dạy tốt, học tốt”, góp phần xây dựng Trường Sĩ quan Chính trị thành một nhà trường “Gương mẫu toàn diện của Quân đội ta” như mong muốn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng về thăm trường năm 1992. Từ mái trường này, gần 30.000 cán bộ chính trị đã đi đến mọi miền của Tổ quốc; phát huy trí tuệ, tài năng, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

PV: Việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp dạy học là yêu cầu thường xuyên và quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo với bất kỳ học viện, nhà trường nào. Với Trường Sĩ quan Chính trị, những năm qua, việc đổi mới này được thực hiện như thế nào và đâu là những dấu ấn nổi bật?

Trung tướng Trần Quang Trung: Trong những năm qua, nhà trường đã chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ với các khoa giáo viên, tích cực triển khai xây dựng chương trình khung, kế hoạch đề bài, đề cương chi tiết mới cho các đối tượng đào tạo, theo hướng tiếp cận năng lực, chuẩn đầu ra của các đối tượng; tăng tính khoa học, hiện đại, tính thực tiễn, cập nhật bổ sung các thông tin mới, sát với đặc thù nghề nghiệp, phù hợp với đối tượng đào tạo, giảm những chủ đề lý thuyết thuần túy, tăng cường các chủ đề tích hợp; đổi mới các hình thức dạy học, đặc biệt là các hình thức kiểm tra đánh giá theo hướng đa dạng, tổng hợp tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên đổi mới các phương pháp dạy học, đồng thời kích thích tính tích cực, độc lập, sáng tạo của học viên trong quá trình học tập. Tổ chức tốt việc xây dựng và thực hiện các chương trình, nội dung huấn luyện liên kết môn; huấn luyện chung, thi chung của một số đối tượng để tăng tính hiệu quả, giúp giảng viên có thể vận dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực hóa hoạt động nhận thức của học viên.

Đặc biệt, nhà trường đã chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trong đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng các phương pháp dạy học theo hướng phát huy vai trò chỉ đạo, định hướng của người thầy, người cán bộ quản lý vào quá trình dạy học; khuyến khích đội ngũ giảng viên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, 100% bài giảng sử dụng phương tiện trình chiếu PowerPoint, 100% giáo án có câu hỏi phát hiện vấn đề, qua đó tăng cường tính dẫn dắt, nêu vấn đề, khái quát hóa các nội dung học tập. Nhà trường coi việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực là một tiêu chí để đánh giá chất lượng, hiệu quả bài giảng của đội ngũ giảng viên.

leftcenterrightdel
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị với các đại biểu dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ Trường Sĩ quan Chính trị, tháng 8-2020. Ảnh: PHAN TUỆ

Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học đã được đổi mới theo hướng kết hợp nhiều phương pháp để kiểm tra tổng hợp, toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ và phương pháp tư duy của học viên. Trong đó đặc biệt chú trọng kết hợp giữa phương pháp thi tự luận với thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính, thi trắc nghiệm kết hợp thực hành; thi thực hành kết hợp vấn đáp... để nâng cao chất lượng hoạt động đánh giá kết quả người học theo hướng bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác. Hệ thống ngân hàng đề thi, đáp án được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện theo hướng kết hợp đánh giá người học ở tất cả các trình độ.

Sứ mạng và tầm nhìn trong giai đoạn mới

PV: Ngày 30-5-2019, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 51-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo... Theo định hướng này, Trường Sĩ quan Chính trị đã cụ thể hóa như thế nào để thể hiện sứ mạng và tầm nhìn trong giai đoạn mới, thưa đồng chí Chính ủy?

 

Trung tướng Trần Quang Trung: Như các đồng chí đã biết, thực hiện Kết luận số 51-KL/TW, ngày 11-5-2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 628/QĐ-TTg, tiếp đó Bộ Quốc phòng có Kế hoạch số 2731/KH-BQP về triển khai thực hiện Quyết định số 628/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là những văn bản rất quan trọng, định hướng đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục và đào tạo trong quân đội nói riêng trong nhiều năm tới. Ý thức được điều này, Đảng ủy, Ban Giám hiệu và các cơ quan chức năng của trường đã có khảo sát công phu, xây dựng và ban hành Kế hoạch số 2403 ngày 22-10-2020 về triển khai thực hiện Quyết định số 628/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong kế hoạch đã xác định 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực tiêu biểu. Trong đó, đề ra nhiều đề án, giải pháp cụ thể từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, như: Xây dựng, ban hành chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong nhà trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng, tổ chức thực hiện Dự án đầu tư xây dựng nhà trường theo mô hình nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng Đề án kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2020-2030, định hướng những năm tiếp theo; xây dựng Đề án tự chủ tuyển sinh quân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; thực hiện có hiệu quả chương trình đào tạo học viên Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia...

PV: Là một trong các nhà trường quyết liệt, sáng tạo và đi đầu trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 89/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về một số nhiệm vụ cấp bách nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường quân đội, Trường Sĩ quan Chính trị trở thành mô hình cho nhiều học viện, nhà trường tham quan, học tập. Đề nghị đồng chí cho biết cách làm và hiệu quả cụ thể của mô hình này?

Trung tướng Trần Quang Trung: Trước hết, có thể khẳng định, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ là một chủ trương được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Sĩ quan Chính trị đặc biệt quan tâm. Sau khi có Chỉ thị số 89/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đảng ủy nhà trường đã ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Cùng với đó, nhà trường đã xây dựng Kế hoạch tổ chức tự phúc tra tiếng Anh để đánh giá đúng thực trạng công tác dạy và học ngoại ngữ của nhà trường. Từ năm 2019, nhà trường đã bắt đầu tổ chức thi tốt nghiệp tiếng Anh cho các đối tượng học viên tốt nghiệp, nội dung thi tập trung vào 4 kỹ năng, bám sát theo định hướng của Cục Nhà trường và khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.

leftcenterrightdel
Thầy và trò Trường Sĩ quan Chính trị trong ngày tựu trường. Ảnh: Tuấn Hải.

Đặc biệt, để phong trào học tập ngoại ngữ trở thành nhu cầu tự thân, nhà trường đã phát triển mô hình cộng đồng học ngoại ngữ, tạo môi trường học tiếng Anh ở mọi nơi, trong mọi hoạt động. Nhiều mô hình mới, cách học mới được áp dụng, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực như: Hệ thống pano, khẩu hiệu, bảng biểu, biển tên, kế hoạch công tác của nhà trường, các cơ quan, khoa, đơn vị được thể hiện dưới hình thức song ngữ, báo cáo và nhận báo cáo của học viên, giảng viên trên lớp được thực hiện bằng tiếng Anh; một số cơ quan, khoa giáo viên vào đầu giờ buổi sáng kết hợp trao đổi công việc với lồng ghép kiểm tra từ vựng đối với cán bộ, giảng viên; nhiều cán bộ, giảng viên tự xác định mỗi ngày học thuộc 5 đến 10 từ mới. Hệ thống bảng tin của các đơn vị đều có chuyên mục hoặc bài viết bằng tiếng Anh...

Câu lạc bộ tiếng Anh của nhà trường và các đơn vị (lấy Đoàn thanh niên làm nòng cốt) duy trì hoạt động thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên trong trường và các nhà trường trên địa bàn tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực. Hệ thống truyền thanh nội bộ của nhà trường và các đơn vị đã xây dựng chuyên mục cùng học tiếng Anh, được duy trì thường xuyên vào đầu giờ buổi sáng và cuối giờ buổi chiều, đã phát huy hiệu quả tốt...

PV: Từ thực tiễn của nhà trường, đồng chí còn những trăn trở, băn khoăn hay đề xuất gì với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, cơ quan chức năng trong nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội hiện nay?

Trung tướng Trần Quang Trung: Những năm tới, trước yêu cầu xây dựng mới, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Sĩ quan Chính trị chủ trương tiếp tục quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của cơ quan chức năng cấp trên. Tập trung lãnh đạo thực hiện tốt 3 khâu đột phá về nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật và xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng sự phát triển về nhiệm vụ và mô hình “Nhà trường thông minh” tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Để thực hiện tốt sứ mạng và tầm nhìn đã xác định, Trường Sĩ quan Chính trị rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, quan tâm tạo điều kiện cho nhà trường trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ; hằng năm tăng chỉ tiêu đào tạo sau đại học và đào tạo cấp trung, sư đoàn đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ và sự phát triển của nhà trường; quan tâm chỉ đạo về tổ chức biên chế của Trường Sĩ quan Chính trị đáp ứng sự phát triển của yêu cầu nhiệm vụ. Mặt khác, cần quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị để nhà trường đẩy mạnh triển khai đổi mới, nâng cao hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

TRẦN HOÀNG - SONG THANH (thực hiện)