Người có công đầu trong việc thành lập và phát triển công hội ở Việt Nam là đồng chí Tôn Đức Thắng. 18 tuổi, đồng chí Tôn Đức Thắng rời quê đến Sài Gòn để mưu sinh. Những tháng năm đầu tiên sống ở Sài Gòn, đồng chí đã dày công luyện mình trong lò “bách nghệ” của mưu sinh. Đồng chí làm công cho các ga ra và đề-pô (depot-bến tàu) tư nhân, sửa chữa xe máy, xe hơi, sửa chữa tàu thủy, làm nghề nguội, nghề tiện, nghề điện... Kết quả của việc tích lũy dồi dào nguồn kiến thức lao động bách nghệ cộng với ý thức cộng đồng sâu sắc, đồng chí đã sớm giành được sự tín nhiệm của bạn bè trong giới cần lao. Đồng chí đã thổi luồng sinh khí mới về chính trị vào đội ngũ thợ thuyền, gắn tư tưởng yêu nước với phong trào công nhân, bước đầu tạo ra sự chuyển biến quan trọng: Từ “đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác”.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các đại biểu tham dự Đại hội “Ba sẵn sàng” toàn miền Bắc. Ảnh tư liệu

Khởi đầu từ sự tích cực tham gia vào việc thành lập các hội đoàn trong giới thợ và tiến hành đấu tranh bằng những hình thức phôi thai như: Tổ chức các hội tương tế, ái hữu, đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, phạt vạ... đồng chí Tôn Đức Thắng đã tập hợp một số hạt nhân nòng cốt, tổ chức thành công cuộc bãi công, bãi khóa đầu tiên của công nhân hãng Ba Son (xưởng sửa tàu thủy Sài Gòn) và học sinh Trường Bách nghệ Sài Gòn năm 1912. “Tôi nhớ ngày tôi rời đất nước thân yêu, cuộc bãi khóa, đình công của học sinh bách nghệ Sài Gòn và thợ thuyền Ba Son thắng lợi, cũng là lúc tôi phải cải trang, đổi tên tuổi, xuống tàu Pháp để trốn truy nã. Từ đó, bắt đầu cuộc đời trên mặt biển”-đồng chí Tôn Đức Thắng kể lại trong hồi ký xuất bản năm 1957.

Khi cuộc hành trình lịch sử của đồng chí Tôn Đức Thắng ở nơi “quan san muôn dặm” đang diễn ra thì ở trong nước, kế tục sự khởi đầu của đồng chí, những ý tưởng đấu tranh công hội quyện lẫn với ý thức cộng sản khiến phong trào công nhân nước ta từng bước “thay da đổi thịt”. Để sau này khi trở về nước, Bác Tôn đã hoàn thành xuất sắc cả hai nhiệm vụ lịch sử, vừa là nhà tuyên truyền cổ động nhiệt thành vừa là nhà tổ chức năng động.

Là nhà tuyên truyền cổ động nhiệt thành, thông qua nguồn ấn phẩm cách mạng quý giá trên đất Pháp và tài liệu sách báo của Nguyễn Ái Quốc từ Quảng Châu (Trung Quốc) theo con đường biển vào bến cảng Sài Gòn, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần quan trọng vào việc mở rộng sự du nhập và truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin trên đất nước ta. Là một nhà tổ chức năng động, đồng chí đã vận động sáng lập ra tổ chức Công hội đỏ-công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, là người lãnh đạo nhiều cuộc bãi công có tổ chức, có quy mô và gây được tiếng vang về chính trị cả trong và ngoài nước. Nhất là cuộc bãi công của thợ nhuộm Chợ Lớn vào cuối năm 1922 và cuộc bãi công của công nhân xưởng Ba Son tháng 8-1925. Đáng tiếc, giữa lúc đất nước đang chuyển mình để bước sang cao trào cách mạng sôi động thì đồng chí bị giặc Pháp bắt tại thành phố Sài Gòn vào hạ tuần tháng 7-1929.

Không để phong trào lắng xuống, ngày 28-7-1929, Hội nghị đại biểu Công hội đỏ lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội đã bầu Ban Chấp hành Công hội đỏ Bắc Kỳ do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu. Ngày này sau đó được chọn là ngày truyền thống của công đoàn Việt Nam. Ngay sau hội nghị, Tú Háy, Ngô Sỹ Quyết hoặc anh Bách-những bí danh của người cộng sản kiệt xuất Ngô Gia Tự và cũng là một trong những thủ lĩnh công đoàn nổi tiếng của chúng ta, theo kế hoạch của Đông Dương Cộng sản Đảng, thực hiện xuất sắc màn kịch lừa mật thám Pháp là đã sang Pháp du học, để bí mật vào Sài Gòn. Cùng đi với đồng chí Ngô Gia Tự chuyến ấy, còn có các đồng chí Võ Phong, Nguyễn Trọng Nhật. Họ đã nhanh chóng thâm nhập vào những cơ sở đông thợ thuyền và từng có cơ sở công hội cũ nổi tiếng như: Xưởng Ba Son, hãng rượu Bình Tây, Nhà máy xay Chợ Lớn, cảng Sài Gòn... Một thời gian sau, Đông Dương Cộng sản Đảng đã phái thêm một số đảng viên trẻ, những nhân vật “quen biết” của Công hội đỏ như: Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương hỗ trợ đồng chí Ngô Gia Tự. Tất cả tụ lại ở xóm Thị Nghè, xóm Chiếu thuộc khu lao động Khánh Hội. Nhớ lại giai đoạn này, lúc sinh thời đồng chí Lê Văn Lương từng kể: “Ban ngày, cũng giống như đồng chí Ngô Gia Tự, chúng tôi làm các nghề khác nhau như thợ máy, phu khuân vác..., thực sự đi “vô sản hóa” theo nghị quyết của Đảng. Qua đó, chúng tôi tìm hiểu tình hình công nhân, nghiên cứu những thủ đoạn bóc lột của bọn chủ, tìm ra các hình thức và khẩu hiệu đấu tranh thích hợp. Các buổi tối và chủ nhật, đồng chí Ngô Gia Tự dành thời gian tiếp xúc với các cơ sở đảng và tổ chức khác, tập hợp, giác ngộ những người lao động ưu tú để bồi dưỡng”.

Và để tạo ra đòn bẩy cho phong trào công nhân Nam Kỳ, người thủ lĩnh công hội Ngô Gia Tự đã chọn 3 điểm chân vạc: Xưởng Ba Son-nơi tập trung công nhân nằm ngay giữa Sài Gòn có truyền thống công hội sớm nhất; đồn điền cao su Phú Riềng ở miền núi có đội ngũ công nhân nông nghiệp gốc Bắc Kỳ bị đối xử như nô lệ; xã Vĩnh Kim ở Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển phong trào cộng sản và Công hội đỏ. Sau khi xây dựng chi bộ ở Ba Son, đích thân đồng chí Ngô Gia Tự lên Phú Riềng giác ngộ Nguyễn Xuân Cừ, Trần Tử Bình-lúc đó còn là công nhân người công giáo. Trong hồi ký Phú Riềng đỏ, đồng chí Trần Tử Bình đã kể lại sự kiện xảy ra đúng vào dịp thành lập Đảng, ngày 3-2-1930, 5.000 công nhân đồn điền Phú Riềng đã bãi công, lập ra “khu đỏ” do chi bộ Đảng và Công hội đỏ lãnh đạo, tay không đối đầu với 1.000 lính Âu Phi và khố đỏ. Sau cuộc bãi công này, ở nhiều địa phương, Công hội đỏ làm nòng cốt cho những cuộc bãi công lớn, như sợi Nam Định; Máy Chai, Hải Phòng; Vinh-Bến Thủy...

Công hội đỏ ra đời đúng lúc bùng nổ cao trào 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh-cuộc tổng diễn tập đầu tiên cho Cách mạng Tháng Tám sau này. Sự kiện “lần đầu tiên công nông nắm tay nhau giữa trận tiền” đã ghi dấu son trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Luồng gió mới ấy được bắt đầu từ chính phong trào công nhân và Công hội đỏ.

DƯƠNG QUANG