1. Năm đó, tôi là một học sinh lớp 4 ở khu phố Hai Bà Trưng (Hà Nội). Sau giờ học buổi sáng 17-3-1964, nhà trường thông báo cử 10 học sinh (trong đó có tôi) đi dự liên hoan văn nghệ tại Hội trường Ba Đình. Vừa ngồi xuống ghế được một lát, bỗng nghe tiếng hoan hô vang dậy. Nhìn ra phía cửa, chúng tôi thấy Bác Hồ xuất hiện. Tiếp theo là bác Phạm Văn Đồng và các cô, các chú khác. Bác Hồ mặc bộ quần áo ka ki trắng đã sờn. Chúng tôi mừng quá, tất cả ùa ra, vây quanh Bác, ai cũng muốn được gần Bác hơn. Bác ra hiệu cho tất cả trở lại chỗ ngồi. Sau đó, chúng tôi được xem Đoàn Ca múa Tân Cương (Trung Quốc) biểu diễn. Trong chương trình có hai bài hát Việt Nam là “Bài ca hy vọng” của nhạc sĩ Văn Ký và “Xuân chiến khu” của nhạc sĩ Xuân Hồng do các nghệ sĩ Trung Quốc trình bày.

Kết thúc buổi biểu diễn, Bác lên sân khấu bắt tay, tặng hoa các diễn viên đoàn bạn và Bác nói chuyện. Người nói đại ý: Tân Cương cách Hà Nội bao xa, đi bằng máy bay hết mấy giờ, đi bằng tàu hỏa hết bao nhiêu ngày, đi bộ hết mấy tháng... Rồi Bác nói tiếp: Các cô, các chú từ Tân Cương xa xôi đến đây, mang cho Bác cháu ta lời ca, điệu múa để Bác cháu ta hiểu thêm đất nước và nhân dân Trung Hoa anh em, thắt chặt hơn tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, thiếu nhi hai nước. Người căn dặn: “Bác được biết các cháu đã cố gắng học tập tốt, lao động tốt và đoàn kết tốt. Bác mong các cháu sẽ cố gắng học tập, lao động và đoàn kết tốt hơn nữa để xứng đáng là thiếu nhi Thủ đô nước Việt Nam XHCN”. Cuối cùng, Bác bắt nhịp cho cả hội trường hát bài “Kết đoàn”. Đúng 10 năm sau ngày được gặp Bác, ngày 17-3-1974, tôi được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam ở tuổi 20 khi đang làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào.

leftcenterrightdel
Bác Hồ về thăm quê, năm 1961.  Ảnh: Trịnh Hải 
2. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn, tháng 3-1976, trong đội hình Đoàn 565 Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, chúng tôi tập kết tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) chuẩn bị tham gia xây dựng đường sắt Thống Nhất. Cùng thời gian đó, hơn 50 cán bộ, chiến sĩ chúng tôi được triệu tập về Trường Quân chính 569 thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn khi đó đóng tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

Tại đây, chúng tôi được cấp trên phổ biến: Theo chủ trương chung, nhà trường tiếp nhận 300 cán bộ, chiến sĩ đã tốt nghiệp phổ thông (hệ 10/10) thuộc các đơn vị trong toàn binh đoàn để bồi dưỡng văn hóa, thi vào đại học, cao đẳng khu vực các tỉnh phía Bắc vào tháng 7 năm đó. Dưới sự hướng dẫn tận tình của các giáo viên, anh chị em học viên khắc phục khó khăn, say mê học tập để đạt kết quả cao nhất. Nơi trường chúng tôi chọn để tổ chức kỳ thi là xã Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An). Chúng tôi có mặt tại Làng Sen ngày 2-7-1976, đúng vào ngày Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ nhất quyết định đổi tên nước ta thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối với nhiều học viên thì đây là lần đầu tiên được về thăm quê Bác.

Ở Làng Sen ngày đó, dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng bà con luôn quan tâm, săn sóc chúng tôi như đối với những người con xa quê lâu ngày trở về khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Đường làng sạch sẽ, phong quang, trẻ em lễ phép, không hề thấy ai to tiếng... Đó là cảm nhận chung của chúng tôi trong suốt hai tuần lễ đóng quân ở Làng Sen. Trước hôm đi thi, chỉ huy khối học viên văn hóa đã tổ chức cho các học viên tham quan nhà và quê ngoại của Bác.

Kết quả kỳ thi năm đó, phần đông học viên dự thi đã trúng tuyển vào học tại các trường đại học trong và ngoài quân đội. Số còn lại cũng được hoàn tất thủ tục để theo học tại các trường cao đẳng và dự bị ở các trường đại học.

Hơn 40 năm đã qua, kể từ những ngày đáng nhớ trên quê Bác, những học viên của Trường Quân chính 569 ngày đó đến nay đã trưởng thành, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong hành trang của họ vẫn vẹn nguyên sự quan tâm của Đảng và quân đội từ những năm đất nước còn bộn bề khó khăn sau chiến tranh, cùng với đó là dấu ấn Làng Sen quê Bác, nơi tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho mỗi người...

LÊ AN KHÁNH