Bác đã 8 lần về thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ sư đoàn. Hình ảnh của Bác trên các trận địa, những lời dạy bảo ân cần của Người mãi là nguồn cổ vũ lớn lao, niềm tự hào của Bộ đội Phòng không Hà Nội.
Câu chuyện diễn ra cách đây tròn nửa thế kỷ và đã trở thành bài học giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 361. Chuyện là, trưa 28-8-1969, sau cơn hôn mê, lúc tỉnh lại, Bác hỏi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ đang đứng quanh mình: “Hôm nay có tin chiến thắng không?”. Một đồng chí trả lời: “Thưa Bác! Sáng nay, Bộ đội Phòng không Hà Nội đã bắn rơi tại chỗ một chiếc máy bay trinh sát của giặc Mỹ ạ!”. Bác rất mệt nhưng vẫn mỉm cười và nói: “Thế thì Bác thưởng cho đơn vị lập công một lẵng hoa…”.
Trận chiến đấu sáng 28-8-1969 vẫn được cựu chiến binh Phạm Đức Hùng, nguyên sĩ quan điều khiển Tiểu đoàn 56, Trung đoàn 263, Sư đoàn 361 nhớ như in: “Khoảng 7 giờ, tại trận địa Vân La, Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội), trời quang mây tạnh, đơn vị nhận lệnh vào cấp 1 và bắt được mục tiêu là chiếc máy bay trinh sát 147-S đang từ hướng đông bắc vào trinh sát các khu vực ở Hà Nội. Kíp chiến đấu của tiểu đoàn gồm: Nguyễn Đình Tích, Tiểu đoàn trưởng; Lưu Kim Vẹn, Chính trị viên; Phạm Đức Hùng, sĩ quan điều khiển; các trắc thủ: Bế Ích Cộng, Trần Minh Hùng, Lưu Văn Hùng, luôn bám sát mục tiêu. Khi mục tiêu vào tầm bắn ở độ cao 15km, góc bắn 052, quả tên lửa S75-Dvina xé không gian lao thẳng vào chiếc máy bay trinh sát 147-S. Đạn nổ ở cự ly 10km, chiếc máy bay rơi ở xã Tân Tiến (Văn Giang, Hưng Yên). Đây là chiếc máy bay thứ tư Tiểu đoàn 56 bắn rơi trong năm 1969”.
Ngày 30-8-1969, lẵng hoa của Bác Hồ được trao đến Tiểu đoàn 56 trong niềm xúc động nghẹn ngào của cán bộ, chiến sĩ. Niềm vui lập công theo lời Bác dạy đã lan tỏa khắp đơn vị. Lẵng hoa của Người được chuyển tới 3 tiểu đoàn còn lại thuộc Trung đoàn 263 để truyền sức mạnh và ý chí quyết tâm chiến đấu lập công đến từng cán bộ, chiến sĩ. Đây cũng là lẵng hoa cuối cùng của Bác mà Sư đoàn 361 vinh dự được thay mặt cho quân và dân cả nước đón nhận trước lúc Người đi xa. Hiện nay, lẵng hoa được đặt trang trọng tại gian trung tâm của Nhà truyền thống Sư đoàn 361.
Nhận lẵng hoa của Người, cán bộ, chiến sĩ trong sư đoàn mang niềm tự hào xen lẫn nỗi lo về sức khỏe của Bác. Và rồi sau đó 3 ngày, tất cả mọi người vô cùng bàng hoàng khi nhận được tin Bác qua đời. Từ sở chỉ huy sư đoàn đến các trận địa phòng không bảo vệ Hà Nội, tất cả cán bộ, chiến sĩ đều hướng về Quảng trường Ba Đình với niềm xúc động không cầm được nước mắt, vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Cả Tiểu đoàn 56 đứng lặng trước lẵng hoa Bác vừa trao tặng, nước mắt rưng rưng, nhiều chiến sĩ không kìm được đã khóc nấc lên. Sĩ quan điều khiển Phạm Đức Hùng đã viết: “Bác Hồ ơi, chúng con xin thề/ Mỗi việc làm như mỗi cánh hoa tươi/ Mỗi suy nghĩ như hương hoa thơm ngát/ Mỗi con người là một bông hoa rực rỡ của Bác Hồ”.
Nhớ về thời điểm ấy, Đại tá Đào Đoàn Thế Hùng, nguyên Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 361, nguyên Phó chánh thanh tra Bộ Quốc phòng kể lại: Biến đau thương thành hành động cách mạng, toàn sư đoàn đã chuyển vào cấp 1, tất cả các đơn vị chuẩn bị khí tài, con người, luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao để bảo vệ Lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tháng 9-1969, sư đoàn đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Trên xe-máy, khí tài đều giăng khẩu hiệu “Quyết tâm lập công đền ơn Bác”.
Từ phong trào hành động cách mạng “Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Sư đoàn 361 đã chuẩn bị tốt mọi mặt, là lực lượng chủ công đánh bại cuộc tập kích đường không chủ yếu bằng B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12-1972, làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” khi trực tiếp bắn rơi 29 máy bay các loại, trong đó có 25 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ), buộc Nhà Trắng phải ngồi vào bàn đàm phán ở Paris.
NGUYỄN CHÍ HÒA