QĐND -  Trung đoàn 27 Triệu Hải (nguyên là Trung đoàn 27 Xô-viết Nghệ Tĩnh) là trung đoàn chủ lực có thời gian hoạt động liên tục (từ Xuân Mậu Thân 1968 đến thềm Hiệp định Pa-ri 1973) trên chiến trường đường 9 - Quảng Trị. Bước vào chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị năm 1972, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức tấn công cụm cứ điểm tây bắc Cam Lộ, mở màn chiến dịch vào ngày 30-3-1972. Sau đó tiếp tục nhập vào mặt trận cánh đông, trực tiếp tiến công giải phóng hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, góp phần cùng các cánh quân bạn giải phóng thị xã Quảng Trị. Từ tháng 6-1972, cùng với các đơn vị bạn, trung đoàn được giao nhiệm vụ trấn giữ hành lang phía đông Thành cổ Quảng Trị, trực tiếp tổ chức tuyến chiến đấu không cho địch thực hiện âm mưu phản kích tái chiếm Thành cổ. Trung đoàn đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.

Hoa nước.

Không chỉ được biết đến với danh hiệu của một trung đoàn chủ lực có nhiều năm bền bỉ tựa vào đất và người Quảng Trị để chiến đấu, từ một góc nhìn khác, trung đoàn còn là một “tập hợp” những tâm hồn lãng mạn cách mạng. Giữa những khoảnh khắc chiến tranh ác liệt, từ những cách nhìn nhận chiến tranh mang đậm chất lãng mạn, những người lính trung đoàn đã bằng nhiều hình thức thi ca, ghi lại một cách chân thật, nhưng cũng rất sắc nét những hình ảnh hùng tráng công cuộc chiến đấu của đồng bào, đồng đội, trong đó nhiều tác phẩm đã được phổ cập qua sách, báo và cả truyền khẩu, được đồng bào, chiến sĩ ghi nhớ. Trong đó có những bài văn tế theo thể văn biền ngẫu: “Nhớ anh Cao Uy” (nguyên Trung đoàn trưởng, người trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 27 phòng ngự tuyến đông thị xã Quảng Trị trong suốt chiến dịch bảo vệ Thành cổ, và hy sinh ngay trước ngày Hiệp định Pa-ri có hiệu lực); “Văn tế đồng đội một thời Quảng Trị” và “Văn tế đồng bào đồng đội đôi bờ Thạch Hãn”.

“Văn tế đồng bào đồng đội đôi bờ Thạch Hãn” là một trong ba bài văn tế do Thiếu tá, CCB Ngô Minh Hớn – nguyên là cán bộ Trung đoàn 27 Triệu Hải, phụng tác theo yêu cầu cuộc hành hương “ấm rừng đồng đội” do những người lính Trung đoàn 27 Triệu Hải cả nước đồng tổ chức theo tâm nguyện: “Không đưa được đồng đội về quê hương, thì đưa quê hương vào cho đồng đội”.

Bằng lối văn chương biểu đạt như rứt lòng của mình, người lính già của trung đoàn đã “ký họa” một cách chân thực chiến dịch bảo vệ Thành cổ của các đơn vị quân chủ lực và địa phương trong đội hình mặt trận cánh đông với hình thái “tổ chức tấn công kết hợp chốt” trên tuyến vành đai 3 mặt Thành cổ với sự tham gia trực tiếp và hiệu quả của các đơn vị hỏa lực trợ chiến. Những nét ký họa sắc nét của ông qua bài văn tế, người ta có thể nhận ra những tấm gương quả cảm của những người lính trong tiểu đội chốt giữ ngã ba Long Hưng của Trung đoàn 48, gồng mình hứng chịu mưa bom bão đạn để trấn giữ mặt trận tây nam Thành cổ, của những trung đội bộ binh đối mặt với hàng trăm đợt phản kích của địch trên tuyến đồng Hải Quy – nam Thành cổ, và cả những người lính Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 27 chốt giữ tuyến chốt trên hành lang Triệu Đông – Triệu Trung cắn răng chấp nhận hy sinh để vừa bảo vệ được dân, mà vẫn giữ được chốt không cho địch vượt tuyến áp vào cổng thành. Và nữa là sự hy sinh của một người phụ nữ địa phương trên tuyến chốt Ngô Xá Tây (Triệu Đông) đã nhào lên trước mũi xe tăng địch, chấp nhận hy sinh cho Quân Giải phóng có cơ hội chia cắt, đánh lui hoàn toàn cuộc phản kích bằng bộ binh cơ giới của địch lên tái chiếm cổ thành…

Trao nước sông quê.

Văn tế đồng bào đồng đội đôi bờ Thạch Hãn

“Anh em chúng tôi, những người đã một thời cùng các đồng bào, đồng đội vào sinh ra tử bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, để địa danh này trở thành một đỉnh cao tuyệt vời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; hôm nay trở lại bến sông này để thăm lại chiến trường xưa, viếng những đồng đội mà “tuổi hai mươi đã hóa thành sóng nước”, đem nước ba miền hòa vào dòng Thạch Hãn để hơi ấm quê hương gần gũi với các anh.

Kính lạy vong linh các anh hùng liệt sĩ

Đã hòa mình vào dòng xanh Thạch Hãn!

 Nghiêng mình kính cẩn thưa rằng:

- Cây núi Mai tươi tốt ngàn năm

Nước Thạch Hãn trong xanh vạn đại

- Trên sông khói sóng, gợi nhớ về một thuở đao binh

Dưới bến thuyền neo, như nhắc lại những lần chèo lái

- Thể phách hòa tan. Tinh anh còn mãi!

Nhớ mùa hè bảy hai (1972) Quảng Trị

- Đầu tháng 5, ta tấn công, chiếm đất, giữ thành

Cuối tháng 6, địch phản kích, giành dân cướp lại!

Thiếu tá, CCB Ngô Minh Hớn tên thật là Ngô Trí Hán, sinh năm 1935 tại làng Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Ông nhập ngũ năm 1954, trải qua nhiều cương vị công tác, từng dạy học, làm công tác cán bộ, công tác tuyên huấn trong quân đội. Tháng 2-1968, ông là một trong số những cán bộ nòng cốt đầu tiên triển khai nghị quyết của Bộ tư lệnh Quân khu 4 thành lập Trung đoàn 27 Xô-viết Nghệ Tĩnh, nay là Trung đoàn 27 Triệu Hải, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1.

- Ngàn vạn tấn đạn bom trút xuống: Không một viên gạch vẹn nguyên

Tám mươi mốt ngày đêm hiên ngang: Giữ bốn cửa thành vững chãi

- Đánh Ngô Xá Tây, địch dùng tăng, pháo, đổ ra

Sập cầu Ba Bến, ta bơi qua sông, chặn lại

- Cuộc quyết chiến so tài nghiêng ngửa, đã từng mấy đợt xông lên

Trận thư hùng dẫu sức không cân, vẫn quyết một phen sống mái!

Chiến sĩ ta:

- Bên dòng sông Thạch Hãn chạnh nghĩ thuở ra vào Thành cổ biết bao lần máu đỏ nhuộm dòng xanh.

 Nơi bè chuối sang sông, sực nhớ khi trúng đạn giữa chừng xin đừng hỏi đâu mồ chôn liệt sĩ

- Trước bom đạn ngút trời, đem dạ sắt ra phơi

Trong gang tấc mất còn, lấy gan vàng ra trải!

- Khói đen phủ kín cả vùng.

Nước đỏ trôi dài một dải

- Hồn tan mặt nước, những mơ hồ trong cõi thinh không

Phách lạc ven sông, bao vô định giữa miền hồ hải

- Nước cả sông sâu.

Mưa dầu nắng dãi

- Người ra đi không để lại hình hài.

Người ở lại những chạnh lòng khắc khoải.

Anh em chúng tôi nay:

Nặng nghĩa tử sinh. Sâu tình đồng loại

Bạn đã đành không thể nào trở lại quê hương

Nên tìm cách đưa quê hương vào cho đồng đội

Quê hương: - Là nước giếng nhà và những dòng sông

                   - Là đất trong vườn và ngoài đồng bãi

 Bởi vậy chúng tôi mang theo:

- Nước sông Kỳ Cùng sát vùng ải Bắc, đèo Chi Lăng lẫm liệt tích Liễu Thăng.

Nước của Hồ Gươm giữa đất Thủ đô, chuyện trả kiếm lung linh màu huyền thoại

- Nước Nhật Lệ in hình mẹ Suốt.

Lách bom đạn, vững tay chèo chống, chở quân sang bằng ngọn lửa trái tim.

Nước nhà Rồng – di tích Bác Hồ, vượt trùng dương mạnh bước ra đi, đưa dân tộc sánh ngang tầm thời đại.

- Rồi nước sông Lam “gừng cay muối mặn”, hòa giọng hát đò đưa, ví dặm, trộn trăng vàng, tưới mát đồng quê.

Nước nơi Trung đoàn “cắt rốn chôn rau”, có hồn thiêng quê Bác gửi vào, pha sắc đỏ ngọt ngào hoa trái.

- Gạo Thái Bình thơm thảo nghĩa đồng chiêm, muối Diêm Điền mặn mòi tình duyên hải

Lễ bạc lòng thành: Nhờ dòng nước biếc mang đi, dương cầu âm ứng: Cậy đám mây xanh chắp lại.

 Cúi nguyện rằng:

- Nước Thạch Hãn là mồ hôi của đá, chắt chiu ngàn khe suối mà ra

Nước ba miền là tâm nguyện của người, chất chứa triệu nỗi niềm sủng ái.

- Hòa vào nhau thay cho “nước cành dương”,

Nước của Phật giúp linh hồn thư thái.

- Người mả gió mồ trăng, cỏ cây là bạn, được quê hương ôm ấp chở che.

- Người “phách lạc hồn xiêu”, sông suối là nhà, được xứ sở vỗ về an ủi.

Những mong:

Anh em ở dương trần, được toại nguyện ước mơ,          

May chi: Đồng đội nơi âm giới, cũng thỏa lòng trông đoái.

 Phục duy thượng hưởng!”

Thạch Hãn, 24-7-2010

CCB Ngô Minh Hớn

Phụng tác

Bài và ảnh: Lê Bá Dương