QĐND - Cách đây tròn nửa thế kỷ, trên sóng phát thanh vang lên lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đó là lời hịch đưa cả dân tộc vào cuộc đụng đầu lịch sử với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng...
Ký ức không phai
Trung tướng Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị năm nay tròn tuổi 90 nhưng ký ức về thời điểm 50 năm trước vẫn còn nguyên vẹn. Khi đó, ông đang là Cục phó Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. “Sáng ngày 17-7-1966, tôi làm việc tại cơ quan và được tin Thành đoàn Hà Nội nhận chỉ thị của Thành ủy Hà Nội tổ chức mít tinh trước Quảng trường Nhà hát Lớn nhân chuẩn bị kỷ niệm 12 năm ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (20-7). Cuộc mít tinh bắt đầu từ 7 giờ sáng nhưng từ 6 giờ thì Đài Tiếng nói Việt Nam đã cho phát lời kêu gọi của Bác Hồ, trong đó có câu nói bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Cuộc mít tinh của tuổi trẻ Thủ đô lập tức biến thành hoạt động đầu tiên trong cả nước hưởng ứng lời kêu gọi của Bác”.
 |
Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (tháng 12-1966). Ảnh tư liệu.
|
Với tựa đề: "Bước đầu tìm hiểu tài liệu “Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17-7-1966”, tác giả Đức Huỳnh và Hồng Duyên của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, bản thảo đầu tiên của lời kêu gọi này được viết tay bằng bút mực màu xanh đen do Bác đọc cho đồng chí Vũ Kỳ là thư ký riêng của Người ghi lại. Bản thảo này gồm 3 trang, phía cuối có bút tích của Bác bằng bút bi đỏ gửi các đồng chí: Tô (Phạm Văn Đồng), Duẩn (Lê Duẩn), Tố Hữu, 5 (Trường Chinh), Dũng (Văn Tiến Dũng), Hùng (Phạm Hùng), Thọ (Lê Đức Thọ), 2 (Quý Hai), Văn (Võ Nguyên Giáp), Trinh (Nguyễn Duy Trinh). Phía bên phải Bác ghi rõ: “Xin cho ý kiến và gửi lại chiều hôm nay”, chiều hôm nay là ngày 14-7-1966. Bản thảo tiếp theo gồm 7 bản đánh máy trên giấy pơ-luya trắng gửi đến các đồng chí: Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng. Trên các bản đánh máy này đều có bút tích của các đồng chí được Bác đề nghị đóng góp ý kiến và có những dấu ký (x) hoặc gạch chân những ý kiến của các đồng chí trong Ban Bí thư và Bộ Chính trị. Bản thảo lần thứ 3 là bản đánh máy trên giấy pơ-luya trắng, nội dung sao từ bản thảo lần 2 và có tiếp thu một số ý kiến đóng góp của các đồng chí trên. Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng bút bi đỏ bên góc trái của trang 1 ghi “15-7-1966”. Trong sưu tập bản thảo của tài liệu này còn một bản thảo (tạm gọi là bản thứ 4) bao gồm 2,5 trang đánh máy trên giấy pơ-luya trắng nội dung đúng như bản thảo lần 3 nhưng lại có một số sửa chữa dấu chấm phẩy, thay đổi một số từ ngữ, là bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng bút bi đỏ. Đây có thể xem là bản chính thức. Như vậy, quá trình hình thành tài liệu kéo dài trong 3 ngày 14, 15 và 16-7-1966. Sáng ngày 17-7-1966, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và được đăng trên Báo Nhân Dân số 4484, ngày 17-7-1966.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân miền Bắc đã đẩy mạnh các phong trào thi đua sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua vừa lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ; bảo vệ vững chắc hậu phương miền Bắc, đồng thời liên tục chi viện ngày càng cao sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và các chiến trường phối hợp khác. Trên chiến trường miền Nam, hưởng ứng mạnh mẽ lời hịch cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta vừa đẩy mạnh tiến công địch liên tục, rộng khắp với quy mô ngày càng lớn trên cả phương diện quân sự, chính trị và binh vận; vừa đánh địch, vừa kết hợp lập thế trận và chuẩn bị tiềm lực mọi mặt; xây dựng và mở rộng căn cứ, mở rộng vùng giải phóng để chuẩn bị trực tiếp cho những đòn tiến công quyết định.
Trong ký ức của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm về Chính trị Tổng cục Kỹ thuật thì lời kêu gọi và tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Bác Hồ được hiện thực hóa sinh động trên tuyến đường mang tên Người. Trong mùa vận chuyển 1966-1967, lực lượng vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn nói chung và binh trạm, Tiểu đoàn 52 của ông nói riêng đã giành thắng lợi lớn. “Mùa vận chuyển đó, Tiểu đoàn 52 chúng tôi được Bộ tư lệnh đánh giá đạt kết quả xuất sắc nhất lực lượng vận tải cơ giới trên toàn tuyến. Tiểu đoàn vinh dự được Bác Hồ tặng cờ: "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Trên cờ có thêu dòng chữ: "Tặng Tiểu đoàn 52” và bút tích chữ ký Bác Hồ. Lễ đón nhận cờ thưởng của Bác được tổ chức trọng thể tại sân kho hợp tác xã thôn Quảng Tái (xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây trước đây). Có Đoàn Văn công Trường Sơn đến biểu diễn chào mừng, sau đó có Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị vào phục vụ. Được nhận cờ thưởng của Bác Hồ là một vinh dự lớn, là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 52. Khi đó, tôi có cảm giác được tặng cờ của Bác trong không khí sục sôi hưởng ứng lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước của Người không khác gì đón danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân”-Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn xúc động nhớ lại.
Chân lý thời đại
Theo Trung tướng Hồng Cư, sau thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đứng trước khả năng đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân vào thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam, ngày 27-3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt, gồm 300 đại biểu đại diện cho các bậc lão thành cách mạng, các ngành, các giới, các đoàn thể, trí thức tiến bộ, nhân sĩ yêu nước và anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đây thực sự là “Hội nghị Diên Hồng” thời đại Hồ Chí Minh để thống nhất ý chí quyết tâm đoàn kết toàn dân tộc cùng chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
 |
Bản thảo Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
|
Tiếp đó, khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước. Lời kêu gọi ấy thể hiện sự tiếp nối truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc với khát vọng: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” và quyết tâm sắt đá trong Tuyên ngôn Độc lập Bác đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trong bài viết nhân một hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không chỉ hiểu đó là tư tưởng của riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn cần phải hiểu đó là tư tưởng, là lẽ sống của cả dân tộc Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đại biểu cho toàn thể nhân dân Việt Nam, toàn thể dân tộc Việt Nam đúc kết, khái quát và khẳng định. Mối quan hệ giữa đất nước và con người, giữa dân tộc, nhân dân và lãnh tụ đã hòa quyện chặt chẽ và thống nhất với nhau trong cùng khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
"Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là một mệnh đề đấu tranh, đấu tranh cho chân lý. Mệnh đề đấu tranh này của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra bốn nội dung cơ bản có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất sâu sắc: Một là, có độc lập, tự do thì sẽ có tất cả; đất nước không thể phồn vinh, dân tộc không thể phát triển, nhân dân không thể có cơm no, áo ấm và cuộc đời hạnh phúc nếu không có được độc lập, tự do. Hai là, muốn có độc lập, tự do thì các dân tộc bị áp bức không thể ngồi yên chờ đợi, càng không thể trông chờ vào sự “ban ơn” của các thế lực đế quốc, thực dân. Muốn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc thực sự thì vấn đề quyết định trước hết là phải giành cho được độc lập, tự do, phải vùng lên xóa bỏ mọi gông xiềng, mọi sự áp bức, nô dịch. Ba là, khi độc lập, tự do bị xâm phạm thì cả dân tộc phải kiên quyết đứng lên chiến đấu đến cùng để giữ vững và bảo vệ nền độc lập và tự do ấy. Và bốn là, khi đã có độc lập, tự do thì phải quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, làm cho nhân dân ngày càng hạnh phúc.
Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” như lời hịch non sông, đã thôi thúc lòng người, hăng hái lên đường đánh giặc, giành độc lập, tự do cho đất nước. Tròn nửa thế kỷ trôi qua, lời hịch ấy tiếp tục vang vọng và tạo nên sức mạnh để nhân dân ta vượt qua khó khăn trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày hôm nay…
TRẦN HOÀNG